Phương Cào (tên thật là Trần Minh Phương) là người sáng lập và có 2 thập kỷ gắn bó với nhóm nhạc Da LAB. Tuy nhiên cách đây chưa lâu, nam rapper sinh năm 1987 đã khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo việc rời Da LAB để dành thời gian cho những niềm đam mê mới.
Không nhiều người biết rằng rapper Phương Cào có niềm đam mê đặc biệt với bóng rổ. Trong 6 năm qua, anh là Chủ tịch của CLB bóng rổ trường THPT Yên Hòa. Ở giải bóng rổ dành cho lứa tuổi THPT HSB đang được diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phương Cào cũng giữ vai trò Trưởng ban tổ chức.
Rời Da LAB để lại không ít tiếc nuối cho Phương Cào nhưng đổi lại, anh có thêm thời gian để chăm chút cho đứa con tinh thần “bóng rổ”. Gặp rapper Phương Cào vào một ngày thu tại Hà Nội, chúng tôi có cơ hội được nghe anh chia sẻ cụ thể hơn về con đường gắn bó với bóng rổ, cũng như những dự định trong tương lai của mình.
Anh có thể chia sẻ về niềm đam mê âm nhạc và bóng rổ của mình, và điều gì đã thôi thúc anh chia tay Da LAB và dành nhiều thời gian hơn cho bóng rổ?
Thật ra nó là hai quyết định khá là độc lập. Thực tế, quỹ thời gian của mình cũng có hạn. Dừng lại với Da LAB giúp mình có thêm thời gian để tập trung vào những hoạt động cá nhân mà bản thân mong muốn, trong đó có bóng rổ.
Với bóng rổ, đây là niềm đam mê từ lâu của bản thân. Giờ tuổi tác không cho phép mình thi đấu, mình muốn ghi dấu ấn ở một vai trò khác. Vì thế, mình cố gắng phát triển bóng rổ phong trào, để tạo ra một môi trường cho các bạn trẻ. Nhờ đó, cá nhân mình cũng có thể tận hưởng niềm đam mê với môn thể thao này.
Liệu có điểm tương đồng nào giữa âm nhạc và bóng rổ mà anh đã tìm thấy trong hành trình của mình không?
Theo mình, âm nhạc và bóng rổ có những điểm chung rất rõ ràng. Hãy cùng so sánh ở phạm vi hẹp hơn một chút. Đó là nhạc hiphop và bóng rổ. Với mình, cả hai sở hữu không ít nét tương đồng như đều có nhịp độ nhanh, mang tính đường phố.
Nếu mọi người chơi thể thao hoặc là quan sát thể thao kỹ càng thì mọi người sẽ thấy là ờ môn thể thao nào thì nó cũng có cái tính nhịp độ. Mình cảm nhận được điều đó rất rõ, từ tiết tấu nhanh chậm của trận đấu, cho đến những nhịp chuyền bóng ghi điểm.
Một điều nữa là bóng rổ lẫn âm nhạc đều đòi hỏi người chơi phải thể hiện cái tôi và phần nào cả cái ngông trong đấy. Đó là những điểm chung mình cảm nhận được, cũng là lý do khiến mình yêu cả âm nhạc lẫn bóng rổ.
Có niềm đam mê đặc biệt với bóng rổ với đam mê với bóng rổ và âm nhạc. Vậy anh đã từng kết hợp hai niềm đam mê đó vào một sản phẩm nào đó hay chưa?
Mình đã từng kết hợp cả 2 chất liệu này vào một sản phẩm. Năm 2017, mình từng sáng tác một bài hát cho giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA). Sáng tác xong, mình thực hiện MV nhạc và tặng lại ca khúc cho giải đấu để sử dụng trong loạt chung kết năm đó.
Sau đó, mình cũng có một số bài hát không phải về bóng rổ nhưng sử dụng bóng rổ như một cách thể hiện trong phần MV. Đây là sản phẩm mình hợp tác cùng Linh Cáo, OSAD và 24k.Right.
Mình hiện đang có nhiều ấp ủ về âm nhạc và bóng rổ. Lúc này, mình đang tự do về thời gian cũng như về những điều muốn thể hiện. Mình nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để biến các kế hoạch đó thành hiện thực.
Anh đã tham gia vào công việc quản lý đội bóng rổ Yên Hòa như thế nào và điều gì đã khiến anh quyết định đảm nhận vai trò chủ tịch đội bóng?
Câu chuyện quay trở lại thời điểm mình mới vào lớp 10. Thời điểm đó, mình rất mê bộ truyện tranh Slam Dunk. Từ đây, mình bắt đầu đam mê và rất muốn được chơi bóng rổ.
