Vượt qua ba người chơi khác, thí sinh Phan Quỳnh Vân (33 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phiên dịch viên) một mình bước vào vòng Soán ngôi (giống như trò chơi giải ô chữ).
MC Xuân Bắc cho biết, trước đó, Vua tiếng Việt mùa 3 chưa tìm ra chủ nhân ngai vàng ở vòng này, chương trình đang chờ đợi, đang mong muốn có người soán ngôi.
“Hể hả” và “hỉ hả” là một?
Trong vòng này, ở hàng ngang thứ hai, có tổng cộng bốn chữ cái.
Chương trình đưa ra gợi ý hai chữ cái là “H” và “Ả” và cho biết, đây là một tính từ, thể hiện sự “vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý”.
Rất nhanh chóng, thí sinh đưa ra câu trả lời là “hỉ hả”. Tuy nhiên, đáp án mà chương trình đưa ra là “hể hả”. Phan Quỳnh Vân ra về với phần thưởng 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, có khán giả phát hiện “hỉ hả” và “hể hả” là hai từ có nghĩa tương đương nhau.
“Tôi nghĩ, hội đồng cố vấn nên hội ý và chấp nhận từ đồng nghĩa này, nên để cô ấy thắng cuộc”, khán giả này cho hay.
Vị khán giả này cũng đặt dấu hỏi về vai trò của ban cố vấn trong trường hợp này, đồng thời đề nghị chương trình “xem lại và đặc cách xử thắng cho cô ấy” vì “rất xứng đáng”.
Không nên đóng khung một đáp án
Vậy “hể hả” hay “hỉ hả” mới đúng? Hay cả hai đều đúng?
Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998), trang 418, từ “hể hả” được giải nghĩa là “vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý”. Chẳng hạn: Nói cười hể hả; Xong việc, mọi người hể hả ra về.
Tiếp tục tra từ “hỉ hả” ở trang 420, từ điển ghi “như hể hả“.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 16-3, PGS. TS Tạ Văn Thông (Viện từ điển học và bách khoa thư Việt Nam) cho hay, “hể hả” và “hỉ hả” là hai từ đồng nghĩa.
Tuy nhiên, do cấu tạo nguyên âm “i” ở đây nên khi đọc lên, “hỉ hả” không biểu lộ mạnh mẽ ra ngoài như từ “hể hả”.
“Nếu tôi ngồi ở ban cố vấn, tôi vẫn chấm câu trả lời của thí sinh này đạt yêu cầu”, ông phát biểu.
Trong tiếng Việt, hiện tượng đồng nghĩa rất phong phú. Ông Thông dẫn ví dụ, “mẹ”, “u”, “má”, “mạ”… đều chỉ mẹ; hoặc “chết”, “toi”, “tử”… đều chỉ cái chết.
Theo ông, ban cố vấn chương trình Vua tiếng Việt không nên đưa ra một đáp án đóng khung , sẽ rất thiệt thòi cho thí sinh.
Ông Thông cũng lưu ý thêm, khi xảy ra trường hợp dạng này, trước khi công bố đáp án, chương trình và ban cố vấn nên hội ý kỹ càng, thậm chí tham vấn các ý kiến bên ngoài nếu cần thiết.
“Luôn có sai số. Giám khảo hay cố vấn cũng có lúc cần sự trợ giúp”, ông chia sẻ.
Theo PGS.TS Tạ Văn Thông, ban cố vấn hoặc giám khảo gameshow cũng như trọng tài trên sân bóng đá. Kết quả sau khi công bố cũng giống với việc ván đã đóng thuyền, không thay đổi được.
“Song chương trình cũng nên rút kinh nghiệm cho những tập sau vì nếu duy trì như vậy, cũng không tốt vì Vua tiếng Việt là một gameshow bổ ích, thú vị, nhằm nâng cao trình độ tiếng Việt của người chơi lẫn khán giả truyền hình. Chúng ta đừng quên, tiếng Việt rất phong phú”, ông chia sẻ.