Trong một gia đình, người có ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ chắc chắn là mẹ. Một người mẹ tốt có thể sánh ngang với một trăm giáo viên, bởi vì người mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái một cách vô hình, do đó, người mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Mẹ là người dành thời gian cho con nhiều nhất. Cách dạy dỗ của mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái một cách thầm lặng và vô hình trung tác động đến việc hình thành tính cách của con cái, ảnh hưởng đến cuộc đời sau này của chúng.
Có một câu chuyện tôi đã từng đọc trên mạng, một học sinh trung học cơ sở ở Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) vì không để ý nên đã cầm nhầm ví của người khác thành ví của mẹ. Khi về đến nhà, người mẹ này mới phát hiện ra đó không phải là ví của mình.
Người mẹ kiên quyết hôm sau sẽ dẫn con gái trở lại chỗ cũ chờ người đánh mất. Cuối cùng, họ đã tìm ra chủ nhân của chiếc ví này và trả lại đầy đủ tài sản.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, mẹ phải luôn là một tấm gương đúng đắn để con cái noi theo.
Có người từng nói:
“Bạn hy vọng con cái trở thành người như thế nào, rất đơn giản, bạn hãy trở thành người như thế. Trong tương lai, khi chúng thực sự hiểu được, chúng sẽ yêu thương bạn, cũng như tôn trọng bạn”.
Mỗi lời nói, hành động của mẹ đều ảnh hưởng đến con cái một cách vô hình. Trẻ em là những người quan sát nhạy bén nhất, chúng sẽ quan sát bằng mắt, lắng nghe bằng tai, và mô phỏng bằng hành động.
Mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, và con cái là cái bóng của mẹ.
Nguồn gốc và cơ sở của sự phát triển đạo đức ở trẻ em nằm ở trí tuệ, tình cảm và đam mê nội tâm của mẹ.
Mẹ đối xử với mọi người một cách chân thành, con cái sẽ có cách ứng xử có giáo dục.
Mẹ kiên định làm việc, con cái sẽ không từ bỏ khi gặp thất bại.
Mẹ có tâm hồn lương thiện, con cái sẽ sống tích cực hơn.
Một người mẹ có cách dạy con phù hợp luôn hiểu rằng cần phải bắt đầu từ ba khía cạnh sau:
1. Phát triển bản thân, học hỏi không ngừng: Mẹ cần phải hiểu rằng sự phát triển bản thân là quan trọng. Nhiệm vụ của mẹ là hướng dẫn con cái chọn lựa quan điểm, giá trị đúng đắn, nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành.
2. Hiếu thảo với người lớn tuổi, tử tế với mọi người: Sự tốt bụng và lòng nhân ái của mẹ là chìa khóa để con cái sau này có mối quan hệ tốt với người khác, mẹ cần giáo dục con cái biết ơn sự nuôi dưỡng của cha mẹ.
3. Dũng cảm đối mặt, gánh vác trách nhiệm: Mẹ dám đối mặt với khó khăn và có trách nhiệm giải quyết những vấn đề mà mình gặp phải sẽ giúp con cái của họ biết cách đối mặt với thất bại, bình tĩnh suy nghĩ khi đối diện với khó khăn.
Một người mẹ có ba khía cạnh trên là yếu tố quan trọng để con cái phát triển khỏe mạnh, cũng là điều may mắn nhất của gia đình.
Một người có suy nghĩ rõ ràng, tình cảm ổn định sẽ mang lại cảm giác an toàn cho người khác.
Người mẹ có cảm xúc ổn định sẽ làm cho gia đình trở nên ấm áp và hạnh phúc hơn và con cái cũng vì thế mà trở nên xuất sắc hơn.
Ngược lại, nếu mẹ hay cáu kỉnh, con cũng sẽ trở nên nóng nảy và tiếp cận mọi thứ một cách hời hợt.
Một người mẹ cảm xúc ổn định, đối với con cái, là một kho báu vô giá.
Có một cậu bé thường hay bộc phát cảm xúc quá đà. Một ngày, mẹ đã đưa cho cậu một gói đinh, yêu cầu mỗi khi cậu nổi giận, hãy đóng một chiếc đinh vào tường. Lúc đầu, mỗi ngày trôi qua là trên đường xuất hiện vài ba chiếc đinh, nhưng sau đó cậu dần học được cách kiểm soát cảm xúc của mình, và số lượng đinh mới trên tường theo đó mà giảm dần.
Bởi lẽ, cậu nhận ra rằng việc đóng đinh khó hơn việc kiểm soát cảm xúc rất nhiều. Cậu đã chia sẻ sự thay đổi của mình với mẹ, và mẹ cậu nói rằng nếu cậu không nổi giận vô cớ trong một ngày thì cậu có thể rút một chiếc đinh ra từ tường.
Theo thời gian, tất cả các chiếc đinh trên tường đều biến mất.
Mẹ chỉ vào những lỗ hổng trên tường sau khi rút đinh và nói: “Bức tường giờ đây không thể trở lại như trước, giống như mỗi lần chúng ta nổi giận với người khác, đều sẽ để lại vết thương cho họ”.
