Hàng trăm trường hợp có những trải nghiệm và thay đổi kỳ lạ với cơ thể sau khi ghép tim, đã được báo cáo trên các tạp chí y khoa trong vòng nửa thế kỷ qua.
Một người phụ nữ trung niên, tên là Claire Sylvia, nhận được trái tim của một thanh niên 18 tuổi, sau đó đã cảm thấy “một phần linh hồn và tính cách của cậu ấy ” bây giờ đã ở trong cơ thể mình.
Cô ấy bỗng trở nên thích uống bia, ăn kẹo Snickers, gà viên McDonald’s và đặc biệt bị hấp dẫn bởi những cô gái tóc vàng có cơ thể phổng phao. Một giấc mơ vào tháng thứ 5 sau ca phẫu thuật đã mách bảo Sylvia rằng người hiến trái tim cho cô tên là Tim, và cậu ấy có họ bắt đầu bằng một chữ L.
Sylvia sau đó đã lục tung các bản cáo phó trên báo chí vào ngày mà cô ấy nhận được trái tim hiến tặng, để tìm ra một cậu thanh niên tên là Tim Lamirande, tử vong trong một vụ tai nạn xe máy.
Không có lời giải thích nào xác đáng hơn cho việc tại sao Sylvia có thể mơ thấy tên của anh ấy, và cả việc Lamirande thích ăn gà viên McDonald’s, ngoài việc ký ức của Tim Lamirande đã được truyền lại cho Sylvia sau ca ghép tim.
Gia đình Lamirande cho biết tại hiện trường vụ tai nạn xe máy của con mình, cảnh sát đã tìm thấy trong túi áo da mô tô của anh ấy một gói gà viên McDonald’s.
Một cậu bé 5 tuổi, tên là Daryl, nhận được trái tim hiến tặng từ một bệnh nhi nhỏ tuổi không may chết vì một tai nạn. Sau cuộc phẫu thuật thành công của Daryl, cha mẹ cậu bé quan sát thấy một hiện tượng kỳ lạ.
Chuyện là Daryl từng thích chơi đồ chơi siêu nhân Power Ranger, nhưng sau cuộc phẫu thuật, cậu lại tỏ ra rất sợ chúng. Cậu bé thường kể rằng mình hay mơ thấy một người bạn nhỏ tuổi tên là ” Timmy “. Timmy kể với Daryl rằng cậu rất đau vì vừa bị ngã.
Các giấc mơ lặp đi lặp lại của Daryl khiến cha mẹ cậu phải cất công tìm hiểu. Sau đó, họ đã gặp được gia đình của cậu bé đã hiến tim cho con trai mình. Cậu bé tên là Thomas, nhưng có tên gọi ở nhà chính xác là “Tim”.
Mẹ của Tim kể lại rằng cậu bé đã bị ngã khỏi cửa sổ và tử vong, khi đang cố gắng với lấy một đồ chơi siêu nhân Power Ranger.
Các lý thuyết về tâm lý học, chẳng hạn như tự kỷ ám thị, thuyết đồng nhất cá nhân và sự toàn vẹn tự thân có thể giải thích khá tốt việc: Tại sao một số bệnh nhân sau khi ghép tim cảm thấy mình bắt đầu có những sở thích, thói quen ăn uống và thậm chí xu hướng giới tính giống với người đã hiến tạng cho họ.
Nhất là khi các loại thuốc chống thải ghép được dùng cho người ghép tạng thường có nhiều tác dụng phụ, một trong số đó là sự rối loạn hormone, gây ảnh hưởng tới cảm xúc, thay đổi tâm trạng và thói quen ăn uống của bệnh nhân.
Thế nhưng, hàng chục các vụ việc – trong đó ngay cả ký ức của người hiến tạng dường như cũng đã được chuyển giao cho người nhận tạng hiến, như của Sylvia và Daryl đang khiến các nhà khoa học phải bối rối.
Trong quá trình giải mã bí ẩn đó, họ đã tìm thấy một “bộ não thu nhỏ” ở trái tim, chứa khoảng 700-1.500 hạch thần kinh có khả năng hoạt động độc lập với tín hiệu từ não bộ.
Mỗi hạch thần kinh trong trái tim lại chứa từ 200-1.000 tế bào neuron, tạo thành một hệ thần kinh nội tim có thể chứa từ 140.000-1.500.000 neuron. Liệu các tế bào thần kinh này có thể lưu trữ ký ức hay không? Và nếu có, chúng có thể truyền lại cho người nhận tạng hiến như thế nào?
