Hơn 4 thập kỷ trước, Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Tạng với tổng số hơn 100 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau tại khu vực Nhiệt Thủy, huyện Đô Lan, tỉnh Thanh Hải, miền tây Trung Quốc.
Khám phá này đồ sộ đến mức đến tận bây giờ, giới chuyên gia Trung Quốc vẫn không ngừng tìm kiếm được những câu chuyện lịch sử từ những cổ vật được chôn tại đây.
42 năm không ngừng tìm ra những kỷ lục mới
Thực tế, địa danh này có tên Nhiệt Thủy là vì vùng đất nơi đây có nhiều suối nước nóng tuổi đời hàng nghìn năm.
“Nước nóng ở Nhiệt Thủy tựa như nước thánh, quý như suối vàng” – Đó là cảm thán của Hoàng đế Khang Hy (1654-1722) sau khi ông nhiều lần đến đây thanh tẩy long thể sau những trận chiến vướng nhiều bụi trần của mình kể từ năm 1678.
Không chỉ có những dòng nước nóng quý như suối vàng, Nhiệt Thủy còn có cả một quần thể lăng mộ đồ sộ được Trung Quốc xếp hạng ‘kho báu’ quốc gia.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1982 khi Đội Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Thanh Hải vô tình phát hiện ra một nhóm ngôi mộ cổ trong lúc tiến hành một cuộc khảo sát di tích văn hóa cổ ở thị trấn Nhiệt Thủy, huyện Đô Lan.
Ngay sau đó, Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Thanh Hải bắt tay ngay vào việc khảo sát, khám phá. Tổng cộng, họ đã tiến hành thực hiện 4 cuộc khai quật quy mô chưa từng có tại đèo Jingpeng trên cao nguyên Tây Tạng.
Từ năm 1982 đến 2024, đội chuyên gia khảo cổ hùng hậu của Trung Quốc và quốc tế đã có thu hoạch cực kỳ lớn: Họ phát hiện được Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Tạng với hơn 100 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau nằm ở độ cao từ 3.200 mét đến 3.500 mét tại Nhiệt Thủy. Các lăng mộ nằm rải rác trên một khu vực dài khoảng 7.000 mét ở 4 ngôi làng của Nhiệt Thủy, niên đại từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 9.
Vì quần thể lăng mộ này được phát hiện tại khu vực Nhiệt Thủy nên nó còn có tên “Lăng mộ Nhiệt Thủy” (Lăng mộ Nước nóng). Điều khiến cộng đồng nghiên cứu khảo cổ học Trung Quốc sửng sốt là, đây chính là quần thể lăng mộ Tây Tạng lớn đầu tiên được phát hiện ở quốc gia này.
Vậy Trung Quốc có thu hoạch gì từ mỏ kho báu đồ sộ này?
1. Kho báu chưa toàn vàng bạc, đồ quý hiếm
Tại Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Tạng này, các gia khảo cổ học thu được một mỏ kho báu theo đúng nghĩa đen.
Trong hơn 100 ngôi mộ ở Nhiệt Thủy, các nhà khoa học đã tìm thấy vô số trang sức/vật dụng bằng vàng/bạc Sogdia (từ Iran) cùng các tấm vải lụa hạng sang, hạt mã não, đĩa đồng, chai nước hoa bằng đồng cùng rất nhiều vật dụng ‘quý tộc’ và các di tích văn hóa khác.
Ngoài ra, họ còn tìm thấy nhiều cổ vật vô cùng quý hiếm, có giá trị lịch sử đương thời như vật dụng bằng gỗ quý cùng số lượng các loại gấm vóc (trong số đó có những tấm gấm thêu chỉ vàng lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc) và rất nhiều thổ cẩm Ba Tư với chất lượng không thua kém thời hiện đại cùng tượng Phật, vật dụng của người Tây Vực… Đây đều là những bảo vật đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc.
Những thứ này chứng tỏ một điều rằng khu vực này là một nút quan trọng trên Con đường Tơ lụa. Một phần lịch sử từ hệ thống con đường buôn bán kéo dài 6.437 km nối châu Á với châu Âu nhờ đó có cơ hội được trỗi dậy sau hàng nghìn năm ngủ vùi dưới lòng đất.
Riêng việc tìm thấy vàng bạc Sogdia được chế tác vô cùng tinh xảo và khác biệt – cho thấy thương nhân từ Iran đã đến Trung Quốc trao đổi hàng hóa – đã chứng minh cho điều này.
2. Thế đất “Lưng tựa núi, Mặt hướng sông”
Vì chủ nhân của các ngôi mộ đều thuộc tầng lớp vua chúa, quý tộc nên một điểm chung đầy xa hoa của các ngội mộ này – bên cạnh đồ tùy táng rất ‘quý tộc’ của chúng – đó là tất cả các ngôi mộ đều được bao phủ bằng gỗ bách nhiều lớp.
Đặc điểm này chỉ là một trong những cách mai táng tuân thủ thuyết phong thủy nghiêm ngặt mà người xưa vô cùng coi trọng. Hãy xem, họ chôn cất hàng trăm ngôi mộ này cầu kỳ, tỉ mỉ nhằm cầu vận may lớn như thế nào?