Năm lớp 10, mình đã vào được tuyển bóng rổ ở trường. Tuy nhiên, phong trào bóng rổ khi ấy còn hạn chế. Thêm vào đó, phương tiện liên lạc hay internet cũng không phổ biến như hiện tại nên bọn mình gặp khó trong việc kết nối để tạo ra một cộng đồng lớn mạnh.
Sau này lên đại học, mình xin làm quản lý CLB bóng rổ của trường và phải cạnh tranh với vài bạn nữ. Có lẽ do khi đó mình cũng tự thỏa hiệp với bản thân, không tập trung hoàn toàn vào bóng rổ. Thêm vào đó, mình khá tự ti về năng lực dẫn tới việc vào nhiều tập thể, hội nhóm liên quan đến bóng rổ nhưng không để lại được dấu ấn cụ thể nào.
Ra trường, mình theo đuổi công việc xây dựng. Mình tự hứa với bản thân rằng một khi thu nhập trên 30 triệu đồng sẽ trích 1/3 số tiền này dành cho bóng rổ.
Bẵng đi một thời gian đến năm 2016, mình thấy công việc xây dựng đang làm không còn nhiều đột phá. Mình bắt đầu ngồi lại, gạch đầu dòng những công việc bản thân muốn nhưng chưa làm được, trong đó thì có bóng rổ. Cuối cùng, mình chọn nghỉ việc, ra Hà Nội lập ra đội bóng rổ Hanoi OG.
Song song với đó, mình liên hệ với trường cấp 3 cũ là trường THPT Yên Hòa với mục đích hỗ trợ phong trào. Thời điểm đầu, mình dự định đồng hành theo kiểu trao thưởng. Tức là khi đội bóng đạt được một chiến thắng hay một thành tích đáng chú ý nào đó, mình sẽ thưởng một món quà nào đó.
Dần dần, mình cũng hiểu hơn về bóng rổ học đường, có nhiều mối quan hệ hơn. Điều đó thôi thúc mình phải đóng góp nhiều hơn để phát triển phong trào bóng rổ tại Yên Hòa.
Mình nhớ đã ngồi lại với ban giám hiệu của trường, đặt vấn đề để những cựu học sinh được phép điều hành CLB bóng rổ của trường. Cùng với đó, bọn mình đưa ra cam kết về vấn đề kinh phí cũng như chuyên môn, cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo cân bằng giữa việc học và bóng rổ. Đó là khởi đầu cho hành trình của mình tại CLB bóng rổ trường Yên Hòa.
Ở vai trò mới, mình phải đối mặt với không ít khó khăn. Như thời điểm dịch Covid bùng phát, mọi người phải loay hoay về cách làm cũng như duy trì đội bóng. Giờ mọi thứ cũng đã qua, CLB đã có những bước phát triển lớn.
Anh có thể kể về những khó khăn và thách thức của việc từng là chủ tịch CLB bóng rổ cấp 3 Yên Hòa không?
Chặng đường gắn bó với bóng rổ của bọn mình có không ít chông gai. Giai đoạn cao điểm, CLB bóng rổ của trường có đến 80 thành viên. Các bạn, mỗi năm mỗi khác, đã có những thay đổi lớn về mặt ý thức, suy nghĩ cũng như cách thể hiện. 80 bạn có 80 câu chuyện khác nhau, không ai giống ai.
Nếu các bạn có vấn đề nào đó, cần một cách giải quyết khác nhau. Bọn mình cố gắng giải quyết các vấn đề này tốt nhất có thể để các bạn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê bóng rổ.
Khi các bạn ra trường, sẽ có một lứa cầu thủ mới thay thế. Bọn mình sẽ phải cố gắng lại từ đầu, xây dựng lại từ đầu. Đó như một vòng quay, lặp đi lặp lại.
Được tiếp xúc với hàng trăm bạn học sinh tham gia CLB, hẳn anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
Tất nhiên rồi. Câu chuyện mình nhớ nhất là về một bạn học sinh tham gia CLB cách đây vài năm. Trong quá trình chơi bóng, bạn học sinh đó không may gặp chấn thương và cần chụp chiếu.
Tuy nhiên, bạn học sinh đó mãi không chịu đi khám. Hỏi ra mình mới biết gia đình gặp khó khăn và bạn không muốn người thân phải chịu thêm áp lực về chuyện tài chính.