Ký ức được định nghĩa là “khả năng của một cá nhân để tiếp thu, lưu trữ và truy xuất thông tin” với ba giai đoạn cơ bản: (1) tiếp nhận/mã hóa, (2) củng cố, và (3) truy xuất thông tin.
Quan niệm phổ biến ngày nay cho rằng toàn bộ ký ức của con người được lưu trữ trong não bộ. Nó bắt nguồn từ một công trình nghiên cứu của nhà khoa học thần kinh người Tây Ban Nha, Santiago Ramón y Cajal, từ năm 1894. Và bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Canada Wilder Penfield đã công bố các thực nghiệm ủng hộ phát hiện này vào năm 1937.
Theo đó, các khớp thần kinh (synap) hay các kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não bộ chúng ta được coi là nơi mà ký ức của chúng ta được ghi lại. Khi chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi, nếm hoặc chạm vào một thứ gì đó, các thông tin cảm giác này sẽ được truyền về não bộ.
Não sẽ dịch các thông tin này, mã hóa chúng, bằng cách hình thành nên các khớp thần kinh và tạo thành ký ức. Khi cần nhớ lại một thông tin nào đó, các tín hiệu được kích hoạt lại trong các khớp thần kinh lưu trữ ký ức sẽ củng cố và gợi lại nó trong tâm trí.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này cho thấy không chỉ có hệ thần kinh trung ương của chúng ta mới tồn tại ký ức. Ký ức còn có khả năng được lưu trữ trên nhiều bộ phận khác nhau như DNA, RNA và protein của từng tế bào trên cơ thể, bao gồm cả tế bào tim.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí eNeuro năm 2018, một nhóm các nhà khoa học đã chứng minh họ có thể lưu trữ được ký ức của loài sên biển vào RNA của chúng.
Một con sên biển đã bị kích điện liên tục vào đuôi để học được phản ứng rụt đuôi của nó lại khi tiếp xúc với điện cực. Sau đó, các nhà khoa học rút RNA của con sên này ra ngoài và tiêm chúng vào một con sên biển khác. Họ quan sát thấy con sên này chưa tiếp xúc với điện cực bao giờ nhưng ngay lập tức đã có hành vi phản ứng với cú sốc điện.
Điều này chứng minh RNA có thể mang ký ức và tham gia vào quá trình chuyển giao ký ức giữa các cá thể.
Tương tự, trong một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cũng đã chứng minh họ có thể lưu trữ nhiều thông tin vào một sợi DNA tổng hợp, bao gồm 154 bài thơ của Shakespeare, toàn văn bài phát biểu “I Have A Dream” của Martin Luther King, một bức ảnh màu và một bài báo khoa học hoàn chỉnh.
Sợi DNA này được tạo ra ở Mỹ, sau đó được vận chuyển ở nhiệt độ thường đến Đức mà không cần đóng gói đặc biệt. Sau đó, các nhà khoa học Đức đã giải mã chuỗi DNA này và tái tạo toàn bộ thông tin được lưu trữ trong đó với độ chính xác 100%.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Neuroscience Research năm 2001, một nhóm các nhà khoa học nêu giả thuyết ký ức dài hạn có thể được lưu trữ trong các tế bào thần kinh dưới dạng protein, được tạo ra từ DNA tái tổ hợp.
Dù giả thuyết của họ tập trung vào các protein trong tế bào thần kinh não, cũng có khả năng các tế bào thần kinh tim cũng chứa các protein lưu trữ ký ức. Ngoài ra, các loại tế bào khác, như tế bào cơ tim, cũng có thể sản xuất protein mã hóa ký ức.
Nếu các giả thuyết về ký ức tế bào được chứng minh là đúng, chúng có thể sẽ là lời giải thích khả dĩ cho hiện tượng chuyển giao ký ức từ người hiến tạng sang người nhận.
Theo một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Medical Hypotheses, ký ức từ cuộc đời của người hiến tặng có thể được lưu trữ trong các tế bào tim của họ, sau đó được người nhận “nhớ lại” sau ca phẫu thuật ghép tim.
