Nếu như hoa đào là biểu tượng của mùa xuân miền Bắc nói chung thì với người Hà Nội nói riêng, đào Nhật Tân chính là linh hồn của Tết. Những cây đào có màu hồng và màu đỏ, là màu của lộc lá, của sự tái sinh. Từ xa xưa, các gia đình ở mảnh đất Thăng Long đã có thú chơi cắm cành đào với ý nghĩa cầu mong năm mới phát tài, phát lộc.
Mặc dù ngày nay đã có nhiều sự lựa chọn hơn khi các giống đào mới, đào lạ khác nhau được đưa về từ khắp các tỉnh thành để buôn bán. Song, với những người Hà Nội gốc thì vườn đào Nhật Tân vẫn là một hình ảnh thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa.
Vườn đào Nhật Tân gắn liền với những kỷ niệm của gia đình
Cứ đến những ngày giáp Tết là chị Thu Ba (Tây Hồ, Hà Nội) không khỏi bâng khuâng, háo hức chờ được ngắm những bông hoa đào Nhật Tân đầu tiên nở. Được biết, trước kia gia đình chị sống trong căn nhà ở đường Bà Triệu nhưng đã chuyển về làng Nhật Tân (nay thuộc quận Tây Hồ) từ năm 1992.
Thời điểm đó, chị đang học lớp 12 và mẹ quyết định bắt đầu vào nghề trồng đào. “Trên mảnh vườn rộng gần 1000m2, mẹ con mình sống trong một căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn. Bên phải của ngôi nhà, mẹ mình dành để trồng đào và quất, còn bên trái thì trồng hoa và các loại rau”, chị kể.
Bởi gia đình trồng đào nên cứ một tháng trước Tết là cả mẹ và chị em chị đều tập trung ra vườn tuốt lá đào. Mẹ sẽ phải canh được tuốt làm sao để hoa đào nở vào đúng dịp Tết. Hay đến Tết lại là kỷ niệm cùng khiêng đào, bên quất từ vườn lên trên rệ đê ngồi bán.
“Vào nghề muộn hơn nhưng nhà mình lúc đó đã được các cô bác nông dân chia sẻ cho rất nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc. Với chị em mình, mỗi gốc đào như những người bạn, vườn đào thân thuộc như ngôi nhà”, chị nói thêm.
Mặc dù bây giờ gia đình không còn theo nghề trồng đào nữa, song, chị Thu Ba vẫn chọn sinh sống ở một ngôi nhà trên phố Trịnh Công Sơn, cách làng đào không xa. Cứ mỗi dịp gần Tết, dù có bận đến nhường nào, chị cũng tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi để đi thăm các vườn đào và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất.
Thân thuộc với từng gốc đào và tiết lộ góc chụp ảnh không phải ai cũng biết
Năm nay, chị đã nhắm được một góc chụp từ khá sớm, tuy không mới nhưng lại rất ít người biết tới. Thế nhưng, vì tình hình thời tiết có nhiều biến động nên mãi cho đến những ngày 25 Tháng Chạp, trời hửng nắng, đào mới bắt đầu nở hoa. “Cũng biết mỗi năm thời tiết mỗi khác, nên nếu muốn chụp được vườn đào ở đây, mình phải canh đúng thời điểm, sớm quá thì hoa chưa nở, muộn chút thì đào bị chặt hết, chỉ còn bãi đất trống trơ trọi. Cũng may là mình được các bác trồng đào hỗ trợ, hoa bắt đầu nở là bác sẽ gọi báo mình ngay”.
Vườn đào mà chị Thu Ba lựa chọn để chụp bộ ảnh năm nay lại nằm ở vị trí khá đặc biệt. Thay vì các vườn ở sát khu bờ sông Hồng hay bãi đá sông Hồng vốn đã quá quen thuộc với mọi người thì bãi đào này lại có view nhìn thẳng lên cầu Nhật Tân.
Từ nơi này nhìn lên, hàng ngàn cây đào đang nở hoa, từ trên cao như một dài lụa dài màu hồng đỏ, xen lẫn với hồng phấn. Và bên trên chính là cây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng. “Vườn đào rực hồng, những nhịp cầu Nhật Tân khiến mình càng suy ngẫm nhiều hơn. Những gốc đào là biểu tượng cho hơi thở truyền thống của làng hoa trăm tuổi, còn cây cầu Nhật Tân chính là biểu tượng của vẻ đẹp thời đại mới mà chắc hẳn không chỉ những người sống ở làng đào Nhật Tân mà cả người Hà Nội đều chung cảm nhận”, chị tâm sự.
Chị Thu Ba cho biết, để đi vào vườn này, từ ngã tư Lạc Long Quân – Âu Cơ, đi thằng qua cầu Nhật Tân và rẽ vòng sang bên phải, sẽ thấy bãi mênh mông toàn đào. Nếu như mọi người muốn tới chụp ảnh thì hãy nhẹ nhàng khi vào vườn để không làm hư hỏng cây đào của người trồng. “Không cần quá cầu kỳ, đôi khi chỉ là mặc bộ áo dài cách tân, mang theo chiếc xe đạp thân thuộc cùng chiếc ô trắng là đã có những hình ảnh đẹp ở đây”, chị nói.
“Với mình, Hà Nội 4 mùa đều đẹp và đó cũng là lý do khiến mình từ một người làm ngân hàng, sau này sang làm giáo dục – những công việc văn phòng tưởng chừng không liên quan đến nghệ thuật, quyết định tìm hiểu và dùng máy ảnh. Dần dần trang bị thêm cho mình kiến thức về chụp ảnh, tham gia các hội nhóm để học hỏi.
Tuy nhiên, mình cũng là người khá kỹ tính trong việc chọn địa điểm chụp ảnh và những thứ mình muốn chụp, để làm sao vừa lưu lại khoảnh khắc đẹp cho mình và bạn bè, mà qua bức ảnh truyền tải được cả câu chuyện đến mọi người. Mình thường hẹn đi cùng các bạn nhiếp ảnh gia hoặc các bạn bè thân thiết và sẽ chụp ảnh cho nhau. Hay đôi khi đi một mình thì sẽ tự căn góc, cài thông số và chụp với chân máy”, người phụ nữ gốc Hà Nội chia sẻ.
Nguồn: Sưu Tầm internet