Mình sau đó đã hẹn gặp mẹ của bạn đó và hiểu được hoàn cảnh của bạn. Mình quyết định sẽ hỗ trợ chi phí chụp chiếu cho bạn. Sau đó, mình duy trì được mối quan hệ thân thiết với gia đình bạn học sinh đó. Mẹ bạn đặc biệt tin tưởng mình, thường xuyên trao đổi với mình về chuyện học tập, tình cảm của con trai.
Khi bạn bước vào kỳ thi đại học, mình cũng hỗ trợ tư vấn, định hướng cho bạn. Hai anh em vẫn giữ mối quan hệ cho đến bây giờ.
Nhờ làm bóng rổ học đường, mình có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều mối quan hệ quý báu mới.
Vậy điều gì khiến anh tự hào nhất sau 6 năm giữ chức Chủ tịch CLB bóng rổ trường Yên Hòa?
Đầu tiên phải nói về vấn đề thành tích. Như việc đội bóng rổ Yên Hòa lần đầu tiên vô địch bóng rổ nam lứa tuổi học sinh. Nhưng mà điều khiến mình tự hào nhất là sự trưởng thành của từng cá nhân.
Đó là điều người trong cuộc mới nắm được. Đó là sự phát triển về thể chất, sự nâng cao về ý thức của các bạn. Mình biết nhiều cựu thành viên của CLB bóng rổ trường Yên Hòa sau khi ghi danh vào CLB bóng rổ tại đại học đã nhận được những phản hồi tích cực.
Mình cũng may mắn được chứng kiến nhiều màn lột xác ngoạn mục của các thành viên CLB bóng rổ Yên Hòa. Các bạn không còn trẻ con nữa, bớt nhút nhát, dám thể hiện cái tôi của chính mình.
Một trong những điều tự hào nữa là mình đã hoàn thành được lời hứa từ rất nhiều năm trước với một bạn cựu học sinh: Thành lập đội nữ và giúp nó hoạt động.
Trước đây, bạn ấy cũng cố gắng thành lập đội nữ nhưng vì một số lý do đã không thành công. Bạn ấy đau đáu về điều đó và có chia sẻ lại với mình sau này. Mình hứa với bạn sẽ thực hiện điều đó và cuối cùng đã biến nó thành hiện thực.
Chủ tịch đội bóng rổ cấp 3 hay một cách gọi khác là “Ông bầu” thể thao học đường, anh thấy cách gọi nào đúng với vai trò của anh hơn?
Đó chỉ là những cách gọi khác nhau và mang tính vui vẻ mà thôi. Mình thực tế là người định hướng, hỗ trợ mọi người. Khi CLB cần một ai đó để đưa ra những quyết định quan trọng của tập thể, mình sẽ là người đứng ra.
Với mình, dù cách gọi nào cũng không làm thay đổi bản chất của công việc mình đang làm. Mình thực tế chỉ muốn nhớ đến là một người làm bóng rổ phong trào, đơn giản vậy thôi.
Tại giải bóng rổ HSB 2024, anh giữ vai trò Trưởng ban tổ chức. Anh có thể chia sẻ về hành trình để giúp HSB năm nay có thể diễn ra?
Trước đó, mình đã từng tham gia HSB mùa đầu tiên với vai trò Chủ tịch của CLB bóng rổ Yên Hòa và cũng có sự tìm hiểu, quen biết nhiều thành viên đội ngũ sản xuất. Mình biết rằng tất cả mọi người đều có nguyện vọng chung là phát triển và lan tỏa phong trào bóng rổ. Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, mình cũng muốn đóng góp những gì mình đang có cho phong trào này và quyết định dấn thân vào vai trò hiện tại.
Để HSB mở rộng quy mô như năm nay, ban tổ chức đã phải đối mặt và vượt qua không ít khó khăn. Thứ ban tổ chức thiếu nhất chính là kinh phí. Mình muốn xã hội hóa các nguồn lực dành cho bóng rổ học đường nói riêng và thể thao học đường nói chung. Chúng ta không thể dựa vào nguồn lực của một cá nhân để tổ chức giải đấu mà cần nhiều bên. Nhiều người cùng hỗ trợ.
Giải đấu năm nay đã đi qua được giai đoạn 1, anh đánh giá ra sao về chất lượng chuyên môn tại HSB 2024?
Bóng rổ tại các trường cấp THPT giờ không còn tình trạng một đội vượt trội so với phần còn lại. Trình độ của các đội đã được kéo gần nhau hơn, ẩn chứa không ít bất ngờ. Nhiều đội trước nay không quá nổi bật giờ lại tạo ra điểm nhấn. Đó là do họ có khát khao, có sự đầu tư đúng cách.
