Trong cuốn Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính có viết: “Đến ngày mồng bốn thì hóa vàng. Ngầy ấy xấu hay là chạm phải ngày tuổi chủ nhà thì hóa trước sau một ngày cũng được, có nhà để đến mồng bảy mới hóa vàng, gọi là ngày cúng tiễn ông vải. Hôm ấy con cháu họp đông đủ mà ăn uống vui vầy với nhau”.
Trên thực tế, lễ hóa vàng cũng tùy theo từng vùng và phong tục địa phương, nhưng nhìn chung từ mùng 3 đến mùng 10, các gia đình sẽ thực hiện lễ cúng hóa vàng để kính cáo tiễn ông bà tổ tiên sau khi về hưởng Tết cùng cháu con.
Ảnh: Nhà hàng Bể cá
Vậy trong lễ hóa vàng, mâm lễ cúng có gì khác biệt với 3 ngày Tết?
Thông thường, mâm cúng hóa vàng cũng không khác nhiều so với mâm cúng trong ngày Tết: Có nhà dùng mâm cỗ chay, có nhà dùng mâm cỗ mặn, cũng có gia đình thực hiện cả hai tùy thuộc vào điều kiện kinh tế lẫn thời gian. Dù đơn giản hay cầu kỳ, mâm cỗ hóa vàng cũng sẽ có một vài lễ vật cơ bản sau.
Gà luộc cánh tiên
Lễ vật đầu tiên và cũng xuyên suốt trong các mâm lễ cúng chính là gà luộc. Thông thường, khi đặt mâm lễ cúng, nhiều gia đình thường ưu tiên chọn gà luộc nguyên con, được buộc cánh tiên đẹp đẽ, có thể ngậm hoa hồng hoặc không.
Gà luộc nguyên con không chỉ tăng thêm vẻ trang trọng, tươm tất cho mâm cỗ ngày Tết mà còn thể hiện được tấm lòng của con cháu đối với bề trên.
Ảnh: Nhà hàng Bể cá
Bánh chưng hoặc bánh tét
Bánh chưng là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Cũng giống như gà luộc, hầu hết trong các mâm lễ đều có bánh chưng. Nếu mâm cỗ miền Bắc có bánh chưng thì mâm cỗ miền Nam thường dùng bánh tét nhiều hơn.
Ảnh: Đậu Food
Xôi gấc
Đĩa xôi gấc đỏ au may mắn cũng được nhiều người chọn đặt trong mâm cúng hóa vàng. Bên cạnh xôi gấc, nhiều chị em khéo tay còn phủ đậu tạo nên những đĩa xôi gấc hoa đậu bắt mắt, hấp dẫn. Cũng có nhiều nhà sử dụng bánh chưng rồi sẽ không dùng xôi nữa, điều này tùy thuộc vào mỗi ý định bày mâm cúng của gia chủ. Bên cạnh xôi gấc, xôi đỗ xanh cũng được nhiều người bày mâm lễ.
Ảnh: Nhà hàng Bể cá
Nem rán/giò lụa hoặc giò thủ
Trong mâm cúng hóa vàng, một đĩa giò lụa hoặc giò thủ không thể thiếu. Đây là món ăn đặc trưng ngày Tết và chỉ cần cắt miếng, tạo hình nếu thích, rất tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, món nem rán cũng được nhiều nhà thực hiện để bày lên mâm lễ cúng.
Ảnh: Vũ Thu Hương
Canh măng/canh rau củ
Khác với món canh bóng thả hay canh bóng cuộn ngũ sắc trong mâm cỗ cúng Giao thừa hoặc mùng 1 Tết, món canh trong mâm cúng hóa vàng đơn giản và gọn nhẹ hơn. Nhiều nhà thường nấu canh măng hoặc canh rau củ cho tiết kiệm thời gian.
Ảnh: Vũ Thu Hương
Rau củ xào hoặc luộc thập cẩm
Ảnh: Vũ Thu Hương
Các món ăn kèm như hành muối/củ kiệu muối,…
Ảnh: Nhà hàng Bể cá
Tiền vàng/đồ mã/trầu cau/hoa quả
Nhìn chung, mâm cỗ hóa vàng có thể đơn giản, gọn gàng hơn mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết. Tuy vậy, cũng có gia đình làm lớn vì đây là lúc con cháu sum vầy trước khi nhiều các thành viên bắt đầu đi xa đến nơi công tác hoặc học tập, làm ăn xa.
Trên đây là một số gợi ý món cơ bản trong mâm cúng hóa vàng. Các món ăn trong mâm lễ tăng hay giảm hoặc thay đổi món phụ thuộc vào tâm ý của gia chủ.
Chúc quý bạn chuẩn bị được một mâm lễ cúng hóa vàng tươm tất, đúng ý và một năm mới khởi sắc, phát tài phát lộc!
Nguồn: Sưu Tầm internet