Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo; Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (diễn ra từ ngày 21 tới hết ngày 25-11).
Vô tội vạ
Luật sư Quách Văn Minh – tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam (VAFC) – chia sẻ hiện nở rộ trào lưu review (tóm tắt, đánh giá phim) rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên YouTube hay Facebook hoặc TikTok… Review chỉ là bề nổi, còn đằng sau đó là mục đích câu view, kiếm tiền bất chính, gây tổn hại đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hòa lấy ví dụ Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Con Nhót mót chồng và Siêu lừa gặp siêu lầy – ba phim gần đây bị cắt ra thành nhiều clip nhỏ và phát trên mạng xã hội nhằm qua mặt các thuật toán kiểm duyệt.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết bản thân có hai bộ phim đang bị phát tán một cách vô tội vạ trên mạng là 578: Phát đạn của kẻ điên và Xẩm đỏ. Anh kêu gọi khán giả hãy coi điện ảnh là một sản phẩm kinh doanh, được làm ra từ tiền bạc và trí tuệ của nhà làm phim. Anh đặt câu hỏi: “Tác phẩm của các đơn vị sản xuất phim bị xâm hại, ai bảo vệ, có đường dây nóng để kêu cứu khẩn cấp không?”.
Bà Phạm Thị Kim Oanh – phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – cho hay có những phim điện ảnh đã được Cục Điện ảnh duyệt cấp phép, nhà sản xuất chưa phát hành ngoài rạp nhưng đã bị cá nhân nào đó rò rỉ ra bên ngoài.
Bà Kim Oanh dẫn chứng, phim Cô ba Sài Gòn – do Ngô Thanh Vân sản xuất – như một ví dụ cho việc phim bị livestream trên mạng khi vừa ra rạp. Ngoài ra, có không ít phim đang chiếu trên truyền hình bị khán giả ghi hình lại và phát tán rộng rãi trên mạng.
Luật sư Quách Văn Minh nói thêm hiện một số công ty cung cấp dịch vụ trung gian, tức các trang web có tên miền quốc tế hoặc các dịch vụ ẩn giấu thông tin hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Những kênh này cho phép người dùng truy cập và đăng tải nội dung nhưng lỏng lẻo trong kiểm soát nội dung, càng khiến tình trạng xâm phạm bản quyền càng lan rộng, khó kiểm soát.
Thách thức mang tính pháp lý
Ông Đoàn Văn Việt – thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – dẫn số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, trong đó có công nghiệp điện ảnh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển và đang phát triển. Ông lấy ví dụ: Mỹ (chiếm 12% GDP), Hàn Quốc (9,89% GDP), Trung Quốc (7,35% GDP), Malaysia (5,7% GDP), Thái Lan (4,48% GDP)…
“Bảo hộ bản quyền có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội” – thứ trưởng nói.
Song “cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi hơn, đặt ra nhiều thách thức với bảo hộ quyền tác giả, trong đó có nhiều thách thức về mặt pháp lý”, bà Oanh nói. Trong khi đó, theo ông Hân Nguyễn – giám đốc Thủ Đô Multimedia, các biện pháp phòng vệ sau phát hành như “thả gà ra đuổi, và thực tế là không đuổi được” khi các đơn vị có quyền và liên quan quyền chưa được trang bị cách thức bảo vệ trong điều kiện, bối cảnh mới.
Theo luật sư Quách Văn Minh, hiện Việt Nam có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, nghị định hướng dẫn; Luật Điện ảnh, nghị định xử phạt vi phạm hành chính; Bộ luật Hình sự… Tuy nhiên, mức xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe, không tương ứng với mức độ vi phạm và thiệt hại của các đơn vị sản xuất phim. Đạo diễn Võ Thanh Hòa bổ sung rằng thủ tục xử lý còn rườm rà, phức tạp; việc xử lý, tiếp nhận quy trình vi phạm phức tạp, mất thời gian và chưa mang lại kết quả.
Cần cứu phim ảnh
Các chuyên gia, nhà làm phim đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ bản quyền, nâng cao nhận thức về bản quyền nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh.
Bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan tương ứng của nước ngoài để đấu tranh, xử lý các hành vi xâm phạm trên không gian mạng.
Đại diện Thủ Đô Multimedia gợi ý mã hóa để bảo vệ, quản lý phim trước khi phân phối và phát hành; đồng thời gắn mã bản quyền để truy quét, áp dụng quy trình phân phối nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế. Hiện có các giải pháp công nghệ có thể hỗ trợ, giải quyết vấn đề này.
Ngoài xử lý nghiêm, luật sư Quách Văn Minh gợi ý có thể “chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu”. Biện pháp này từng được Hàn Quốc, Úc, Anh… thực hiện và có hiệu quả. Đại diện văn phòng luật sư Phan Law Vietnam chia sẻ việc khởi kiện dân sự với những trường hợp vi phạm cũng cần được khuyến khích nhằm ngăn chặn, đồng thời cảnh báo cho những đối tượng khác.