8h30, một buổi tối thứ bảy, đó có lẽ là thời điểm trong tuần mà niềm vui trở thành vô hạn, bởi ngày mai vẫn là một ngày nghỉ, và lúc này, người ta có thể mặc sức chơi. Hà Nội vào giờ ấy có nhiều nơi chốn để chơi…
Ai thích náo nhiệt có thể chen chân vào các khu phố đi bộ, còn nếu muốn một sự náo nhiệt vừa phải, một sự náo nhiệt không khiến người ta tan lẫn vào đám đông mà khiến người thu gọn vào nội tâm của mình, thì có thể lên phố Nguyễn Quang Bích.
Đó là một con phố dài chỉ hơn trăm mét, một con phố khiến cho người ta phải nhớ đến nghịch lý Zeno của triết học Hy Lạp. Về mặt địa lý, đó là một con phố hữu hạn, chỉ mất hơn một phút để đi hết con phố ấy.
Nhưng nếu chia nhỏ con phố thành những nếp gấp, người ta thấy con phố trải dài mãi ra, và thấy mình đi mãi con phố không bao giờ kết thúc cả. Những địa chỉ quán cà phê và quán bar nhỏ đã biến một con phố ngắn trở nên vô tận.
Bây giờ, hãy bước vào con ngõ nhỏ số 5, nơi từ lâu đã có sự hiện diện của Tranquil, quán cà phê với những tấm ảnh The Beatles cùng một tủ sách cao đến trần nhà, hãy lên chiếc cầu thang cũ ngay kế bên Tranquil, theo sự chỉ dẫn của những tấm ảnh các huyền thoại jazz, và bạn sẽ đến Long Waits, mà trên Facebook, chủ nhân của nó gọi là “a modest jazz club”, một câu lạc bộ jazz giản dị.
Có lẽ là giản dị thật, cả địa điểm cũng giản dị, không gian cũng giản dị, không có nhiều bài trí, chắc là để đôi mắt của những người tới đây không thể bị phân tâm đi đâu ngoài hướng về phía tấm màn sân khấu màu đỏ, sẽ được mở ra vào đúng 8h30, vào ngày thường là để chiếu các bộ phim tài liệu về jazz, và vào ngày cuối tuần là để ban nhạc chơi jazz.
Thứ duy nhất không giản dị ở Long Waits là jazz. Không thể nói âm nhạc ở đây giản dị được, khi mà một buổi tối nọ, bạn có thể tới đây nghe người ta tri ân huyền thoại Miles Davis cùng album Bitches Brew mà phải dân “lậm” jazz chính cống mới nghe đến.
Người nhập môn với jazz có lẽ sẽ quen thuộc với Kind of Blue hơn. Bởi vậy, được nghe một album jazz ra đời trong thời kỳ thịnh trị của rock ‘n’ roll với tiếng guitar điện loang lổ trên các nhạc cụ truyền thống của jazz, ngay trong một góc nhỏ của Hà Nội vào một đêm đầu đông se lạnh là một cảm giác có phần siêu thực.
Mỗi tuần, Long Waits lại có một chủ đề âm nhạc. Có những đêm “hardcore” như đêm nay, nhưng cũng có đêm mật ngọt hơn với album In the Wee Small Hours of the Morning của giọng ca vàng Frank Sinatra, có những đêm tri ân những tên tuổi mà người không nghe jazz mấy cũng biết đến như danh ca Billie Holiday, có những đêm lại tri ân cả tượng đài mà chỉ tín đồ cải đạo jazz mới hay, như tay saxophone Wayne Shorter.
Cái tên “Long Waits” từ một sự chơi chữ với thủ lĩnh ban nhạc và chủ quán, nói lên đúng tâm trạng của những khách hàng của quán. Long Waits – nghĩa là “cuộc chờ đợi dài” – mỗi tuần chờ đến cuối tuần được nghe nhạc ở đây là một cuộc chờ đợi thật dài.
Kể từ khi Bình Minh’s Jazz Club (hay tên gọi thuở ban đầu là Minh’s Jazz Club) của nghệ sĩ Quyền Văn Minh ra đời vào năm 1997, trở thành quán jazz club đầu tiên của Hà Nội sau Đổi mới vào cái thời jazz là “sinh vật lạ”, là dòng nhạc ngoại lai, chỉ Tây mới nghe jazz. Giờ đây Hà Nội đang ngày càng có nhiều những chốn nho nhỏ dành cho jazz, dẫu cho phần lớn vẫn chọn chơi thứ jazz gần gũi với đại chúng.
Còn số những quán jazz như Bình Minh hay Long Waits, nơi ta được nghe jazz thực là jazz, nơi người ta đến không phải để nói chuyện rầm rì với tiếng nhạc làm nền, mà để thực sự chìm vào jazz, với những đoạn ứng tác bùng nổ, vẫn là thiểu số.
Khao khát đầu tiên của Quyền Văn Minh là giữ lửa cho jazz có lẽ đã thành hiện thực. Người dẫn dắt Long Waits là Nguyễn Bảo Long, tay saxophone quen thuộc trong ban nhạc Sông Hồng mà Quyền Văn Minh từng tập hợp lại để cùng đặt ra những dấu ấn lớn lao về jazz tại Việt Nam.
