Dọn dẹp nhà cửa là một phần quan trọng trong việc duy trì không gian sống sạch sẽ và ngăn nắp. Tuy nhiên, chúng ta thường mắc phải những lỗi dọn dẹp không chỉ không hiệu quả mà còn có thể làm hư hỏng nhà cửa, nhất là với 7 khu vực này.
1. Đá cẩm thạch
Trong hai năm trở lại đây, việc sử dụng loại đá cẩm thạch màu tối ở các khu vực như mặt bàn bếp, sàn phòng tắm… rất được ưa chuộng. Điều này đã dẫn đến một vấn đề: cặn bám làm cho đá cẩm thạch trông rất mất thẩm mỹ và rất bẩn.
Để xử lý cặn bám, nhiều người chọn sử dụng chất tẩy rửa có tính axit để làm sạch đá cẩm thạch. Nhưng dù loại bỏ được cặn bẩn thì đá cẩm thạch cũng dần bị ăn mòn.
Vốn dĩ khả năng chống ăn mòn của đá cẩm thạch rất yếu, chưa kể khi gặp các chất tẩy rửa phòng tắm có tính axit cao thì càng dễ bị ăn mòn hơn. Sau khi được “tẩy trắng” sẽ không có phương pháp nào để lấy lại vẻ đẹp ban đầu của viên đá nữa.
Vì vậy, nếu không muốn gặp trường hợp tương tự thì tốt nhất bạn không nên dùng đá cẩm thạch. Thay vào đó, nên chọn những loại gạch sáng màu dễ vệ sinh hơn.
2. Máy hút mùi
Sử dụng máy hút mùi trong thời gian dài sẽ tích tụ nhiều dầu mỡ và bụi bẩn. Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn sử dụng chất tẩy dầu thông thường.
Còn nếu bạn gọi thợ “chuyên nghiệp” đến vệ sinh máy hút mùi, họ thường dùng hóa chất mạnh như kiềm mà không suy nghĩ nhiều. Công nhận là khả năng làm sạch bay dầu mỡ của kiềm cực kỳ mạnh, hiệu quả nhanh chóng.
Nhưng vấn đề là không phải máy hút mùi nào cũng chịu nổi loại hóa chất này. Nhiều máy hiện nay không chỉ làm bằng thép không gỉ mà còn có thêm lớp phủ chống dầu mỡ.
Nếu ngâm vỏ máy hút mùi trực tiếp trong kiềm, nhẹ thì lớp phủ bị ăn mòn, xuất hiện các vết trắng, nặng thì lớp phủ sẽ bong tróc. Không chỉ mất thẩm mỹ mà sau đó, dầu mỡ sẽ bám chặt hơn rất nhiều, khiến việc vệ sinh sau này trở thành “cơn ác mộng”.
Vì vậy, tôi khuyên bạn nên giữ thói quen vệ sinh máy hút mùi thường xuyên, chỉ cần dùng chất tẩy rửa thông thường là đủ.
3. Vòi nước
Vòi nước thường được mạ crôm. Axit nhẹ như axit từ chanh không gây ảnh hưởng gì, nhưng nếu dùng axit mạnh, lớp mạ này có thể bị ăn mòn.
Như trong hình, chủ nhà dùng nước tẩy bồn cầu tiện vệ sinh luôn vòi nước. Không may là nước tẩy bồn cầu có chứa axit mạnh khiến vòi bị ăn mòn và hư hỏng nặng, trông rất khó coi.
May mắn là vòi nước này “xịn xò”, lớp mạ đủ dày nên sau đó chủ nhà đã dùng kem đánh bóng để khôi phục lại vẻ sáng bóng ban đầu.
Nhưng không phải vòi nước nào cũng có thể dùng kem đánh bóng. Đối với các thiết bị vệ sinh có lớp mạ như vòi nước, vòi sen, chỉ cần dùng axit chanh để tẩy cặn là đủ. Cách này không chỉ hiệu quả mà còn không gây ăn mòn thiết bị.
4. Vỏ laptop
Vỏ laptop thường được làm bằng hợp kim nhôm. Nhôm là kim loại có tính hoạt động rất cao, chỉ sau các kim loại như liti, natri và magiê.
