Ngày 11/10, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2024 – 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – chia sẻ, thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự hỗ trợ, hợp tác của TPHCM – đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng sự quyết tâm của các địa phương đã đưa vùng Duyên hải miền Trung tiến bước, trở thành một trong những vùng phát triển năng động và ổn định của cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng cải thiện, hạ tầng kinh tế – xã hội (KT-XH) khá đồng bộ, hiện đại, diện mạo đô thị và nông thôn, cảnh quan, môi trường có nhiều khởi sắc, là điểm đến hấp dẫn với cộng đồng doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế.
Ông Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM – cho hay – Thành phố luôn nhận thức sâu sắc sự phát triển của địa phương cần có sự đồng hành , hỗ trợ hợp tác về nhiều mặt của các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ, cũng như các vùng kinh tế khác.
Theo ông Hải, sau 1 năm triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TPHCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ đã giúp mở ra nhiều hơn các cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các địa phương; thúc đẩy dòng vốn đầu tư đến các địa bàn còn nhiều dự địa, tiềm năng phát triển, giúp tái bố trí nguồn lực, thúc đẩy đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ nhanh, hiệu quả hơn.
Chương trình hợp tác cũng có những hiệu ứng tích cực, tác động, lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh của vùng.
TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – nói rằng, trong kỷ nguyên phát triển mới, vùng này có những cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức.
TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, 6 tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ kể cả miền Trung có rất nhiều lợi thế, nhưng phải phát triển công nghiệp , nâng cấp công nghiệp, đó là sự dẫn dắt của sự phát triển của giai đoạn đầu trong quá trình công nghiệp hóa.
Đồng thời, 6 tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ sớm nhất phải nối kết đường ven biển . Đây là điểm nhấn cho đặc điểm để phát triển của vùng. Trong tương lai, để phát triển ven biển, đô thị hóa ven biển, khai thác các tiềm năng ven biển thì tuyến đường này rất quan trọng.
Du lịch cũng là tiềm năng rất lớn của vùng Duyên hải Trung Bộ, nhưng hiện chưa có sự gắn kết, ông Trần Du Lịch kiến nghị cần phải chuyển du lịch tỉnh thành những vùng du lịch. TPHCM là đầu mối gắn kết các đơn vị lữ hành, công ty du lịch lớn với từng tỉnh, từng vùng, để hình thành những tổ chức một cách bài bản.
Theo TS. Trần Du lịch, đường ven biển tỉnh Bình Định làm tương đối tốt. Ảnh: A.Q.
Đối với việc xúc tiến đầu tư và thương mại thời gian tới, TS. Trần Du Lịch gợi ý các tỉnh nên xúc tiến đầu tư quốc tế. Theo đó, trong 6 tỉnh, mỗi tỉnh chỉ nên chào 10 dự án, nhưng mỗi dự án phải có chính sách rõ ràng, cam kết cụ thể với nhà đầu tư. TP.HCM là đầu mối nối kết các tổ chức quốc tế để làm 1 hội nghị chung cho các tỉnh…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải yêu cầu, sau hội nghị, Sở Công Thương, các sở, ban, ngành của thành phố tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ… thuộc chương trình hợp tác với các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong chương trình công tác năm các của đơn vị; chủ động nghiên cứu, bổ sung các nội dung, giải pháp, thay đổi phương thức, cách làm nhằm tiến đến sự hợp tác toàn diện và hiệu quả cao nhất…
Chủ tịch tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị UBND TPHCM quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn của TP tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ, tạo động lực đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ vùng Duyên hải Trung Bộ tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại TPHCM.
Nguồn: Sưu Tầm internet