Việc đóng đinh đã khiến cậu bé ngẫm ra nhiều điều sâu sắc. Có thể thấy, một người mẹ có cảm xúc ổn định có thể dạy cho con cái cách kiểm soát cảm xúc của chính mình, điều này sẽ có ích cho cả đời của trẻ.
Một chuyên gia giáo dục từng nói:
“Việc giáo dục trẻ em không gì khác so với việc nói chuyện tử tế với chúng, không vội vàng, không nổi giận, làm được điều này thì đã thành công đến 80%”.
Những bà mẹ tuyệt vời đều biết cách luyện tập cảm xúc của mình từ ba khía cạnh sau:
1. Học cách giữ im lặng khi cảm thấy khó chịu: Kiềm chế lời nói, ngừng cãi vã, bình tâm lại, và khi cảm xúc đã lắng xuống thì hãy trò chuyện với con cái một cách bình tĩnh và khách quan. Nếu đã nổi giận với con cái, cần xin lỗi kịp thời và giao tiếp hiệu quả với chúng, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
2. Tìm cách giải quyết vấn đề, không phải là “xả” cảm xúc: Hãy kiên nhẫn với con cái hơn một chút, hướng dẫn chúng phát triển theo hướng đúng đắn.
3. Giảm bớt kỳ vọng đối với con cái: Chấp nhận sự “bình thường” của con, dành cho chúng nhiều lời khích lệ và công nhận hơn, để chúng có thêm cơ hội khám phá sở thích của mình.
Hãy học cách kiểm soát cảm xúc, chú ý đến giọng điệu và cách thức giao tiếp với con cái, không than phiền, không “giận cá chém thớt”, không quá khắt khe, tạo cho con cái một môi trường phát triển lành mạnh.
Mẹ biết cách thể hiện sự yếu đuối, con cái sẽ tự lập hơn.
Nhà tâm lý học Freud từng nói:
“Động lực chính yếu để trẻ em phát triển đến từ sự tách biệt với cha mẹ”.
Nhiều khi, trẻ không thể làm được việc gì đó, chủ yếu là bởi có một người mẹ “siêu nhân” luôn xuất hiện trước mặt con cái.
Khi mẹ càng mạnh mẽ, càng che lấp đi sự tự lập của con cái, nếu mẹ có thể thể hiện được sự yếu đuối thì sẽ nuôi dưỡng được khả năng tự lập và giải quyết vấn đề của những thiên thần nhỏ.
Có một chương trình gọi là Siêu Trí Tuệ Nhí, trong đó có một cậu bé tên là Đảng Nhất Đồng để lại ấn tượng sâu sắc, chỉ mất 40 phút từ việc lắp ráp phần cứng, đưa ra phương án cho đến lập trình, cậu đã chế tạo ra một chiếc điện thoại, khiến mọi người trầm trồ.
Mẹ biết thể hiện sự yếu đuối, từ chối làm thay những điều con có thể tự làm, mới có thể khiến chúng phát triển hơn trong quá trình thử và sai, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vấn đề, và chuyển hóa thành khả năng của mình.
Như một chuyên gia giáo dục đã nói:
“Nếu bạn muốn làm cái ô che cho con, thì con bạn chỉ là gà con mãi mãi. Bạn muốn con bạn trở thành ngọn núi cao, bạn phải có lòng can đảm trở thành ngọn cỏ nhỏ. Khi bạn dựa vào con, con sẽ đứng thẳng lên”.
Những người mẹ thực sự thông minh, không bao giờ đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo 100%, mà chỉ cần làm đến 60 điểm, phần 40 điểm còn lại, để cho con cái tự mình viết lên.
Người mẹ 60 điểm, luôn giữ 3 quan điểm sau:
1. Học cách biểu đạt: Không che giấu cảm xúc thực sự của bản thân, tích cực biểu đạt mong muốn cho con cái, từ đó rèn luyện khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề của chúng.
2. Học cách “làm nũng”: Khi mẹ “làm nũng” và đưa ra yêu cầu với con cái, trẻ cảm nhận được sự tôn trọng và bình đẳng, khiến trẻ muốn hợp tác với mẹ hơn trong mọi việc.
3. Học cách buông tay: Buông tay một cách có tính toán, luyện tập cho trẻ khả năng tự lập, nuôi dưỡng lòng tự tin bên trong con trẻ.
Mẹ biết cách thể hiện sự yếu đuối mới thực sự mạnh mẽ bên trong, không lo lắng khi thể hiện mặt yếu đuối của mình cho con cái xem, không ngần ngại đặt mình thấp hơn trong mối quan hệ với con, không gò bó mình trong suy nghĩ cứng nhắc rằng làm cha mẹ phải mạnh mẽ hơn con.
Thể hiện sự yếu đuối với con cái là một cách lùi để tiến, là cách biểu đạt tình yêu với con cái, là sự tin tưởng tuyệt đối vào con cái.
Theo weixin
Nguồn: Sưu Tầm internet