Điều này có nghĩa là nhôm rất nhạy cảm, dễ bị ăn mòn bởi axit, kiềm và thậm chí cả muối.
Axit, kiềm và muối đều là thành phần quen thuộc trong công thức của các chất tẩy rửa. Do đó, những chất tẩy rửa thông thường trong gia đình cũng có thể gây ăn mòn cho bề mặt nhôm.
Thậm chí, các thành phần axit citric trong thực phẩm cũng có thể gây ăn mòn nếu rơi xuống vỏ laptop và không được lau chùi kịp thời.
Vì vậy, bạn cần chú ý vệ sinh vỏ laptop thường xuyên để tránh làm hỏng và gây tổn hại cho bề mặt. Nếu thấy bẩn mà dùng nước lau không sạch, bạn có thể dùng rượu để lau chùi, cách này an toàn hơn.
5. Túi xách da, sofa da
Dùng rượu để lau chùi nhôm thì không vấn đề gì, nhưng nếu dùng cho da thật thì lại là câu chuyện khác. Bởi vì rượu là một loại dung môi hữu cơ có khả năng phá hủy lớp phủ và màu sắc trên bề mặt da rất mạnh mẽ.
Vì vậy, bất kỳ vật dụng nào làm từ da như túi xách hay sofa, chỉ cần tiếp xúc với rượu là sẽ bị hư hỏng.
Ngoài ra, da cũng rất nhạy cảm với nước. Độ bóng của da đến từ lượng dầu tự nhiên bên trong, và nếu thường xuyên dùng nước sạch để vệ sinh, dầu sẽ bị mất đi, khiến da trở nên xỉn màu và kém sáng.
Vậy làm thế nào để vệ sinh đồ làm từ da?
Bạn nên sử dụng các sản phẩm lau chùi chuyên dụng dành cho da. Nếu bề mặt chất liệu da đã bị rượu làm hỏng, bạn có thể thử dùng kem dưỡng tay bôi lên bề mặt da để khôi phục lại phần nào.
6. Đồ nội thất làm từ ván ép
Nhiều loại tủ trong nhà hiện nay như tủ đồ, khung cửa, bàn… đều được làm từ ván ép. Ván ép có ưu điểm về giá thành nên cũng là một lựa chọn tốt.
Tuy nhiên, cần lưu ý một điều quan trọng là tránh để nước ngấm vào vì có thể làm hỏng bề mặt và gây biến dạng cho ván ép.
Chỉ cần để nước thấm vào, đồ nội thất bằng ván ép sẽ gặp phải tình trạng như phồng rộp, nứt nẻ và bong tróc.
Vậy nên khi vệ sinh hàng ngày, bạn cần đặc biệt chú ý đừng để dây nước vào. Ngoài ra, hãy cố gắng tránh những lỗi phổ biến như chọn chất liệu ván ép cho cửa nhà tắm, dùng ván ép để làm bàn ăn… Những vật liệu này dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và có thể nhanh chóng hư hỏng trong môi trường ẩm ướt.
7. Giày boots da lộn
Tôi luôn cảm thấy cái tên giày boots mùa đông mặc dù được gọi là giày đi tuyết nhưng thực tế lại không thể mang đi trên tuyết. Bởi vì chất liệu da lộn khi gặp nước sẽ bị biến dạng và phai màu.
Nếu không thể mang giày đi tuyết trong tuyết, thì đương nhiên cũng không thể ngâm giặt những đôi giày này. Nếu bạn cố tình ngâm giặt, những đôi boots da lộn sẽ trở nên xấu xí và mất đi vẻ đẹp ban đầu.
Vậy nên tốt nhất là bạn hãy mang những đôi boots ấm áp này đi giặt khô. Nếu không, bạn có thể tự mua chất tẩy rửa khô và dùng bàn chải để vệ sinh. Việc làm sạch hoàn toàn là không thể nhưng ít nhất bạn cũng có thể làm cho chúng trông sạch sẽ hơn.
Nguồn: Toutiao
Nguồn: Sưu Tầm internet