Khi nhắc đến tác phẩm điện ảnh giúp phát triển du lịch địa phương, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ – bộ phim đã mang lại biệt danh xứ “hoa vàng cỏ xanh” cho Phú Yên – là ví dụ tiêu biểu. Phim Mắt biếc cũng tô đậm vẻ đẹp của xứ Huế, thôi thúc nhiều khán giả tìm đến “cây cô đơn” – nơi Ngạn và Hà Lan có nhiều kỷ niệm.
Mới đây, Người vợ cuối cùng của Victor Vũ chọn hồ Ba Bể (Bắc Kạn) để dựng một ngôi làng Bắc Bộ nên thơ.
Câu chuyện điện ảnh là quan trọng nhất
Trả lời Tuổi Trẻ về tiêu chí chọn địa điểm quay phim, Victor Vũ cho biết quảng bá du lịch không phải là mục tiêu lớn nhất của anh.
Đạo diễn chia sẻ: “Cũng như các nhà làm phim ở Việt Nam và thế giới, khi chúng tôi chọn địa điểm quay phim thì tiêu chí đầu tiên là phù hợp với bối cảnh của câu chuyện điện ảnh, ngoài ra không kèm theo mục đích nào khác.
Song điều bất ngờ vẫn đến, không chỉ trong vài ba tác phẩm tôi làm đạo diễn, mà còn xảy ra đối với nhiều tác phẩm điện ảnh khác của Việt Nam và thế giới.
Đó là việc dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, ống kính máy quay, diễn xuất tạo cảm hứng của diễn viên… đã vô hình trung nâng tầm giá trị của bối cảnh (tự nhiên hoặc dàn dựng), của vị trí xảy ra sự kiện hoặc sự việc mang tính nhân văn sâu sắc làm rung động con tim khán giả.
Và đương nhiên địa điểm quay phim ấy lưu dấu ấn trong tâm khảm người xem, đủ khiến người ta rủ nhau tìm đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh kỷ niệm. Đấy chính là giá trị lan tỏa du lịch của điện ảnh”.
Victor Vũ tự hào vì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã đưa cụm từ “hoa vàng cỏ xanh” trở thành câu thành ngữ đương đại trong văn hóa Việt Nam, đưa “vẻ đẹp của vùng đất Phú Yên hóa thành xứ sở hoa vàng cỏ xanh như truyện cổ tích”.
Còn với Mắt biếc, Victor Vũ chọn thực hiện cảnh quay tại một cây cổ thụ trên cánh đồng lúa thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, biến nơi đây thành “chứng tích” về cuộc gặp gỡ lãng mạn nhưng thật buồn của đôi bạn Ngạn – Hà Lan.
Tính biểu tượng của “cây cô đơn” đã thu hút nhiều khán giả đến đây chụp ảnh kỷ niệm, và theo anh, nơi đây còn trở thành “cây hò hẹn” thay vì “cây cô đơn”.
Người vợ cuối cùng (đang chiếu tại rạp) đã thu hút hơn 1 triệu khán giả, doanh thu hơn 94 tỉ đồng, trong đó bối cảnh đẹp là điểm sáng của phim.
“Đó là sự chuyển tải đầy ngẫu hứng của bộ phim tới người xem về một địa chỉ hấp dẫn nơi núi rừng Đông Bắc nước nhà.
Dù trong phim chúng tôi không thể hiện tên gọi của địa điểm, song hầu như khán giả phía Bắc biết nơi đó là hồ Ba Bể, còn nhiều bạn ở phía Nam đã nhắn tin hỏi tôi địa danh nơi quay phim” – Victor Vũ kể.
Điều Việt Nam có mà Hàn Quốc không có
“Điện ảnh Hàn Quốc rất thành công khi quảng bá các giá trị ẩm thực ra thế giới, song khán giả nước ngoài lại không biết nhiều về các thắng cảnh của nước này thông qua phim ảnh. Điều đó chứng minh Hàn Quốc có nhiều nét ẩm thực để “khoe” như các loại rượu, các món hải sản, đồ nướng, kim chi… nhưng họ không có nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp. Còn nước ta – ngoài vô số món ngon như phở, bún chả, bánh mì Sài Gòn và rất nhiều món đáng để khơi gợi du khách nước ngoài – thì thắng cảnh ở Việt Nam nhiều lắm, ngoài một số nơi nổi tiếng còn hàng trăm địa điểm ít người biết. Tuy vậy, phim truyện không thể lắp ghép cẩu thả̉ nếu không hợp với bối cảnh” – Victor Vũ nói.
Điện ảnh đi trước, du lịch lan tỏa sau
Về quan điểm cho rằng tiềm năng du lịch từ điện ảnh Việt Nam vẫn là “mỏ quặng” chưa được khai thác nhiều, Victor Vũ cho rằng điện ảnh không nên làm đơn thuần về du lịch.
“Vấn đề nằm ở chỗ phim truyện đơn thuần về du lịch lại không thu hút được khách đến rạp. Riêng bản thân tôi chưa từng làm một bộ phim nào như thế” – anh nhận xét.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong năm nay có hai phim mang tính quảng bá du lịch Việt Nam đáng chú ý.
Đó là A Tourist’s Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách) do Netflix sản xuất, với đội ngũ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên chủ yếu là người nước ngoài. Phim này khá thành công, đứng số 1 về lượt xem trên Netflix, được dư luận ghi nhận dù câu chuyện và diễn xuất không mới.
Thứ hai là phim chiếu rạp Giao lộ 8675 do Việt Nam sản xuất. Phim chia thành ba câu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện quảng bá du lịch ở một địa phương khác nhau (Bình Định, TP.HCM và Ninh Bình).
Phim được quay đẹp như quảng cáo, nhưng vì cách khai thác nội tâm và kể chuyện chưa sâu nên không gây được ấn tượng.
Trở lại với lối làm phim giúp lan tỏa du lịch hiệu quả, đạo diễn Victor Vũ cho rằng không có giới hạn nào cho việc các nhà làm phim “đan xen vào bối cảnh bộ phim các địa điểm, địa chỉ hấp dẫn đang náu mình chờ đợi được khai phá”.
Theo anh, điểm chính là cái tâm của người làm phim. Anh nói: “Nền điện ảnh Việt Nam chưa khai thác nhiều các giá trị du lịch vì không phải bộ phim truyện nào cũng nhồi nhét nó vào được.
Nếu cố tình sẽ trở thành khập khiễng và khiên cưỡng, mọi cái phải hợp tình hợp cảnh để người xem thâu nạp vào tâm khảm cái “mỏ” du lịch còn ẩn mình một cách tự nhiên. Đấy chính là nghệ thuật quảng bá ngầm và không công cho ngành du lịch”.
Lý Hải quảng bá nghề làm chiếu qua phim
Đạo diễn Lý Hải chọn con đường riêng khi phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của anh quảng bá làng nghề truyền thống. Đó là làng chiếu Định Yên – ngôi làng có 70% hộ dân theo nghề chiếu nhưng đang dần bị mai một.
Làng nghề địa phương cũng là một phần của du lịch và văn hóa. Sau khi làm phim, Lý Hải đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh túy của làng nghề.
Không chỉ Lật mặt 6, các phần Lật mặt khác cũng khai thác nét văn hóa vùng miền. Lật mặt 4: Nhà có khách mô tả một lễ hội miền núi Tây Bắc. Lật mặt 5: 48h khai thác lối sống của người miền Tây sông nước.
Điều này cũng giúp ích cho bộ phim khi các phần Lật mặt đều có sức hút với người dân ở các địa phương nhỏ chứ không chỉ ở các thành phố lớn.