” Các tế bào cơ tim, cũng như hầu hết các tế bào khác trong cơ thể, tiết ra các vi hạt ngoại bào được bao bọc bởi màng, được gọi là exosome. Exosome là những gói nhỏ (khoảng 30-150 nm) chứa protein, nucleotide và thụ thể, di chuyển khắp cơ thể, mang nội dung của chúng đến các tế bào khác, qua đó cung cấp một phương tiện giao tiếp giữa các tế bào và cơ quan trong cơ thể “, Mitchell B. Liester, Phó Giáo sư Lâm sàng tại Khoa Tâm thần tại Trường Y thuộc Đại học Colorado, tác giả của nghiên cứu viết.
Exosome được biết là có thể chứa cả DNA, RNA và protein. Vì vậy, sau khi một trái tim được lấy ra khỏi cơ thể người hiến tặng, rồi chuyển vào lồng ngực của một người nhận, nó có thể bắt đầu tiết ra các exosome mang theo DNA, RNA và protein chứa ký ức của người sở hữu nội tạng trước đó.
Các ký ức này có thể là những dạng ký ức sâu đậm, thường xuyên được củng cố trong cơ thể người cho tạng, ví dụ như họ tên của họ, sở thích về ẩm thực, âm nhạc, xu hướng tình dục và đặc biệt có thể là các kích thích mạnh về mặt cảm giác.
Hãy nhớ lại trường hợp về ký ức bị kích điện của những con sên biển được chuyển giao cho nhau. Trong nhiều trường hợp, những người ghép tạng đã nhận được trái tim hiến tặng từ những người không may gặp tai nạn. Trong vụ tai nạn đó, các ký ức đầu vào cảm giác thường rất mạnh mẽ.
Chúng có thể được lưu trữ trong tế bào người hiến tạng và chuyển giao sang cơ thể người nhận tạng, khi các exosome nhả ra DNA, RNA hoặc protein cho cơ thể người nhận tạng giải mã.
Chẳng hạn như trong một trường hợp bệnh nhân cấy ghép tim được báo cáo trên tạp chí Intgrative Medicine năm 2000. Người đàn ông 56 tuổi, là một giáo sư đại học đã nhận được trái tim hiến tặng từ một cảnh sát hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.
Vài tuần sau khi cấy ghép, vị giáo sư thường mơ thấy “một tia sáng lóe lên ngay trước mặt tôi… ngay trước thời điểm đó, tôi đã thoáng thấy Chúa Jesus “. Kỳ lạ thay, vợ của vị cảnh sát đã hiến tặng tim cho biết đó chính là khoảnh khắc mà chồng cô chết.
Anh ấy đã bị bắn vào mặt bởi một tên tội phạm. Và tên sát nhân này có khuôn mặt trông giống Chúa Jesus.
Một cú bắn vào mặt rõ ràng là một ký ức khủng khiếp, có thể được in hằn vào trí nhớ tế bào, giống như cách RNA lưu trữ những cú chích điện cho sên biển.
“Các ký ức cảm giác (ví dụ: ký ức hình ảnh như những tia sáng, hình ảnh khuôn mặt và ký ức xúc giác như cảm giác về một vụ tai nạn xe hơi) cũng có thể được lưu trữ trong RNA “, phó giáo sư Liester cho biết.
Và nếu bạn còn nhớ trường hợp của nữ diễn viên người Pháp Charlotte Valandrey, được ghép tim vào năm 2003. Sau ca phẫu thuật, cô ấy liên tục gặp ác mộng về một vụ tai nạn xe hơi, trong đó đèn pha của xe ngược chiều đã làm cô lóa mắt trong mưa.
Cậu bé tên Daryl, nhận được trái tim hiến tặng từ một cậu bé ngã khỏi cửa sổ khi đang với lấy một đồ chơi siêu nhân Power Ranger, sau đó đã tỉnh dậy và cảm thấy sợ hãi món đồ chơi này, mặc dù trước đó Daryl rất thích chơi chúng.
Còn Claire Sylvia, người phụ nữ đầu tiên được cấy ghép tim hiến tặng ở New England, cô ấy đã nhận được trái tim đến từ chàng thanh niên 18 tuổi Tim Lamirande, tử vong trong một vụ tai nạn xe máy.
Không có lời giải thích nào xác đáng hơn cho việc tại sao Sylvia có thể mơ thấy tên của anh ấy và cả việc Lamirande thích ăn gà viên McDonald’s. Tại hiện trường vụ tai nạn của Lamirande, người ta đã tìm thấy một túi gà viên McDonald’s trong túi áo da mô tô của anh ấy.
