Bà Zhuang (56 tuổi), là hiệu trưởng của một trường mẫu giáo tư thục đã hoạt động 25 năm tại Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Năm 2023, khi phải đối mặt với khó khăn kéo dài để tuyển sinh đủ trẻ, bà Zhuang đã đưa ra một quyết định khó khăn là đóng cửa trường mẫu giáo và biến nó thành viện dưỡng lão.
Tòa nhà và sân chơi từng rất nhộn nhịp với trẻ nhỏ chạy nhảy giờ đây là nơi dành cho những người già cần được chăm sóc.
Trong những năm gần đây, với điều kiện của các trường mẫu giáo công lập được cải thiện, ngày càng nhiều phụ huynh chọn gửi con đến trường công lập thay vì các cơ sở tư thục. Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và hiệu quả chi phí của các trường mẫu giáo công lập đã vượt trội hơn nhiều so với các trường tư thục.
“Các trường mẫu giáo tư thục ra đời khi năng lực của mẫu giáo công lập không đủ và xã hội cần các dịch vụ khác biệt. Bây giờ, tôi cảm thấy các trường mẫu giáo tư thục đã hoàn thành ‘sứ mệnh lịch sử’ của mình”, bà Zhuang nói với tờ Global Times.
Do đó, bà Zhuang quyết định chuyển đổi và cải tạo trường mẫu giáo của mình thành viện dưỡng lão. Bên cạnh đó, một số trường mẫu giáo tư thục ở nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc, như Thâm Quyến, Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) và Tế Nam, cũng thông báo rằng họ đã thử mô hình sáng tạo này để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho cư dân cao tuổi địa phương.
Các nhà nhân khẩu học và xã hội học Trung Quốc coi quá trình chuyển đổi này là một biện pháp hướng tới tương lai, có thể giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế bạc đang phát triển mạnh.
Thà chuyển mình còn hơn bỏ cuộc
Năm 1998, bà Zhuang mở Trường mẫu giáo Beiyuan số 1, dần trở thành một trong những trường mẫu giáo tư thục được ưa chuộng nhất tại địa phương những năm sau đó. Bà hồi tưởng: “Có gần 300 trẻ em vào thời kỳ đỉnh cao”.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong những năm gần đây. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2023 có ít hơn gần 5,35 triệu trẻ mẫu giáo so với năm trước đó.
Bà Zhuang thở dài: “Năm 2023, chỉ có khoảng 60 trẻ em tại trường mẫu giáo của chúng tôi”.
Cuối cùng, bà Zhuang quyết định biến trường mẫu giáo này thành viện dưỡng lão. Bà đã đến thăm nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi trên khắp Chiết Giang và Thượng Hải gần đó, quyết định xây dựng hai khu dịch vụ cao cấp và bình dân.
Tháng 7/2023, công việc cải tạo bắt đầu sau khi nhóm trẻ cuối cùng tốt nghiệp.
Sau bốn tháng, các phòng học trước đây trở thành phòng ngủ cho người cao tuổi, bên cạnh đó, bà Zhuang lắp đặt thêm thang máy, tay vịn, cùng hệ thống báo động. Đối với những trường hợp cụ ông cụ bà gặp vấn đề về khả năng vận động, bà Zhuang đã trang bị tất cả các phòng tắm có ghế di động và thêm các nút khẩn cấp ở đầu giường.
Bà Zhuang đặt tên cho viện dưỡng lão mới của mình là “Run Nian Zhi Jia”, theo nghĩa đen là “ngôi nhà nuôi dưỡng cuộc sống”. Viện có phòng đôi, phòng ba và phòng bốn, với mức phí 4.000 – 6.000 nhân dân tệ (13,8 triệu – 20,8 triệu đồng) một người mỗi tháng. Viện bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào tháng 12/2023. Hiện có 10 người sống ở đó, tất cả đều trên 80 tuổi.
Ông Ye Hong hơn 90 tuổi là một trong số họ. Ông đã chuyển đến “Run Nian Zhi Jia” vào tháng 4. Con gái ông Ye Hong – bà Ye Min kể rằng họ đã đến thăm khoảng năm viện dưỡng lão trên khắp thành phố, chúng khá đông hoặc có ít không gian hoạt động chung. Bà Ye Min nói: “Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy nơi này, rộng rãi và sáng sủa. Hiện tại, bố tôi trông có vẻ vui vẻ hơn ở đây”.
Hướng dẫn của Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng 8 đã đề cập đến hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc và cải thiện các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà và cộng đồng.
