Khi bàn đến việc học từ vựng tiếng Anh, trên một số diễn đàn xuất hiện ý kiến từ vựng không quan trọng. Cụ thể, nhiều người học tiếng Anh lâu năm, lượng từ vựng nhiều nhưng vẫn không thành thạo giao tiếp được.
Tuy nhiên, thầy giáo Đỗ Cao Sang – người sáng lập Hội tự học tiếng Anh English Lights Your Home cho rằng, bản chất của tất cả các ngôn ngữ đều cấu thành từ kho từ vựng. Vấn đề của ngôn ngữ và học ngôn ngữ là ở việc nghiên cứu và học từ vựng, không phải ở ngữ pháp. Ngữ pháp gồm có trật tự từ, thì, thể, giống, số và cách. Ngữ pháp tiếng Anh không khó, lại không thay đổi qua hàng trăm năm. Bởi thế, ngữ pháp không hề mất thời gian để học và cũng không hề phức tạp.
Nguyên nhân người học lười học từ mới là vì từ vựng khó học và học cực kỳ mất thời gian. Người học Anh văn bị mất phương hướng, không biết vấn đề then chốt của ngôn ngữ chính là cóp nhặt từ vựng một cách bền bỉ, lâu dài và kiến trì như con ong lấy mật, như con chim xây tổ.
Nhiều trẻ có thể giao tiếp được sành điệu mặc dù chúng không hề được dạy gì về ngữ pháp. Hay những người đi du lịch nước ngoài cũng thế. Họ giao tiếp khá thành công những chủ đề đời thường dù không học qua bất cứ bài ngữ pháp nào. Điều này nói lên rằng, từ vựng mới là vấn đề then chốt của tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung. Do đó, như một điều tất yếu, khoảng 80% công sức của người học nên và phải tập trung vào luyện từ vựng, nâng vốn từ. Học càng nhiều từ càng tốt!
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều phương pháp học đa dạng phong phú. Mỗi phương pháp lại có ưu điểm khác nhau. Vậy giữa rừng phương pháp như vậy, chúng ta nên đi theo hướng nào?
Câu trả lời đơn giản là: Chúng ta nên chọn phương pháp nào phù hợp với mình. Vì, bộ não của mỗi người có thiên hướng trí nhớ khác nhau. Có người thiên về hình ảnh, màu sắc, có người thiên về âm thanh, có người thiên về cần cù chăm chỉ hoặc có những người đặc biệt chỉ cần mở ra đọc thôi đã thuộc được, nhớ được.
Học từ vựng sao cho hiệu quả?
Đầu tiên, khi học từ vựng phải tập trung vào 5 phương diện: Chính tả, phát âm, loại từ, nghĩa và cách dịch, cụm đi kèm phổ biến (collocation).
Thứ hai, khi học từ vựng nên học mọi lúc, mọi nơi, mọi nguồn. Muốn vậy, bạn luôn phải nghĩ “mình là người học tiếng Anh” thì đi đâu bạn cũng tìm thấy thứ để học: mẩu báo, tờ hướng dẫn sử dụng, vỏ sản phẩm… nên ghi lại, chụp lại để về tra từ và học. Như vậy bạn sẽ nhớ rất lâu vì những từ đó gắn với thực tế cuộc sống.
Thêm nữa, não bộ sẽ nhớ nhanh, nhớ lâu những gì từ trải nghiệm thực tế hơn là chỉ ngồi đọc từ giáo trình. Ngoài ra, tiếng Anh cũng ở khắp mọi nơi: phim ảnh, Youtube, các kênh tin tức… là nguồn tài nguyên cho bạn học mọi lúc mọi nơi. Đừng giới hạn khả năng học của bản thân vào giáo trình và thời gian trên lớp.
Thứ ba, công cụ đắc lực giúp bạn có thể học mọi lúc là những tấm thẻ từ. Thẻ từ là một tấm bìa cứng, cỡ chỉ bằng cỡ quân bài tú lơ khơ. Ô trung tâm ghi từ cần học và đánh dấu trọng âm và từ loại gì (danh từ – n, tính từ – a, động từ – v,… ), xung quanh ghi các từ liên quan và từ phái sinh của từ gốc đó. Nên sử dụng bút dạ, chữ to, gạch chân trọng âm, ghi phiên âm nếu như bạn chưa rõ cách đọc. Quan trọng nhất vẫn là cụm từ đi kèm phổ biến (collocations).
Ví dụ: với từ SUCCESS (n) bạn có thể ghi một số từ liên quan và từ phái sinh như sau:
Từ đồng nghĩa (n): Triumph / victory
Từ trái nghĩa (n): Failure
Tính từ (a): successful – unsuccessful, successful businessman
Động từ (v): To succeed in doing something
+ Từ trái nghĩa với succeed: Fail to do something
+ Từ đồng nghĩa với succeed: Prevail
Mỗi ngày hãy mang theo 10-15 thẻ từ, bạn có thể học mọi lúc mọi nơi, tận dụng thời gian rảnh. Hôm sau lại chuẩn bị 10-15 thẻ khác mang theo học rất tiện lợi. Thậm chí có thể cùng học với bạn bè như một trò chơi đố từ cũng rất hay.
Lưu ý: Không nên mua thẻ từ có bán sẵn hiện nay. Thẻ từ phải do các bạn tự lập ra. Hoặc khi cầm thẻ, não bạn phải tư duy mới có tác dụng củng cố trí nhớ.
Thứ tư, nguồn từ vựng nên phong phú từ sách, báo, truyện, phim… không chỉ bó buộc trong phạm vi giáo trình sẽ dẫn tới sự hạn hẹp vốn từ.
Nguồn nào để tự học tiếng Anh hoàn hảo nhất? Theo thầy Sang, đó là nguồn học tiếng Anh qua phim và báo chí thời sự.
Cách học về cơ bản như sau: Chọn bộ phim thuộc thể loại bạn yêu thích có phụ đề tiếng Anh. Lần thứ nhất xem nên đoán nghĩa, tra từ mới. Sau đó xem mỗi 10 phút phim/lần, xem đi xem lại, học thuộc ngữ âm, lồng tiếng. Làm đi làm lại cho tới kết quả cuối cùng là khi tắt hết phụ đề bạn vẫn có thể nghe, hiểu được lời thoại. Đỉnh cao hơn là khi tắt phụ đề, tắt tiếng mà bạn vẫn biết nhân vật đang nói gì.
Thứ năm, các bạn nên tìm đọc cuốn Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế của Adam Khoo. Trong đó hãy đọc nội dung viết về cách nhớ từ vựng siêu tốc và sơ đồ tư duy của tác giả Tony Buzan. Cách ghi thẻ từ như tôi nhắc đến tại mục thứ ba cũng là một loại sơ đồ tư duy như vậy.
“Chúng ta, ai cũng có thiên hướng não bộ khác nhau nên cần phải chọn cách thức tiếp cận nào phù hợp nhất đối với mình thì áp dụng. Phù hợp là khi mình cảm thấy thoải mái nhất, hiệu quả nhất. Không có phương pháp nào là đúng cho tất cả mọi đối tượng. Phương thức chỉ là phương tiện, công cụ đưa bạn “qua sông”. Quan trọng và quyết định là ở tinh thần, sự nỗ lực, kiên trì tự học mỗi ngày của bạn!”, thầy Sang nói.
Nguồn: Sưu Tầm internet