Trong những năm gần đây, thuật ngữ “trí tuệ cảm xúc” (EQ) dần trở nên phổ biết và mọi người dần nhận thức được tầm quan trọng của nó trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Những người có EQ cao, dù đi đến đâu cũng nhận được sự tôn trọng của mọi người, vì việc giao tiếp với họ rất thoải mái. Ngược lại, nếu gặp một người có EQ thấp, cách hành xử và lời nói của họ rất dễ khiến người khác khó chịu, chỉ muốn tránh xa.
Những người có EQ thấp có mặt ở khắp mọi nơi, và đương nhiên không thiếu trong ký túc xá đại học. Dưới đây là 3 việc mà những người bạn cùng phòng EQ thấp thích làm, những ai bị “dính chưởng” cần lưu ý.
1. Nói những điều không nên nói, không nhận ra cảm xúc của người khác
Chắc hẳn không ít người trong chúng ta có những người bạn cùng phòng như thế này: họ thích làm người khác xấu hổ nơi công cộng, thích đào bới chuyện xấu hổ của người khác và bô bô chúng ra trước mặt đông người, sau đó thì cùng mọi người cười cợt, trêu chọc đối phương.
Một khi tranh cãi với họ, bạn sẽ bị chê là nhỏ mọn. Còn nếu bạn mặc kệ thì trong lòng lại cảm thấy bức bối. Đây chính là lý do khiến nhiều người bạn cùng phòng đột nhiên không còn nhìn mặt nhau nữa, dù sống chung trong một không gian nhỏ.
Một lời vô tình trong lúc nhất thời của bạn hoàn toàn có thể làm tổn thương người khác. Người có EQ cao sẽ nhìn thấu mọi việc nhưng sẽ không đào xới, bới móc tất cả ra. Họ sẽ không bao giờ để người khác khó xử, thậm chí còn giúp người khác hóa giải tình huống khó xử.
2. Thích hơn thua khi nói chuyện, đẩy cuộc đối thoại vào ngõ cụt
Đặc điểm lớn nhất của những người có EQ thấp là họ cho rằng mọi suy nghĩ của mình đều đúng và họ chỉ nhìn nhận vấn đề từ góc độ của bản thân. Thế giới nội tâm của họ rất hẹp, hẹp đến mức chỉ có thể chứa đựng được mỗi họ. Hay hiểu một cách dân dã là “cùn”.
Thích cãi cùn thực chất là biểu hiện của sự thiếu hụt khả năng suy nghĩ, vội vàng thể hiện bản thân, muốn tỏ ra mình là người thông minh, sáng suốt, khôn ngoan, uyên bác. Họ thường xuyên vì một việc nhỏ mà tranh cãi đến đỏ mặt tía tai, khăng khăng theo ý mình, ngay cả khi quan điểm của họ sai lè.
Nếu quan sát kỹ những người có EQ cao, bạn sẽ thấy rằng họ có thể không có kiến thức sâu rộng nhưng lại đặc biệt giỏi lắng nghe, bởi họ hiểu rằng giao tiếp hiệu quả là để đạt được sự đồng thuận chứ không phải là một bài kiểm tra kiến thức bắt buộc hơn thua. Họ biết nói chuyện là phải thận trọng, không được liều lĩnh nếu không muốn làm mất lòng người khác.
3. Hạ thấp người khác và nâng cao bản thân
Chắc hẳn nhiều người đã từng gặp phải những người bạn cùng phòng như vậy, khi cả phòng đang ngồi xuống nói chuyện với nhau, họ thích hạ thấp một người rồi vô tình hoặc cố ý tán dương bản thân, nhằm mục đích thể hiện mình là người tốt đẹp, khiến người khác ngưỡng mộ.
Khi nhìn thấy đồ gì hoặc ý kiến nào đó của người khác, phản ứng đầu tiên của họ là phản đối, rồi tìm đủ lý do để chỉ trích đối phương. Càng đông người, họ càng có động lực làm những hành động tương tự, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người và tự thôi miên mình, rằng mọi người đều đang nghe theo ý kiến của mình và rằng ai cũng ngưỡng mộ khả năng của mình.
Cuối cùng, mọi người trong ký túc xá đều bị hạ thấp và tất cả những người trong ký túc xá đều là mục tiêu nhắm đến. Núi cao còn có núi cao hơn, dù là về vật chất, tinh thần, học vấn hay tầm nhìn, luôn có người hơn bạn. Việc một người được giáo dục tốt hay không thường được thể hiện qua việc không làm người khác xấu hổ, không làm người khác tự ti, không hạ thấp người khác để nâng cao bản thân.
Trên thực tế, những người có EQ cao luôn biết cách xem xét đầy đủ cảm xúc của người khác. Chỉ khi bạn biết quan tâm đến cảm xúc của người khác thì người khác mới coi trọng bạn. Không phải ai sinh ra cũng có có EQ cao, nhưng ít nhất khi nói chuyện cần phải chú tâm, nếu không biết nội dung mình muốn truyền đạt có thể gây hại đến người khác hay không thì tốt nhất hãy chọn cách im lặng.
Theo Sohu
Nguồn: Sưu Tầm internet