Các chuyên gia cho rằng gốm Biên Hòa hoàn toàn có nhiều cơ hội phát triển tại Hội thảo Bảo tồn, Phát triển gốm Biên Hòa – Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn TP.Biên Hòa, tổ chức ngày 22/12. Hội thảo do UBND TP.Biên Hòa và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch tổ chức.
Gốm Biên Hòa trong dòng chảy gốm Nam Bộ
ThS. Phan Đình Dũng – người có nhiều công trình nghiên cứu về gốm Biên Hòa, cho biết nghề làm gốm ở Biên Hòa – Đồng Nai với những sản phẩm đã được định danh thương hiệu từ lâu đời trong dòng chảy phát triển của cư dân. Gốm tiền – sơ sử của cư dân cổ, muộn hơn là những sản phẩm gốm đa dạng của người Việt, người Hoa đến sinh sống tại đây trên ba thế kỷ qua.
Tại TP.Biên Hòa, khu vực dọc theo hữu ngạn sông Đồng Nai hiện nay còn lưu lại nhiều dấu tích của làng nghề thủ công truyền thống này.
Theo ông Dũng, đến đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp thành lập Trường Dạy nghề Biên Hòa, mở ra hình thức đào tạo chính quy trên cơ sở nghiên cứu có tính ứng dụng kỹ thuật, kinh nghiệm của thợ thủ công địa phương… Sự ra đời của Trường Dạy nghề Biên Hòa có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của nghề gốm, đặc biệt với loại sản phẩm gốm một thời được gọi là gốm mỹ nghệ Biên Hòa.
Từ góc độ khoa học, để định danh và phân biệt các dòng gốm cổ sản xuất tại miền Đông Nam bộ, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng cần xác định cụ thể tên gọi của ba vùng gốm cổ nhưng có quan hệ mật thiết với nhau: Gốm Biên Hòa – gốm Sài Gòn – gốm Lái Thiêu.
Gốm Sài Gòn gồm gốm Cây Mai (lò Cây Mai nằm ở khu vực gò Cây Mai thuộc quận 11), xóm Lò Gốm (làng Hòa Lục, Phú Định quận 6, quận 8). Sài Gòn là địa danh xưa chỉ khu vực Chợ Lớn ngày nay – nơi có xóm Lò Gốm ghi trên bản đồ và trong sử sách.
Gốm Biên Hòa gồm làng gốm Tân Vạn (khu lò lu, lò sành)…, gốm từ Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, muộn hơn là gốm Thành Lễ, cùng với những cơ sở sản xuất gốm hiện nay.
Gốm Lái Thiêu gồm làng gốm Lái Thiêu, Tân Phước Khánh và Chánh Nghĩa…, sau này là gốm Minh Long và những lò gốm thủ công hiện còn sản xuất.
Theo bà Hậu, những tên gọi này tương đương như tên gọi của gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu, gốm Đông Triều… ở miền Bắc, gốm Gò Sành, Châu Ổ ở miền Trung, vừa chỉ địa danh dân gian cụ thể, vừa cho biết không gian của một “vùng gốm cổ”. Mỗi vùng gốm có đặc trưng riêng và thịnh đạt vào những thời điểm khác nhau, song như những chi lưu tất cả cùng hòa vào và tạo nên dòng chảy chính “Gốm cổ Nam Bộ”, có thể đối sánh với những vùng sản xuất gốm nổi tiếng khác trong nước.
Gốm Biên Hòa đã được định danh quốc tế
GS.TS. Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh gốm Biên Hòa có truyền thống hơn 300 năm, lâu đời như lịch sử của chính thành phố Biên Hòa.
Di sản văn hóa gốm sứ Biên Hòa không chỉ bao gồm những di sản vật thể (những đồ gia dụng, những sản phẩm mỹ nghệ, những công trình kiến trúc… với kỹ thuật chế tác, nghệ thuật trang trí đặc trưng) mà còn là những di sản phi vật thể vô cùng phong phú (phản ánh lịch sử văn hóa, văn hóa đời sống hàng ngày, thể hiện lao động chuyên cần, sự khéo léo và vẻ đẹp tâm hồn của người dân cũng như kết tinh những giá trị tinh thần của quê hương, dân tộc).
