Các ca sĩ cover những ca khúc nổi tiếng đang góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc, giúp ca khúc đến được nhiều người hơn, đồng thời nối dài “đời sống” của ca khúc đó.
Mối quan hệ cộng sinh
Đàm Vĩnh Hưng, Cao Thái Sơn, Bảo Anh… từng tổ chức những cuộc thi cover nhân phát hành ca khúc mới dành cho người hâm mộ với nhiều phần thưởng giá trị, hấp dẫn.
Tuy nhiên, có nhiều người cover những ca khúc hit với mục đích câu view hoặc kiếm tiền khi đăng lên mạng xã hội hoặc YouTube.
Nhiều bản cover lại còn thành công hơn cả bản gốc. Như Thùy Chi khi tham gia Ca sĩ mặt nạ, với giọng hát có quãng giọng rộng và cao, cô mang đến bản phối mới chạm trái tim người nghe ca khúc cover Việt Nam trong tôi là.
Hoàng Dũng và Orange cover ca khúc Dành cho em nhận được hơn 5 triệu lượt xem trên YouTube. Cô đơn trên sofa là một trong những bản hit của Hồ Ngọc Hà. Sau đó, Trung Quân lại được khen bởi giọng hát nội lực khi cover lại bài này tại một show diễn.
Gần đây, hai ca khúc của nhạc sĩ Đông Thiên Đức là Ai chung tình được mãi, Ngày mai người ta lấy chồng cũng được nhiều người cover.
Nhạc sĩ Đông Thiên Đức thừa nhận: “Không thể phủ nhận rằng số lượng người cover càng nhiều càng góp phần khẳng định độ viral (hiệu ứng lan tỏa) của một ca khúc.
Điều này đồng nghĩa nếu một bài không hot thì có rất ít lượt cover.
Có thể hiểu rằng mối liên hệ giữa ca sĩ và người cover là một trong những mối liên hệ cộng sinh”.
Tuy nhiên, Đông Thiên Đức nói theo nguyên tắc tác quyền, người cover muốn đăng lên YouTube hay mạng xã hội buộc phải liên hệ tác giả. Nhưng thực tế phần lớn người cover không liên hệ.
Phải xin phép
Ông Nguyễn Hồ Hải Long – giám đốc điều hành Công ty phát hành nhạc số và bảo vệ bản quyền VIEENT – cho biết cover ca khúc trong thời hạn độc quyền do ca sĩ mua chỉ cần xin phép ca sĩ.
Nếu ca khúc không bán độc quyền thì người cover phải liên hệ tác giả xin phép. Khi cover, mức độ đầu tư cho bản ghi hình chỉ ở mức độ không chuyên hoặc bán chuyên.
Bản cover chỉ được đăng lên YouTube, Facebook hoặc TikTok cá nhân và tuyệt đối không được phát hành, kinh doanh nhạc số.
“Để có thể dễ quản lý về bản quyền và tránh các vấn đề phát sinh về sau, ca sĩ hoặc nhạc sĩ chỉ cho phép người cover sử dụng beat gốc hoặc chỉ cho cover một nửa bài hát” – ông Long cho biết thêm.
Luật sư Trần Trọng Hiếu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022 quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Cover bài hát được xem là tác phẩm phái sinh của tác phẩm gốc hoặc biểu diễn trước công chúng nên sử dụng phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả ca khúc. Như vậy, bất kỳ ai muốn cover lại đều phải xin phép và có sự đồng ý của tác giả ca khúc đó.
“Hành vi cover ca khúc khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng, phải gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số” – luật sư Hiếu khẳng định.
Vẫn cần lộ trình
Ngoại trừ những ca khúc đã bán độc quyền, với những ca khúc còn lại, ai muốn hát cover cho vui mà liên hệ xin phép, tôi thường đồng ý.
Là nhạc sĩ, tôi cũng muốn sáng tác của mình được biết đến nhiều hơn.
Cũng có những người cover mà không xin. Một lần sơ ý quên thì không sao nhưng nếu tái diễn nhiều lần thì kỳ quá.
Khi đó, tôi sẽ nhờ ê kíp hoặc công ty liên hệ. Sau khi nhắc nhở, cũng có người xin lỗi hoặc gỡ ca khúc đó khỏi kênh cá nhân, nhưng cũng có người chẳng phản hồi gì.
Nhìn chung ý thức về bản quyền ở ta chưa được phổ cập một cách rộng rãi, nên vẫn có tình trạng vô tư dùng sản phẩm thuộc chất xám của người khác mà không xin phép.
Tôi nghĩ vẫn cần một lộ trình và thời gian để hình thành văn hóa tôn trọng bản quyền ở nước ta.Nhạc sĩ
Hứa Kim Tuyền
Có sự mập mờ giữa hát cho vui và kiếm tiền
Trước đây hát cover không xin phép diễn ra thường xuyên, gần đây đã đỡ phần nào.
Với các bài hát của tôi, tương quan giữa cover xin phép và không xin phép là 60/40.
Là một người xem trọng chất xám và có ý thức đó là nguồn tài sản cá nhân, tôi luôn thống kê và làm phái sinh bài hát của mình, tự sản xuất những bản thu ca khúc của mình, để mình nắm quyền sở hữu cũng như toàn quyền khai thác kinh doanh.
Không ít người hát cover nhưng quên/ không biết/ hoặc cố tình không biết, thậm chí qua mặt trong vấn đề này.
Có những ca sĩ mạng, những TikToker, YouTuber… hát cover cho vui, đăng trên mạng làm kỷ niệm, nhưng cũng đầy người cover không xin phép mà bật chức năng kiếm tiền với bài hát của người khác.
Ở đây có một sự mập mờ, lợi dụng sản phẩm trí tuệ thuộc sở hữu người khác để thu lợi bất chính.
Những ca khúc độc quyền mà bị cover một mặt giúp bài hát lan tỏa, thậm chí viral trên mạng xã hội; nhưng cũng có việc ca sĩ cover nổi hơn cả ca sĩ bỏ tiền ra mua độc quyền bài hát đó, vậy ca sĩ bỏ tiền chỉ có thiệt.
Tất nhiên cũng có những ca sĩ sau khi mua độc quyền ca khúc liền chạy truyền thông bằng cách chi tiền cho các KOLs, hot TikToker, hot YouTuber cover để tạo tiếng vang. Tuy nhiên đây giống như một con dao hai lưỡi, có được có mất.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung