– “Tiểu xảo của nhà vô địch”.
– “Người dùng tiểu xảo để hơn ai đó… sau này làm nhân viên giỏi lắm”.
– “Thắng không vinh dự thì thắng làm gì”.
– “Sự tính toán chiến thuật là cần thiết, nhưng không phải kiểu bất chấp như vậy. Cậu bé sẽ còn lớn lên và trưởng thành nhưng hy vọng cậu sẽ học được nhiều hơn về sự tử tế”.
…
Dù vài ngày đã trôi qua, song khi search những từ khóa liên quan đến Quán quân Olympia – Võ Quang Phú Đức (SN 2007, trường chuyên Quốc học Huế – Thừa Thiên Huế) trên Threads, Facebook… nhiều người từ bất ngờ, giận dữ đến chạnh lòng khi đập vào mắt là những bình luận toxic này. Chắc chắn, Phú Đức đã đọc được. Thầy cô giáo, bạn bè và những người thân cũng đã thấy những lời lẽ độc địa này. Họ đã chọn im lặng, nhưng chắc chắn không khỏi hoang mang: Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Chức vô địch của Phú Đức là một chiến thắng thể hiện cả IQ (kiến thức) và EQ (tận dụng và hiểu rõ luật chơi). Trong cuộc chơi đó, Phú Đức không chỉ khoe được kiến thức. Nam sinh còn chứng tỏ bản thân hiểu cặn kẽ về luật chơi, biết tiến biết lùi, tận dụng được hết những đặc quyền mà luật chơi đem đến cho thí sinh. Và tất nhiên, Phú Đức có cả sự nhanh nhẹn cần thiết của một “chiến binh” khi tiến về mục tiêu cuối cùng.
Phú Đức có dùng “tiểu xảo” không? Tôi nghĩ là chưa từng. Bởi những gì Phú Đức làm là những điều nằm trong khuôn khổ được ban tổ chức Đường Lên Đỉnh Olympia cho phép. Không chỉ riêng Phú Đức, tất cả thí sinh Olympia, từ trước đến nay, đều biết những điều đó. Những người tấn công Phú Đức lấy lý do đáng lẽ cậu bạn nên tử tế hơn khi không bấm chuông, cho đối thủ được cơ hội cạnh tranh công bằng và thể hiện bản thân lần cuối. Để rồi nếu đối thủ trả lời sai thì chiến thắng của Phú Đức mới trọn vẹn nhất.
Nếu Phú Đức tử tế theo cái nghĩa mà dân mạng muốn, thì đã không tử tế với chính mình. Tin chắc rằng nếu trong khoảnh khắc ấy, chỉ cần Phú Đức chần chừ thêm giây và để đối thủ trả lời thành công, thì có thể ngay sau đó, cậu sẽ phải nhận bài học lớn vì sự tử tế này, kèm theo rất nhiều hối tiếc về sau.
Tiếc vì không cố gắng đến cùng để giành quyền lợi về cho mình, để đối thủ có cơ hội tiến về mục tiêu trước khi mình đã ở rất sát. Tiếc cho sự tử tế nếu không đặt đúng chỗ, dùng đúng cách thì bản thân là người chịu thiệt đầu tiên. Tiếc cho tất cả những người đang kỳ vọng vào mình. Đâu có gì sai khi mình “máu chiến” trong một cuộc chiến!
Và đó cũng chính là một trong những đặc tính hay ho của Gen Z. Khi muốn đạt được điều gì, những bạn trẻ Gen Z dám làm tới cùng. Họ sẽ thể hiện cảm xúc rất mãnh liệt trong các cuộc chơi hay đứng về phía mà mình tin tưởng. Họ ít cả nể, không đắn đo bản thân có sợ mất hình tượng, không đúng hình mẫu số đông kỳ vọng. Họ quyết đoán và đôi khi sẵn sàng trả giá cho điều đó miễn nó không làm hại ai.
Việc bấm chuông của Phú Đức vào câu hỏi cuối, không cho đối thủ cơ hội lật kèo cũng khiến tôi nghĩ đến những “con đường tắt” dẫn đến thành công. Thay vì chờ đợi câu trả lời của đối thủ theo kịch bản thông thường, Phú Đức đã chọn con đường dễ đi và nhanh nhất là bấm chuông và tự quyết định vận mệnh của mình. Đó là “con đường tắt” đầy sự tính toán và đúng đắn.
Có những “con đường tắt” dẫn chúng ta đến ngõ cụt, thất bại, phải học lại bài học “dục tốc bất đạt”. Nhưng không phải vì một lần đi vào “đường tắt” sai mà đánh giá tất cả những “con đường tắt” khác là vô giá trị. Điều gì cũng có ý nghĩa của riêng nó và trong từng tình huống khác nhau, với từng người, nó sẽ phát huy những giá trị không ngờ tới được.
Điều chúng ta cần là khả năng đánh giá toàn bộ tình huống để tìm ra những “con đường tắt” đi đến thành công nhanh hơn, thay vì chọn chỉ trích là thứ đầu tiên xuất hiện trong bộ lọc phản ứng. Đó là những con đường tận dụng lợi thế để giúp công sức của chúng ta bỏ ra vừa ít, mà vẫn đạt được kết quả mong muốn. Tất nhiên những “con đường tắt” đó phải đáp ứng đủ chuẩn mực của xã hội và đạo đức.
Công bằng mà nói, không phải ai cũng dễ dàng và đủ kiến thức để nhận ra những “con đường tắt”! Nếu muốn, trước đó còn là cả quá trình dài tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm hơn người khác, để rồi khi xuất hiện cơ hội, ta tìm ra cách vươn lên 1 cách nhanh nhất.
Đó cũng là tình huống của Phú Đức trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia. Anh chàng có quá trình tích luỹ điểm số đầy ấn tượng ở cả 3 vòng thi đấu, thì đến vòng cuối mới được toàn quyền quyết định chiến thắng của mình như vậy. Những người đang chê Phú Đức chọn “đường tắt” trong cuộc thi, có lẽ ngoài đời họ đang bất lực trong việc tìm một “đường tắc” cho mình?
Dân mạng cũng “ném đá” khoảnh khắc ăn mừng của Phú Đức khi anh chàng biết mình đã chiến thắng khi bấm chuông thành công. Người ta cho rằng đáng lẽ Phú Đức phải biết kiềm chế cảm xúc hơn, phải thể hiện là bản thân không cố tình không cho đối thủ cơ hội lật ngược, không nên quá vui trên nỗi đau của người khác… Thậm chí có người còn nói nặng lời: “Bây giờ đã tiểu xảo thế này thì sau này sẽ chỉ làm…”. Một lời chê trách nặng nề, đầy tính phiến diện cá nhân và mang tính dọa nạt đối với một người trẻ.
Khi đưa ra những lời xét nét về hành động của Phú Đức, chắc có lẽ, họ quên mất nam sinh này mới 17 tuổi. Hãy thử đặt bản thân vào Phú Đức, ở độ tuổi đó mà giành được tiền thưởng 1,2 tỷ đồng và suất học bổng du học, sau cả năm trời cày cuốc đọc sách và ghi nhớ… thì việc vui sướng và cố gắng bằng mọi giá giành lấy kết quả, là chuyện bình thường thôi mà! Một bạn trẻ hoàn toàn có quyền được vui và tự hào khi đạt được kết quả mà không phải ai cũng có thể làm được.
Chiến thắng của Phú Đức có thể không hợp với tiêu chuẩn của nhiều người thế hệ trước, khi được dạy rằng lúc chiến thắng rồi thì cũng nên… tem tém lại để đối thủ bớt buồn. Thế nhưng điều đó cũng cho thấy sự khác biệt to lớn của Gen Z bây giờ với thời cha chú, anh chị ngày xưa. Vui thì không ngại thể hiện, nghĩ gì thì nói đó, muốn gì thì tự mình nỗ lực giành lấy, thất bại thì… đi ngủ mai làm lại. Có sao đâu!
Học giỏi có thể thành công, những người thành công thì cần nhiều hơn 2 chữ “học giỏi”. Tin rằng, với tất cả những gì Phú Đức thể hiện ở trong trận chung kết, dù có tranh cãi, nhưng chắc hẳn cậu bạn sẽ còn thành công hơn nữa trong tương lai.
Nguồn: Sưu Tầm internet