Trước đó, ban nhạc thông báo ngừng hoạt động (19-3), tự hủy bỏ các show diễn đã lên kế hoạch (22-3) khiến ban tổ chức bối rối, không ít khán giả thất vọng, rao nhượng lại vé trên các hội, nhóm và dưới cả bài đăng của ban nhạc Ngọt.
Thậm chí trong thông báo hủy show, ban nhạc cũng không có lời xin lỗi nào gửi tới khán giả, tới khi bị phản ứng mới có một dòng xin lỗi mấy chữ ở phần bình luận.
Cái kết ồn ào
Bên cạnh sự thất vọng, tức giận của nhiều khán giả, cũng có một bộ phận nhỏ hoang mang, lo lắng cho các thành viên ban nhạc.
“Không hiểu Ngọt có gặp phải chuyện gì nghiêm trọng không”, là một trong những bình luận như thế. Yêu thích và gắn bó với âm nhạc của Ngọt 10 năm qua, ban nhạc tan rã chẳng phải là điều gì vui vẻ nhưng họ tôn trọng quyết định của Ngọt.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dù là lý do gì đi chăng nữa, Ngọt đã chọn một cái kết khá ồn ào, ảnh hưởng tới hình ảnh mà họ tạo dựng suốt thập niên qua.
Vì sao lại dừng lại đột ngột? Khán giả tò mò muốn biết nhưng điều đó chẳng quá quan trọng.
Đó là vấn đề nội bộ giữa các thành viên, không nhất thiết phải công bố, dù buồn nhưng chẳng ai trách.
Cái đáng nói ở đây là xử sự sau đó của ban nhạc khiến không ít khán giả cảm thấy “thiếu được tôn trọng”. “Lời nói chẳng mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, ông bà ta nói rồi.
Văn hóa chia tay
Ngọt không phải là ban nhạc duy nhất “đứt gánh giữa đường”. Trong lịch sử nhạc Việt, trước Ngọt có không ít ban/nhóm nhạc tan rã nhưng họ vẫn tổ chức một show diễn cuối hoặc live show cuối cùng để tạm biệt khán giả.
Điều này được hiểu như một hành động tri ân tới khán giả đã ủng hộ họ suốt nhiều năm qua.
Cá Hồi Hoang tuyên bố dừng hoạt động nhưng vẫn tổ chức một tour lưu diễn xuyên Việt kéo dài một tháng có tên là Chúng ta đều muốn một tour để chia tay khán giả của họ vào năm 2023.
Năm 2016, nhóm 365 chính thức tan rã, nhiều khán giả có mặt đã khóc trong live show cuối cùng và ai cũng hiểu đó là khởi đầu mới với nghệ sĩ của họ.
Hay tháng 11-2006, trong lần chia tay lần thứ nhất, Bức Tường cũng tổ chức một live show cuối cùng hoành tráng, đúng kiểu “rock trắng đêm”… Đó đều là những kỷ niệm buồn, nhưng đẹp. Tới giờ nhiều người vẫn nhớ.
Tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả là một dạng tương tác đặc biệt.
Trong âm nhạc, lời ca tiếng hát và nghệ sĩ yêu thích còn đi liền như cặp bài trùng gắn liền một chặng đời tuổi trẻ đẹp đẽ của khán giả.
Ngọt không có một live show cuối cùng, chẳng sao, vì nhiều lý do “có thể bất khả kháng” như ban tổ chức show Những thành phố mơ màng nói, nhưng tới giờ, Ngọt còn chưa có một lời xin lỗi và cảm ơn tử tế tới khán giả của họ.
Thậm chí, trong bài đăng hủy show, khán giả còn phát hiện cả lỗi chính tả (sau đó đã được sửa lại cho đúng).
Đó có lẽ là lý do cho việc những ngày vừa qua, Ngọt và câu chuyện văn hóa chia tay được đặt ra khiến không ít người buồn lòng vì Ngọt.
Trong bài Mười năm, Đen Vâu viết: “Mười năm như một bức họa/ Cũng may là trời đỡ xám hơn/ Thứ mà ta học được nhiều nhất/ Là cách xin lỗi và lời cảm ơn”. Phải vậy không?