GS.TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết thêm, Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế, với chất liệu men đặc trưng – men xanh đồng trổ bông – “vert de Bien Hoa”.
Biên Hòa là trường hợp duy nhất trong cả nước mà thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng địa phương, một thành phố thủ phủ thuộc tỉnh với quy mô dân số lớn nhất Việt Nam.
GS.TS. Phan Thị Thu Hiền cho rằng không đơn thuần chỉ là địa danh, di sản văn hóa, gốm sứ Biên Hòa thật sự xứng đáng như một biểu tượng quan trọng góp phần nhận diện danh tiếng địa phương (local brand) của Biên Hòa nói riêng, Đồng Nai nói chung.
Tìm giá trị mới cho gốm Biên Hòa
Theo GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, hình tượng làng gốm hay làng gốm cổ phổ biến hiện nay không thật sự phù hợp với Biên Hòa, bởi lịch sử hình thành của nó là cuối thế kỷ XVII ở khu vực cảng thị sầm uất Cù lao Phố, và Biên Hòa hôm nay là một thành phố giữ vị thế hàng đầu Đông Nam bộ nói riêng, hàng đầu cả nước nói chung về đô thị, công nghiệp hiện đại.
Đặc biệt, gốm Biên Hòa không chỉ bó hẹp ở phạm vi nghề thủ công của một địa bàn cụ thể nhất định nào đó mà còn mang ý nghĩa một trong những biểu tượng của thành phố Biên Hòa, kết tinh “Hào khí Đồng Nai”, tâm hồn văn hóa phương Nam.
“Do đó, theo chúng tôi, cần phát huy di sản gốm sứ Biên Hòa gắn bó với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, theo định hướng phát triển đô thị bền vững”, GS.TS. Phan Thị Thu Hiền nói và cho rằng để tìm ý tưởng phát triển du lịch Biên Hòa dựa trên di sản văn hóa gốm sứ hướng tới xây dựng thành phố gốm sứ, thành phố sáng tạo, cần thiết dựa trên lý thuyết về công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với văn hóa đại chúng.
TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Du lịch, gợi ý hình thành không gian thực hành du lịch di sản gắn với hệ sinh thái gốm tại TP.Biên Hòa từ “phức thể ký ức – di sản – bản sắc”.
Theo đó, điểm đến du lịch sự kiện – lễ hội và sản phẩm du lịch gốm Biên Hòa cần được tái tạo để “phổ dụng” và mang lại hiểu biết, trải nghiệm viên mãn cho du khách. “Phức thể ký ức – di sản – bản sắc” gắn với hệ sinh thái gốm Biên Hòa thông qua việc thực hành du lịch di sản còn là động lực cho khả năng tăng trưởng bền vững.
Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết năm 2023 đúng 325 năm hình thành và phát triển Biên Hòa – Đồng Nai. Biên Hòa là mảnh đất thương mại nhộn nhịp, có 3 nghề truyền thống là đúc đồng, điêu khắc đá và gốm.
“Chúng tôi mong muốn gốm sống lại và gắn kết phát triển du lịch”, ông Hùng nói và cho biết gốm Biên Hòa, Đồng Nai đang được địa phương chú trọng bằng việc tổ chức nhiều hội thảo, góp ý, trưng bày và triển lãm.
Theo kế hoạch, năm 2025, Đồng Nai sẽ tổ chức Festival Gốm Đồng Nai, lấy gốm làm chủ đề chính. Kỳ vọng của Đồng Nai là gốm Biên Hòa – Đồng Nai sẽ được phục hồi và phát triển, xây dựng TP.Biên Hòa hướng đến thành phố sáng tạo gắn với gốm.
Nguồn: Sưu Tầm internet