Nối tiếp Họa âm xưa năm 2020, Saigon Soul Revival đang dự định ra mắt album phòng thu thứ hai mang tên Mối lương duyên, mang nhạc Việt xưa đi khắp chốn.
Mối lương duyên release album Tour 2024 sẽ mang âm nhạc của họ tới sáu thành phố ở Việt Nam gồm Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, Mũi Né, TP.HCM, Đà Lạt cũng như đi Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha… vào tháng 5 và tháng 7 tới.
Đa quốc tịch trong bầu khí quyển nhạc Việt
Hơn 10 năm trước, nhà sưu tầm âm nhạc Jan Hagenkoetter sang Việt Nam du lịch và tình cờ nghe vài bài ca được thu âm hơn nửa thế kỷ trước. Điều đó đã gợi lên trong lòng anh chàng người Đức này ý tưởng sưu tầm các ca khúc thập niên 1960-1970 để in một đĩa nhạc.
Jan Hagenkoetter tự hỏi: Sao không tìm một ban nhạc có thể chơi thứ nhạc này nhỉ?
Thế là ban nhạc đa quốc tịch Saigon Soul Revival ra đời, Jan Hagenkoetter cũng đảm nhận luôn vai trò quản lý.
Qua vài lần xáo trộn thành viên, Saigon Soul Revival hiện hoạt động với năm người.
Ngoài Nguyễn Anh Minh (hát chính), Nguyễn Hương Bảo Hiếu (trống), Nguyễn Khoa Đăng (keyboard và piano) là người Việt, còn có nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Indy Jeremy Vinh Laville (guitar và đàn nguyệt) và Gabriel Kaouros (bass và bộ gõ) người Cyprus.
Ngoài ra, ban nhạc cũng thường xuyên hợp tác với NSƯT Hải Phượng (đàn tranh và đàn bầu).
Ở Việt Nam, có lẽ chưa có ban nhạc nào giống Saigon Soul Revival cả. Thử hình dung mà xem, quản lý ban nhạc thì sống và làm việc ở Đức, trưởng nhóm Gabriel đã về Cyprus. Khi làm album hay đi show, họ mới tụ về một mối.
Các thành viên làm các công việc khác nhau như dạy ngoại ngữ, dạy đàn, kinh doanh nhạc cụ… để mưu sinh. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh nhưng khi cầm nhạc cụ lên, khi hát lên lại là nhạc Việt thứ thiệt.
Chưa kể họ có lẽ là ban nhạc “già” nhất Việt Nam mới được thành lập vài năm gần đây. Trừ Indy 9x, còn lại đều thuộc thế hệ 8x.
Nguyễn Anh Minh nói với Tuổi Trẻ, âm nhạc không có biên giới lãnh thổ, không phân biệt ngôn ngữ, không có tuổi tác.
Và những gì đến trong đời này, đến – đi – ở lại, được – mất… đều trong một mối nhân duyên định sẵn. Nhạc Việt là mối lương duyên nở rộ để những mảnh ghép khác biệt tụ lại một chỗ, cùng họa âm, cùng phát triển và làm đẹp hơn di sản nhạc Việt.
Mời lên xe về miền quá khứ
Ngoài cover một vài ca khúc nhạc vàng ít gặp hoặc mới một lần thu và chưa thu lại từ đó tới nay, phần lớn các ca khúc của Saigon Soul Revival chơi do họ sáng tác mới là chính.
Hay nói một cách khác, họ đang viết tiếp âm nhạc thập niên cũ bằng tinh thần hôm nay, đưa những gì đẹp nhất của nhạc xưa đến gần người trẻ.
Có một điều đặc biệt, dù là ca khúc mới nhưng mỹ cảm, giai điệu, tinh thần lại đúng với thời điểm âm nhạc lúc đó.
Phần lời nhạc chủ yếu do Anh Minh viết như thơ, Indy và Gabriel chịu trách nhiệm phần nhạc.
Họ không đưa vào các ca khúc của mình những hiệu ứng phòng thu mới mà gắng dùng những tiếng guitar xưa nhất, những âm thanh nguyên bản nhất và gần với nhạc xưa nhất.
Cộng với giọng hát mộc, trầm, dày, khàn, cột hơi vững và vang đanh của Anh Minh như một nhạc cụ riêng biệt, tất cả tạo ra một không gian âm nhạc đầy hoài niệm và tươi mới do cách phối hiện đại mang lại mà lại không gây cảm giác chán chường, não nề, ảo não.
Hồi nghe Họa âm xưa, chất pop mang âm hưởng soul khiến người nghe phải lắc lư, giải phóng mình hết cỡ. Ở đó, rock, bolero, jazz… cùng ca từ tiếng Việt quắn quéo, trương nở và diễn giải tâm hồn Việt.
Còn trong album vừa hoàn tất Mối lương duyên có gì hay? Anh Minh cười, đó sẽ là những ca khúc mới muốn vực dậy lối chơi nhạc của các nhóm thời kỳ 1960 – 1970 bằng cách sử dụng âm thanh thô, chát chúa nặng nề, nhanh, dồn dập và mạnh mẽ.
Đi cùng với đó là lối trình diễn đậm chất phương Tây của rock, bolero, soul, jazz và pop ballad của Việt Nam. Mối lương duyên được nối dài thêm lương duyên bởi các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt.
Ai Thật Lòng Yêu Ai
Cuối tháng 3, Saigon Soul Revival tung trước một single nằm trong album lần này có tên Ai thật lòng yêu ai. Một ca khúc mới toanh nhưng nghe thật đáng yêu, mang màu bolero một thuở nào chưa xa.
Lúc này đây, giọng Nguyễn Anh Minh vang lên trong vòng âm thanh cuộn tròn, sôi động, lí lắc khiến người ta nhún nhảy và hát theo rộn ràng. “Thoáng chút lo lắng vội vàng anh đi/ Đâu muốn em thấy người yêu bên đường/ Bối rối không dám nghĩ em của anh/ Có chắc em đã quên mình thật nhanh“…
Nhạc sĩ Phạm Duy có một câu hát rất hay trong bài Nghìn trùng xa cách: “Mời bạn lên xe về miền quá khứ”.
Ở năm 2024, qua những ca khúc của mình, Saigon Soul Revival mời bạn về lại một trong những miền quá khứ ấy của nhạc Việt và đi tiếp trong rộng dài của nó.
Như lời tự bạch của cả ban nhạc, khởi nguồn từ bầu trời đêm phương Nam, Saigon Soul Revival xuyên qua một đám mây nhiễu động của những cơn mơ, những ký ức, kéo dài trong trạng thái đê mê và đầy phấn khích.
Họ bước chân về lại một khoảnh khắc của lịch sử nhạc Việt, cố gắng dùng âm nhạc để liên kết quá khứ với cách nhìn tươi sáng về tương lai của Việt Nam.