Ngày đầu tháng 11, một phụ huynh ở TP.HCM nhận được tin nhắn cô giáo gửi trong nhóm lớp, nội dung theo chị miêu tả là “ấm lòng”.
Theo đó, cô giáo nhắn: “Kính chào quý phụ huynh, hiện đã bước qua tháng 11, tháng đỉnh điểm của các hoạt động học tập và phong trào. Em xin trân trọng cảm ơn quý phụ huynh đã luôn quan tâm và hỗ trợ lớp trong mọi hoạt động. Đối với em như vậy là đủ rồi ạ. Em xin phép sắp tới sẽ không nhận quà 20/11 của tập thể lớp, để phụ huynh có thể chi tiêu cho các hoạt động khác của các bé, tạo điều kiện cho các bé có môi trường học tập và vui chơi tốt nhất. Cảm ơn quý phụ huynh rất nhiều ạ”.
Người này cho biết thêm, bỏ qua một số cá nhân tiêu cực thì trong hàng triệu giáo viên vẫn còn không hề ít những cô giáo có tâm với học sinh. Như cô giáo lớp con chị, cô luôn trích tiền túi làm quà thưởng các hoạt động của lớp. Khi chưa có đề nghị của phụ huynh lớp, cô đã tự tổ chức sinh nhật bất ngờ cho các bạn trong tháng, cô tự trang bị giáo cụ cho việc giảng dạy của mình và giảm tối đa chi tiêu của quỹ lớp.
“Hãy nghĩ theo chiều hướng ngược lại: Phụ huynh có bao giờ nghĩ cho tâm tư các giáo viên có tâm, có tầm khi bị đánh đồng chung với những trường hợp kia, khi ‘bị’ nhận những phần quà đầy thị phi đó liệu các thầy cô có vui trong lòng?”.
Câu chuyện của phụ huynh này nhận nhiều sự yêu thích. Nhiều nhận xét về cô giáo rất nhân văn, xứng đáng nhận điểm 10.
Quả thật, cứ đến ngày lễ Tết, nhiều cha mẹ lăn tăn về phong bì, quà cáp như một thứ nghĩa vụ bắt buộc, “a dua” theo phong trào, sợ con bị trù dập rồi gửi đến giáo viên kiểu “ban phát” đến nỗi người nhận không kịp cảm nhận được tình cảm gì. Nếu không biết ơn, không xuất phát từ tình cảm mến yêu, tri ân, chỉ “mất tiền” để yêu cầu đổi lại sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên đối với con mình thì xin đừng mang quà đến tặng.
Một cô giáo khác tâm sự: “Tôi rất ngại khi phải trả lời câu hỏi của những người bạn: ‘Cô giáo năm nay nhận được nhiều hoa và quà không?’. Tôi đã nói ‘không’ với quà và hoa của học sinh (thường là hoa nhựa) từ rất lâu rồi. Nhưng tôi nhận lại được sự yêu thương kính trọng từ học sinh và phụ huynh. Đối với tôi, chỉ bao nhiêu đó là đủ. Và tôi nghĩ với nhiều giáo viên họ cũng chỉ mong có thế”.
Trên thực tế, Ngày Nhà giáo là để nhắc học sinh nhiều thế hệ nhớ về thầy, cô đã dạy mình, để họ thể hiện sự tri ân bằng tình cảm chân thành. Món quà giá trị nhất là sự chia sẻ, đồng hành của bố mẹ và sự tiến bộ của các em chứ không phải bao thư nhiều hay ít. Cha mẹ đừng cụ thể hóa tình cảm thầy trò thông qua quà tặng hay phong bì.
Nguồn: Sưu Tầm internet