Từ cổ xưa, con người đã khao khát một cuộc sống giàu sang phú quý, gia thế phát triển bền vững, quốc gia hưng thịnh thái hòa. Mong cầu này đúng ngay cả khi một người đã bước sang thế giới bên kia. Do đó, việc chọn mộ tổ tiên thuận phong thủy, hợp long mạch là cách người sống tin rằng người đã mất có thể phù trợ cho con cháu ngàn đời sau.
Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Tạng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn phong thủy cổ xưa. Hầu hết các ngôi mộ đều “tựa núi, hướng sông”, tất thảy mang lại cảm giác được núi che chở, vững chãi và được sông mở ra với thế giới bên ngoài, rộng mở.
Chưa kể, các ngôi mộ được bao phủ bằng gỗ bách. Phía trên hàng gỗ bách 9 tầng là lớp sỏi sau đó mới đến lớp đất và gò mộ. Đáy mộ thường được lát bằng đá và ván gỗ.
Trong số 4 cụm mộ lớn (ký hiệu M1, M2, M3, M4) có một ngôi mộ lớn nhất. Ngôi mộ lớn nhất này được bố trí nằm trên một ngọn đồi tự nhiên cao 30 mét, với thế tựa vào núi Nhiệt Thủy và hướng mặt ra sông, hùng vĩ như một thành phố. Trong đó, gò mộ (phần đất đắp thêm) sẽ cao 11 mét, dài 55 mét từ đông sang tây, rộng 37 mét từ bắc xuống nam.
Từ trên xuống dưới mộ, cứ khoảng 1 mét lại có một lớp gỗ được xếp ngay ngắn phía trên gò mộ, có tới 9 lớp, tất cả đều được làm bằng gỗ bách có độ dày trung bình. Hình thức và phong cách xây dựng lăng mộ như thế này là hình thức duy nhất được thấy trong tất cả các cuộc khai quật khảo cổ từng thực hiện ở Trung Quốc.
Phía trước cổng của mỗi khu mộ đều có hơn 70 bộ xương động vật bao gồm gia súc, ngựa, cừu, chó và hươu được chôn như một phần đồ cúng tế cho người qua đời. Chưa kể, quần thể lăng mộ đều được xây dựng ở nơi có địa hình nguy hiểm, ngụ ý đảm bảo cho chủ nhân của các ngôi mộ không bị những kẻ ‘người trần mắt thịt’ quấy nhiễu.
Đặc biệt nhất, các khám phá khảo cổ học vào năm 2018 tại Lăng mộ số 1 (M1) đã chứng minh đây là một trong những ngôi mộ cấp cao có bố cục hoàn chỉnh nhất, cấu trúc rõ ràng nhất và hình dạng phức tạp nhất được tìm thấy trong cả Quần thể này và thậm chí cả trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng.
Điều này cho thấy ‘phong thủy sư’ cách đây hàng nghìn năm đã coi trọng và đáp ứng yếu tố phong thủy trong xây dựng lăng mộ nghiêm ngặt và tỉ mỉ như thế nào.
3. Mở toang cánh cửa giải mã “Mật mã Tây Tạng” từ ngàn năm
Giới học thuật, chuyên gia sử học Trung Quốc đánh giá, việc khai quật Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Tạng có giá trị cực kỳ lớn cho việc nghiên cứu lịch sử nền văn minh Tây Tạng, nghiên cứu các dạng lăng mộ ở miền Tây Trung Quốc thời tiền Đường, sự trao đổi văn hóa/giao thương giữa khu vực địa phương và Trung Á cũng như thảo luận về nguồn gốc của người Tây Tạng.
Một số lượng lớn vải vóc gấm lụa được khai quật từ các ngôi mộ chứng minh rõ ràng rằng từ cuối thế kỷ thứ 6 đến nửa sau thế kỷ thứ 8, Thanh Hải là một trong những nút giao thương trọng điểm trên Con đường Tơ lụa và là điểm trung chuyển quan trọng của thương mại Đông-Tây.
Đó là lý do, quần thể lăng mộ ở độ cao 3.500 mét này được Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung rất coi trọng.
Năm 1983, Bộ Văn hóa nước này công nhận Quần thể này là một trong sáu khám phá quan trọng của Trung Quốc.
Năm 1996, với việc có thêm những phát hiện quan trọng khác ở Quần thể mà nó được Cục Quản lý Di sản Văn hóa Nhà nước công nhận là một trong 10 khám phá khảo cổ lớn nhất của Trung Quốc năm 1996. Từ đó trở thành khu di tích văn hóa trọng điểm quốc gia.
Vào năm 2021, sau những phát hiện khảo cổ mới tại đây năm 2020, Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Tạng được chọn là một trong 10 khám phá khảo cổ mới hàng đầu Trung Quốc vào năm 2020.
Đặc biệt, vào tháng 10/2021, Quần thể này tiếp tục được chọn là một trong 100 khám phá khảo cổ học hàng đầu trong thế kỷ.
Hiện, quần thể lăng mộ này vẫn tiếp tục thu hút giới khảo cổ họ Trung Quốc đến khám phá và giải mã.
Tham khảo: Archaeology, Baidu, WMF
Nguồn: Sưu Tầm internet