Và khao khát thứ hai của Quyền Văn Minh, rằng người nghe jazz không chỉ có Tây, mà còn có ta, cũng đang thành hiện thực. Ghé vào một buổi biểu diễn jazz bất kỳ trên khắp Hà Nội, dù ở những khu phố Tây như Xuân Diệu, ta cũng sẽ thấy không ít người Việt, và chủ yếu, là người trẻ.
Phải, nếu như buổi hòa nhạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia của Kenny G, một nghệ sĩ smooth jazz, tập trung vào những giai điệu du dương rất gần với tâm tình người Việt, phần lớn đều là những khán giả lớn tuổi đến tìm lại những khoảnh khắc êm ái của tuổi thanh xuân, thì trong những quán jazz nơi ta được nghe jazz standard hay jazz fusion, khán giả Việt có mặt lại thuộc về thế hệ trẻ hơn, những người sinh ra vào thời hậu chiến, thời Đổi mới, thậm chí sau đó nữa, khi nền kinh tế đất nước đã sang trang, việc nghe nhạc nước ngoài cũng chẳng còn gì khác người hay lạ lùng.
Và dù chắc chưa có một cuộc điều tra dân số học để khẳng định người nghe jazz ở Việt Nam thực sự là ai, nhưng nếu theo dõi fanpage hay các hội nhóm về jazz trên mạng xã hội, thì có vẻ như tệp khán giả này rất đông những trí thức trẻ, mà tiếng lóng mô tả là có chút “nghệ”.
Đến đây, ta phải quay lại một chút với mốc 1997. Đây không chỉ là năm Minh’s Jazz Club ra đời, mà còn là năm đánh dấu Rừng Na Uy của Haruki Murakami được in lần đầu tiên ở Việt Nam.
Cuốn sách tuy lấy bối cảnh thập niên 1960 ở Nhật Bản, nhưng vô tình lại rất phù hợp với những người trẻ Việt trong suốt những thập niên sau đó, khi họ được sống đủ đầy hơn cha mẹ mình và bắt đầu có thời gian cho những khủng hoảng hiện sinh, bản ngã.
Gần chục năm sau, bản tái bản năm 2008 thực sự gây sốt với không chỉ giới đọc sách mà còn “thoát vòng” ra giới đại chúng, có lẽ có thể gọi đây là một trong những tựa sách nổi bật mà cả người hiếm khi đọc sách cũng từng đọc qua hay nghe qua.
Kể từ đây, Murakami trở thành người dẫn đạo cho thế hệ trẻ ở các đô thị lớn tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, và Murakami, khỏi nói, là thiêu thân jazz!
Hình ảnh những nhân vật chính buồn bã, vô phương của ông ngả ngốn bên những đĩa jazz, thuộc lòng tên các huyền thoại jazz đã trở thành hình ảnh lãng mạn đáng khao khát nhất với giới trí thức trẻ. Họ “cosplay” phong cách sống ấy, và rất tự nhiên, họ yêu jazz. Jazz trở thành một mã vạch cho lối sống của họ.
Ngoài Murakami, một nhân vật khác đã trở thành “cult” (cuồng giáo) nữa trong giới “nghệ” là nhà làm phim Hong Kong nổi tiếng Vương Gia Vệ. Và Vương Gia Vệ cũng mê jazz. Những thước phim không kịch bản, đầy tùy hứng của ông đậm đặc chất jazz.
Ông cũng dùng không ít các bản jazz làm nền cho số phận đẹp và buồn của những Húc Tử, Châu Mộ Văn, Tô Lệ Trân, Hà Bảo Vinh, Lê Diệu Huy… Như thể ông muốn nói rằng: Bạn muốn đẹp và buồn như họ ư? Hãy thêm jazz vào nhịp sống của mình! Không có gì bất ngờ khi dân số Việt Nam đang đối diện nguy cơ già hóa, nhưng dân số Việt nghe jazz lại đang trẻ hóa.
Và cả dân số chơi jazz. Xin lại quay về với một đêm diễn của Long Waits. Một đêm diễn tri ân nghệ sĩ piano jazz vĩ đại, Bill Evans. Mặc dù ngôi sao của chương trình là Håkan Rydin, nghệ sĩ jazz lão luyện người Thụy Điển, nhưng “skins player” (tay chơi da) – tiếng lóng của giới jazz chỉ các tay trống – là một gương mặt người Việt trẻ măng.
Ở Bình Minh’s Jazz Club cũng vậy, Quyền Văn Minh và những đồng nghiệp thân thiết lâu nay của ông đã nhường lại phần lớn sân khấu cho những nghệ sĩ trẻ tuổi, những học trò của mình.
Nhìn những con người trẻ tuổi tại Hà Nội chơi những bản nhạc ở đầu kia thế giới, những bản nhạc đôi khi đã ra đời từ thời cha mẹ, ông bà của họ, những bản nhạc rất già nhưng chưa bao giờ cũ, những bản nhạc đòi hỏi người ta không chỉ chơi nó mà phải sống trong từng khoảnh khắc với nó, đem đến một niềm thống khoái vô biên.
Trong phút chốc, ta chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa. Ta đã được bay lên jazz, xin chơi chữ từ tựa đề ca khúc Fly me to the Moon (Đưa tôi bay lên Mặt trăng). Ta đã được đưa vào một cõi phi không gian và phi thời gian, bởi jazz.
HIỀN TRANG
VÕ TÂN