Những ký ức này có thể là ký ức cuối cùng được in trên võng mạc của các nạn nhân, trước khi họ chết và hiến tặng trái tim của mình. Chúng có thể đã được lưu trữ ở đâu đó trên trái tim họ, trong những exosome và truyền lại cho người nhận?
” Exosome được biết là chứa DNA di truyền sợi kép trải dài trên tất cả các nhiễm sắc thể. DNA này có thể được chuyển giao cho các tế bào nhận, dẫn đến sự chuyển giao ngang hoặc bên của DNA. Khi DNA được giải phóng vào bào tương của tế bào nhận, nó sẽ tập trung vào nhân và được phiên mã “, phó giáo sư Liester cho biết.
” Liệu DNA có thể được chuyển từ tim của người hiến tặng sang cơ thể người nhận không? Chưa có nghiên cứu nào tìm thấy khả năng này, nhưng có vẻ hợp lý khi cho rằng, sự chuyển gene ngang thông qua exosome có thể cung cấp cơ chế để chuyển thông tin/ký ức từ người hiến tặng sang người nhận”.
Có thể thấy, lĩnh vực cấy ghép nội tạng, đặc biệt là cấy ghép tim, đã đưa ra ánh sáng nhiều hiện tượng kỳ lạ thách thức những hiểu biết khoa học truyền thống của chúng ta về trí nhớ, ký ức và cách mà chúng được lưu trữ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người được ghép tim có thể có những sở thích, cảm xúc và ký ức giống với người hiến tặng, gợi ý một hình thức lưu trữ và chuyển giao ký ức bên trong nội tạng được cấy ghép.
Nhiều cơ chế đã được đề xuất cho quá trình này bao gồm trí nhớ tế bào, mạng lưới thần kinh phức tạp thường được gọi là “bộ não thu nhỏ” của tim và các giao tiếp hai chiều giữa trái tim với bộ não.
Ngay tại thời điểm này, có hơn 5.000 ca ghép tim đang được thực hiện mỗi năm trên toàn thế giới. Con số tương đương với 14 trái tim được chuyển giao mỗi ngày.
Chắc chắn, vẫn còn rất nhiều trường hợp kỳ lạ liên quan đến ký ức của trái tim được ghi nhận. Điều này không chỉ đặt ra cho các nhà khoa học một loạt các câu hỏi về mặt sinh học cần giải đáp. Mà khi nói đến lĩnh vực triết học về sự sống, bản thể và ký ức, sẽ có những mâu thuẫn cần phải được giải quyết.
Chẳng hạn như nếu một phần ký ức của chúng ta, thực sự có thể tồn tại trong trái tim, thì liệu một phần ý thức nào đó của người hiến tim có thể chuyển sang sống trong cơ thể người nhận tạng ghép hay không?
Nếu có thể, liệu sự tồn tại đó chỉ là tạm thời hay là vĩnh viễn?
Liệu các ký ức của trái tim có chấp nhận chủ nhân mới của nó hay không? Điều đó có khả năng ảnh hưởng thế nào tới khả năng chống thải ghép và tiên lượng sau ca phẫu thuật?
Ngoài ra, nếu trái tim đang mang ký ức của người sống, định nghĩa về cái chết và thời điểm hiến tạng chắn sẽ phải thay đổi.
Các bác sĩ và cả các luật sư ngày nay đang lấy cột mốc não bộ ngừng hoạt động để định nghĩa cái chết. Một người chết não được coi là đã chết và cơ thể họ – bao gồm các nội tạng – thuộc quyền sở hữu của người nhà, những người thân quyết định họ có thể hiến tạng.
Nhưng nếu trái tim của người chết não vẫn đang lưu trữ một phần đặc điểm cá nhân như sở thích, cảm xúc và ký ức của họ thì sao? Chúng ta có phải quay lại hỏi trái tim đó có muốn được hiến tặng không? Nếu có, nó có khả năng chọn ai, chọn cơ thể nào để tiếp tục sống?
Và ngay cả khi trái tim đã được ghép, một câu hỏi đặt ra là các ký ức mà nó đang mang sẽ thuộc quyền sở hữu của ai?
Thêm một điều quan trọng nữa: Liệu người nhà của người hiến tim có quyền được giao tiếp với trái tim người thân của mình, khi nó đã đập trong lồng ngực của một người nhận tạng ghép hay không?
Mời độc giả đón đọc trong kỳ cuối: Cuộc hội ngộ của những trái tim hiến tặng: “Ở một mức độ nào đó, con trai tôi vẫn đang còn sống”
Nguồn: Sưu Tầm internet