Sau bộ phim Tết ở làng Địa Ngục chiếu trên các nền tảng OTT, các phim kinh dị Việt có yếu tố tâm linh vừa hoặc chuẩn bị ra rạp như Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu, Điều cấm kỵ kinh hoàng...
Cùng thời điểm với loạt phim trên, một số phim được phát hành tại Việt Nam cũng khai thác theo hướng này như Tiễn vong, Âm hồn Siam (Thái Lan), Vòng lặp quỷ dữ (Indonesia), Cầu hồn (Đài Loan)…
Phim kinh dị có yếu tố tâm linh, ma quỷ, hắc ám, tín ngưỡng dân gian Việt Nam từng được khai thác và đưa lên màn ảnh song chưa tạo được nét.
Phải tới Tết ở làng Địa Ngục do K+ đầu tư và sản xuất, cộng với hiệu ứng ăn khách từ tiểu thuyết kinh dị cùng tên của Thảo Trang và phim Kẻ ăn hồn (cùng ê kíp thực hiện) đang ra rạp, người ta mới đặt vấn đề: Phải chăng thời của dòng phim này tới rồi?
Đang có “sóng”
Nhà văn Thảo Trang chuyên viết tiểu thuyết ma quái dân gian chia sẻ với Tuổi Trẻ không ngờ tiểu thuyết cũng như phim chuyển thể Tết ở làng Địa Ngục lại được đón nhận như vậy.
Kể cả Kẻ ăn hồn, dù mới ra rạp nhưng sự đón nhận ban đầu khá khả quan. “Điều đó chứng tỏ đang có một bộ phận đông đảo công chúng có niềm yêu thích và quan tâm tới những câu chuyện kinh dị ma quỷ”, Trang nói.
Theo TS Lư Thị Thanh Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong kho tàng văn hóa Việt Nam, người Việt luôn có những hình dung về thế giới ma quái, những hiện tượng siêu nhiên, kỳ ảo, tin vào linh hồn, một thế giới khác.
Những câu chuyện kinh dị có sự hấp dẫn riêng của nó và được lưu truyền qua các thế hệ.
Phim ảnh trước đây ít nói đến những câu chuyện kinh dị ma mị, hồn ma quỷ quái…
Nhưng giờ thì “việc khai thác chất liệu đó để đưa vào các sản phẩm văn hóa giải trí khá khả thi và nhiều tiềm năng vì nó cũng gần gũi với tâm lý của người Việt”, bà Lê nói.
Theo dõi thị trường giải trí gần đây, nhà văn Đức Anh – đại diện Linh Lan Books, đơn vị từng phát hành nhiều tiểu thuyết kinh dị sử dụng yếu tố dân gian – nhìn nhận các sản phẩm văn hóa giải trí kinh dị tâm linh đang có đà của “một cơn sốt”.
“Cơn sốt nào cũng sẽ qua đi nhưng quan trọng là nó sẽ kích hoạt những luồng suy nghĩ, cảm hứng tìm tòi liên tục cho những người làm giải trí ở thế hệ mới”, nhà văn trẻ này nói.
Con người còn đáng sợ hơn ma quỷ
Cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội và “xu hướng content (nội dung châu Á đang đắt khách trên thế giới” theo lời Thảo Trang), những câu chuyện kinh dị ma quái lâu nay lưu hành trong dân gian tới đây sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa và xuất hiện đàng hoàng trong các sản phẩm văn hóa giải trí theo một cách diễn giải mới, chạm vào những đề tài có tính toàn cầu.
Chẳng hạn phim Quỷ cẩu lấy cảm hứng từ biểu tượng kinh dị dân gian đáng sợ là chó đội nón mê để lên án nạn trộm, giết mổ chó. Phim và tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục mượn những câu chuyện ma quái để nói về nhân quả báo ứng…
Hay tiểu thuyết Ngủ cùng người chết mượn chuyện kinh dị để nói về tình trạng buôn người…
Nhà văn Thảo Trang chia sẻ ở những câu chuyện mà chị muốn kể, kinh dị mang màu sắc tâm linh, kỳ ảo, có phần hoang đường chỉ là lớp áo bên ngoài, qua chuyện thần bí cổ xưa để nói về những vấn đề đương đại thuộc về con người.
Theo nhà văn Đức Anh, trong tương lai kinh dị có yếu tố ma quái không chỉ là “chất liệu” mà các tác giả có thể sẽ tiến sâu hơn về mặt tư duy, chạm tới những yếu tố sâu sắc hơn về văn hóa, triết lý và tín ngưỡng bản địa khi khai thác.
Bà Lư Thị Thanh Lê nhận định việc có một loạt phim ra mắt cùng thời điểm mở đường cho một trào lưu làm phim vốn không phổ biến trước đây “tạo ra cơ hội để ta nghiên cứu, đào sâu vào truyền thống của người Việt, xem các quan điểm, suy nghĩ về những chuyện ma quỷ ra sao, từ đó thể hiện văn hóa, triết lý, nhân sinh quan của người Việt”.
Đồng thời cũng tạo ra những khả năng diễn giải lại truyền thống, quan niệm về hồn, ma quỷ theo góc nhìn đương đại và mới hơn.
Thách thức về kiểm duyệt
Trong đời sống xã hội ở ta, bài trừ mê tín dị đoan trở thành một chiến lược hành động phổ quát. Theo bà Lê, bên cạnh một góc nhìn công bằng, khách quan, cởi mở, những thành viên nằm trong hội đồng duyệt phim quốc gia cũng sẽ phải cẩn trọng hơn rất nhiều.
Bà Lê đặt vấn đề thể loại phim kinh dị ma quỷ tạo ra một trường thẩm mỹ khác so với thẩm mỹ thông thường.
Cái “Chân” đôi khi được biểu lộ qua những thứ hung ác; cái “Thiện” không được thể hiện trực tiếp mà đầy ngụ ý; cái “Mỹ” có khi được thể hiện qua những hình thù xấu xí, những hành vi độc địa. Việc kiểm duyệt cũng vì vậy mà gặp nhiều thách thức hơn.
“Như thế nào là mê tín dị đoan? Những hồn ma bóng quỷ, kinh dị có phải là mê tín dị đoan không?
Nhà làm phim làm sao để chứng minh phim có ma quỷ nhưng không phải mê tín dị đoan? Làm sao để chứng minh phim ma nhưng hữu ích, lành mạnh và có tính giải trí cao”, bà Lê đặt câu hỏi. Đôi khi ranh giới đó rất khó trả lời.
“Kịch bản phim theo một đường dây trật tự logic, nhưng nó hoàn toàn có nguy cơ bị kiểm duyệt, bị cắt cúp, chỉnh sửa làm thay đổi toàn bộ ý tưởng ban đầu. Những nhà làm phim kinh dị ma quỷ cũng rủi ro hơn rất nhiều”, bà Lê nói.