Muối là một gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Theo Medical News Today, cơ thể cần muối để cân bằng chất lỏng, duy trì chức năng của hệ cơ và hệ thần kinh. Ăn quá ít muối có thể gây hạ natri máu, chóng mặt, lú lẫn, co giật. Thế nhưng, ăn quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận, huyết áp cao, bệnh tim mạch. Một nghiên cứu mới của Đại học Vienna (Áo) được đăng tải trên tạp chí Gastric Cancer vào tháng 4 năm nay còn phát hiện, sử dụng quá nhiều muối có thể làm tăng 41% nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Vì sao tiêu thụ nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày?
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên phát hiện mối liên hệ giữa lượng muối tiêu thụ và nguy cơ ung thư dạ dày. Trước đó, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Advances in Nutrition and Cancer vào năm 2014 cũng đã đưa ra kết luận, tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Vienna cho rằng, ăn quá nhiều muối có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Bác sĩ Shruti K Bhardwaj, trưởng khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Zydus (Ấn Độ), giải thích việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng sự hình thành nitrit và N-nitroso. Hai hợp chất này gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm tăng khả năng phát triển các tế bào ung thư tại dạ dày. Các thử nghiệm trên động vật cũng đã chỉ ra các hợp chất N-nitroso là chất gây ung thư.
Tiêu thụ quá nhiều muối ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe đường ruột?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 5g muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê). Cơ quan này cho hay, tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe đường ruột. Các tác động này bao gồm:
Loạn khuẩn
Khi lượng muối trong cơ thể quá cao có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại và giảm tỷ lệ vi khuẩn có lợi. Sự mất cân bằng này còn được gọi là loạn khuẩn, làm suy yếu quá trình tiêu hóa, hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm đường ruột.
Viêm loét
Tiêu thụ quá nhiều muối có thể góp phần gây ra các tình trạng viêm loét đường tiêu hóa và dẫn tới các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn.
Chảy máu đường tiêu hóa
Viêm loét lâu ngày tại đường tiêu hóa trong những trường hợp nghiêm trọng có thể gây chảy máu. Ngoài ra, bác sĩ Bhardwaj cho hay, việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Theo thời gian, tình trạng này có thể gây tổn thương các mạch máu, trong đó có các mạch máu ở đường tiêu hóa, từ đó có thể dẫn tới chảy máu và thiếu máu cục bộ đường ruột.
Làm gì để giảm lượng muối tiêu thụ?
Để giảm lượng muối tiêu thụ và bảo vệ sức khỏe tổng thể, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn
Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn ví dụ như thịt xông khói, xúc xích có chứa rất nhiều muối. Chính vì thế, để giảm thiểu lượng muối tiêu thụ, mọi người nên hạn chế tối đa sử dụng những loại thực phẩm này.
Nấu ăn ở nhà
Bằng cách tự nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài hàng, bạn có thể kiểm soát được lượng muối thêm vào các món ăn của gia đình.
Sử dụng thảo mộc và gia vị để tạo hương vị
Để tránh lạm dụng muối, bạn có thể sử dụng các loại thảo mộc, gia vị khác để tăng hương vị cho món ăn.
Đọc kỹ nhãn thực phẩm
Khi mua thực phẩm, hãy chú ý đến hàm lượng muối được liệt kê trên nhãn thực phẩm. Hãy ưu tiên chọn các mặt hàng có hàm lượng muối thấp hơn.
Nguồn: Sưu Tầm internet