* Đón chào năm mới trên truyền hình có gì?
Cầu truyền hình đón năm mới 2024 Việt Nam – Hành trình rực rỡ phát sóng trên VTV1 lúc 22h ngày 31-12.
Chương trình gồm ba điểm cầu: Trường quay VTV, hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và quảng trường Ánh Dương.
Chương trình chia sẻ những dấu ấn tự hào của Việt Nam năm 2023, là hình ảnh người Việt khắp mọi nơi và một số quốc gia đón chào năm mới.
Các nghệ sĩ biểu diễn gồm: Mỹ Linh, Tùng Dương, Hồ Trung Dũng, Lưu Hương Giang, Quốc Thiên, Võ Hạ Trâm, Hà Lê, Lân Nhã, Nguyên Hà…
Trên HTV9 bắt đầu từ 20h là chương trình thời sự đặc biệt.
Sau đó, 21h30 là chương trình tổng kết các sự kiện nổi bật của thế giới năm 2023.
Từ 22h15 là chương trình ca nhạc HTV chào xuân và 22h55 là tiết mục pháo hoa thế giới.
* Rực rỡ Việt Nam tại Đường sách TP.HCM
Lúc 18h ngày 31-12, tại Đường sách TP.HCM sẽ diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật chào năm mới 2024 mang tên Rực rỡ Việt Nam.
Ban quản lý đường sách cho biết sau 8 năm ra đời, đây là năm đầu tiên đường sách tổ chức chương trình countdown đón năm mới với chủ đề Rực rỡ Việt Nam: Lan tỏa văn hóa – Chào mừng năm mới.
Chương trình sẽ có chia sẻ với những người làm nghề, những câu chuyện văn hóa.
Xen giữa chương trình là phần trình diễn thời trang, các tiết mục ca nhạc chào năm mới.
* Bún bò Huế vào Của ngon vật lạ
Số cuối năm của chương trình Của ngon vật lạ giới thiệu món bún bò Huế. Cả ba giám khảo đều đến từ Huế. Đó là đầu bếp Lê Văn Khánh, Food blogger Nguyễn Phước Đạt và nghệ sĩ Bạch Hạc.
Nghệ sĩ Bạch Hạc kể ở nhà, mẹ bà là người nấu bún bò Huế nổi tiếng của thành phố: “Không kể ngày mưa hay nắng, mẹ dậy từ 2-3h sáng, hầm nồi bún khói bốc hơi nghi ngút thơm lừng.
Để nấu được tô bún bò chuẩn vị Huế, bà cho rằng không đơn giản, từ khâu chọn nguyên liệu thịt tươi, sử dụng rất nhiều loại nguyên liệu, trong đó có chút ruốc Huế, thêm nước mía đổ vào cho đủ độ ngọt thơm”.
Điều bất ngờ cho hai đội thi Gia đình Sợi và Gia đình Gà bóng đêm là từ nguyên liệu bún bò Huế họ phải nấu món cà ri Ấn Độ.
Của ngọn vật lạ phát sóng lúc 12h ngày 31-12 trên VTV3.
* Ngắm hơn 100 hiện vật hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khai mạc chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” với hơn 100 hiện vật.
Các hiện vật gồm các chủ đề như: hình tượng rồng trong cung đình qua các hiện vật thời Lê Trịnh và thời Nguyễn, hình tượng rồng trong công trình kiến trúc qua các hiện vật đất nung, hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt trên các vật dụng như bàn ủi đồng, hộp gỗ, ống cắm nến, hình tượng rồng trong tín ngưỡng tôn giáo…
Triển lãm chuyên đề diễn ra đến ngày 31-3-2024.
* Hai phim kinh dị đáng chú ý của Thái Lan và Việt Nam đối đầu ngoài rạp
Từ ngày 29-12, khán giả Việt có thể thưởng thức Tee Yod: Quỷ ăn tạng, phim thuần kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Thái Lan.
Nội dung xoay quanh gia đình Yak tìm cách trục xuất tà linh ra khỏi cơ thể người em gái thứ.
Phim có nhiều chi tiết đậm đặc tính bản địa Thái Lan, cùng phần hình ảnh và âm thanh chất lượng.
Ngoài ra, phim Việt Quỷ cẩu với sự tham gia của Quang Tuấn, Nam Thư… cũng ra rạp từ 29-12.
Phim là điểm nhấn tích cực cuối năm cho dòng phim kinh dị Việt, sau Kẻ ăn hồn (đạo diễn Trần Hữu Tấn). Phim khai thác đề tài bình dân, gần gũi với người Việt.
* Vũ Luân, Tú Sương hội ngộ trong Tống Nhân Tôn khóc biệt Bàng Quý Phi
Tối 30-12 tại Nhà hát Bến Thành, nghệ sĩ Vũ Luân sẽ tổ chức diễn vở cải lương tuồng cổ Tống Nhân Tôn khóc biệt Bàng Quý Phi (tác giả: Minh Tơ – Thanh Tòng, đạo diễn Kim Tử Long).
Có thể nói rất lâu rồi đôi bạn diễn Vũ Luân, Tú Sương mới tái hợp trên sân khấu. Trong vở, Vũ Luân vào vai Tống Nhân Tôn, Tú Sương là Bàng Quý Phi.
Tống Nhân Tôn khóc biệt Bàng Quý Phi còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Kim Tử Long, Trinh Trinh, Công Minh, Phượng Loan, Linh Tâm, Chí Bảo, Nguyễn Văn Hợp, Lệ Trinh…
* Ra mắt vở Lạc ở đáy sông
Tối 31-12, sân khấu Hoàng Thái Thanh công diễn vở kịch mới Lạc ở đáy sông (kịch bản: Hoàng Thái Thanh – Nguyễn Thoại, đạo diễn: Ái Như).
Vở lấy bối cảnh sông nước miền Tây. Ở đó có chiếc ghe cũ của ông Tư Bờ mấy chục năm trời làm công việc vớt xác người trên sông.
Một ngày có cô sinh viên báo chí năm nhất xin xuống ghe để tìm hiểu về công việc của ông.
Từ đó bức màn bí mật về cuộc đời ông Tư dần dần hé lộ.
Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu, Hoàng Quốc Thái, Thế Hải, Bảo Trâm, Kỳ Thảo, Ma Ran Đô…
Vở chỉ diễn một suất ngày 31-12, sau đó được Hoàng Thái Thanh diễn suốt trong mùa Tết cùng vở Lồng sắt.
Ngày 30-12, Nhà hát kịch Idecaf diễn vở Hãy yêu nhau đi.
Ngày 31-12 vở Một ngày làm vua và ngày 1-1-2024 là vở Hé lô, ông thần!
Ngày 1-1-2024, Nhà hát Thanh Niên diễn vở Cuộc chiến Mentor.
Nhà hát kịch 5B diễn Tía ơi chồng con đâu ngày 30-12.
Ngày 30-12, sân khấu Thế Giới Trẻ diễn vở Hồn ma cô đào hát, Xóm nghèo bá đạo. Ngày 31-12, vở Ngày hội Cái Bang và ngày 1-1-2024 là vở Nghiệp quật, Chuyện hai chàng.
Kịch Thiên Đăng diễn vở Lộ hàng, 31-12 là vở Duyên thệ và 1-1 vở Ngôi nhà trong mây.
Ngày 30-12, sân khấu Trương Hùng Minh diễn vở Án mạng đêm không trăng.
Sân khấu kịch Hồng Vân diễn vở Ai kế tiếp ngày 30-12, 31-12 là vở Cô 5 cậu 10.