Theo ý kiến của mình, chất lượng giải đấu năm nay khá cao, hấp dẫn, khó lường. Nhưng giải đấu mới chỉ bước qua giai đoạn một, ở giai đoạn hai, các đội không còn thi đấu tập trung mà theo thể thức sân nhà – sân khách. Điều này mang đến những thách thức lớn hơn dành cho ban tổ chức. Ở chiều ngược lại, điều này cũng giúp bóng rổ lan tỏa được rộng hơn.
Tại những trận đấu bóng rổ, sự cuồng nhiệt của các khán giả là điều không thể thiếu. Anh đánh giá thế nào về độ “cháy” của người hâm mộ tại giải năm nay?
Sự cuồng nhiệt của các khán giả là điều xuất hiện ở tất cả các trận đấu tại giải cho đến lúc này. Trên cương vị của ban tổ chức, mình muốn từ sự cuồng nhiệt này sẽ lan tỏa được vẻ đẹp bóng rổ đến với cộng đồng.
Mình biết nhiều trường THPT vẫn chưa có sân bóng rổ riêng, thường phải thuê sân và khiến khán giả gặp nhiều khó khăn trong việc cổ vũ. Biết đâu hình ảnh những khán đài bóng rổ đầy ắp khán giả của giải sẽ tạo ra một sự chuyển biến nào đó, biết đâu sẽ là một SVĐ bóng rổ được xây cho các bạn học sinh.
Anh có thể chia sẻ về một ngày bình thường trong cuộc sống của anh khi không bận rộn với âm nhạc hay bóng rổ?
Cá nhân mình cho rằng chúng ta đều đang sống trong một “trò chơi một mạng”. Vì thế, mình muốn có nhiều trải nghiệm nhất có thể.
Mình là người thích thử thách nên khá thích việc kinh doanh. Hiện mình được kinh doanh về nhà cho thuê, sản xuất content, thời trang. Trước giờ, mình chỉ dừng lại ở vai trò nhà đầu tư và cố vấn. Nhưng giờ mình thoải mái hơn về mặt thời gian, mình dự định trực tiếp tham gia vào công việc kinh doanh, đương đầu với nó. Bên cạnh đó, mình cũng đam mê về xe hơi.
Anh có suy nghĩ gì về việc truyền cảm hứng và là hình mẫu cho thế hệ trẻ hiện nay?
Thời gian trôi qua rất nhanh và không thể nào lấy lại được. Thậm chí, mình quay lại được thì vẫn không thể có cảm xúc như lần đầu tiên. Vì thế, mình nghĩ rằng ai cũng nên có mục tiêu trong cuộc sống và tìm cách thỏa mãn nó.
Nếu mình càng có nhiều khát khao, mình càng có động lực biến nó thành hiện thực. Là người từng trực tiếp trải qua, mình rất sợ cái cảm giác một ngày nào đó cảm thấy hối tiếc vì đã không nỗ lực hết mình trong quá khứ.
Như việc mình muốn làm một điều gì đó nhưng vì lý do này, lý do kia, mình thỏa hiệp và không thực hiện đến cùng. Đến một ngày, mình thấy người ta làm cái việc đó và thành công. Lúc đó, cảm giác sẽ rất khó chịu.
Kế hoạch trong tương lai của anh là gì? Cả cuộc sống lẫn bóng rổ?
Với CLB bóng rổ Yên Hòa, mình muốn tạo ra một mô hình hoạt động, mà sau này khi mình có thể rời vị trí Chủ tịch, đội vẫn có thể hoạt động với quy mô ít nhất như hiện tại. Đội Yên Hòa có lẽ là đội bóng rổ THPT đầu tiên kêu gọi được nhà tài trợ và có logo nhà tài trợ trên áo đấu.
Trong tương lai, mình vẫn muốn được chơi bóng rổ, làm bóng rổ, hỗ trợ cho phong trào bóng rổ đi lên.
Còn về việc ca hát, dù nghỉ Da LAB, mình vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi âm nhạc. Mình chưa bao giờ dừng ca hát. Trong quá khứ, ngay cả giai đoạn tập trung cho công việc xây dựng nhiều nhất thì mình vẫn không bỏ âm nhạc.
Mình bắt đầu gắn bó với âm nhạc từ cấp hai, tự học, tự làm dù không qua trường lớp đào tạo nào. Giờ thì khi ra hoạt động riêng, mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nhưng ở chiều ngược lại, mình thể hiện được cá tính âm nhạc một cách tự do hơn.
Câu chuyện là mình vẫn sẽ theo đuổi âm nhạc nhưng chắc chắn sẽ mang những nét mới mẻ hơn so với giai đoạn trước đó.
Nguồn: Sưu Tầm internet