Viện dưỡng lão “Run Nian Zhi Jia” của bà Zhuang đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và các công ty khác. Bà Zhuang cho biết, một nửa chi phí cải tạo của bà được hỗ trợ chi trả bởi một công ty xây dựng do chính phủ hỗ trợ. Bên cạnh đó, một bác sĩ lão khoa tại bệnh viện công địa phương đã được chỉ định khám miễn phí tại chỗ ở “Run Nian Zhi Jia” vào mỗi thứ Tư.
Bà Zhuang chia sẻ: “Chúng tôi cũng có tình nguyện viên từ các trường đại học và doanh nghiệp, những người thường xuyên đến trò chuyện và chơi trò chơi với người cao tuổi”.
Năm 2023, quận Beiyuan cấp thị trấn của Jinhua, nơi có viện dưỡng lão của Zhuang, được liệt kê là dự án thí điểm chuyển đổi của dự án “cộng đồng tương lai” của chính quyền địa phương. Dự án chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các cơ sở và dịch vụ thân thiện với mọi lứa tuổi cho cư dân địa phương, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.
Theo dự án, Zhuang cho biết một nửa chi phí cải tạo của bà được một công ty xây dựng do chính phủ hậu thuẫn chi trả và các quan chức cơ sở của quận Beiyuan đã hướng dẫn và giúp đỡ trong quá trình cải tạo.
“Đây là nỗ lực chung của tất cả các bên”, bà nói.
Cuộc sống thứ hai của người cao tuổi
Làm thế nào để phục vụ người cao tuổi tốt hơn, làm sao để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân ái và thúc đẩy các thành viên tại viện dưỡng lão tích cực tham gia hoạt động tập thể là câu hỏi mà những người mới vào ngành chăm sóc người cao tuổi nghĩ đến mỗi ngày.
Zhuang chia sẻ một số khóa học dành cho người cao tuổi mà viện dưỡng lão của bà cung cấp, chẳng hạn như hội hoạ truyền thống, làm đồ thủ công của Trung Quốc. Bà Zhuang cho biết, việc tham gia các khóa học này giúp người cao tuổi có được cảm giác thành tựu. “Họ cảm thấy rằng chỉ cần thành công một chút cũng mang lại cho họ cuộc sống thứ hai”.
Điều thú vị là, các giáo viên từng làm tại viện dưỡng lão cho rằng, việc chăm sóc người cao tuổi và trẻ em khá giống nhau. Chẳng hạn, các khoá học hội hoạ, trò chơi thông minh và rèn luyện thể chất là những gì trường mẫu giáo trước đây của Zhuang có.
Zhang, một cựu giáo viên mẫu giáo hiện đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, cũng lưu ý tầm quan trọng của việc cung cấp giá trị tình cảm cho người cao tuổi.
“Tôi khuyến khích họ như khuyến khích trẻ nhỏ”, Zhang nói với tờ Global Times. “Khi họ tham gia một hoạt động, khi họ bị thuyết phục ăn một món ăn mà họ không thích nhưng lại tốt cho sức khỏe, tôi sẽ động viên và khen ngợi họ bằng lời nói. Tôi sẽ nhẹ nhàng nói rằng, nếu bà ăn hết bát cơm này, hoặc nếu ông tập thể dục tốt hôm nay, tôi sẽ tặng ông bà một miếng sô cô la.”
Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, Zhang chia sẻ video về công việc hàng ngày của cô tại viện dưỡng lão. Trong video được xem nhiều nhất, cô đứng trước hàng chục người già ngồi trên ghế hoặc xe lăn và hướng dẫn họ thực hiện những cử chỉ đơn giản theo nhạc, chẳng hạn như vỗ tay và vẫy tay. Bài hát là một bài ca thiếu nhi rất phổ biến mà có lẽ hầu hết các trường mẫu giáo Trung Quốc đều đã sử dụng.
Nhân rộng mô hình
Vào ngày 6/9, truyền thông địa phương đưa tin, một trường mẫu giáo ở tỉnh Quảng Đông đã được chuyển đổi thành “trường đại học” dành cho người cao tuổi, chào đón hơn 10 “học sinh” thử nghiệm trên 50 tuổi. Trước đó, một số trường mẫu giáo tư thục tại các thành phố Thâm Quyến, Thái Nguyên và Tế Nam đã thông báo về việc áp dụng thử thử mô hình sáng tạo này.
Ngoài việc được chuyển đổi thành viện dưỡng lão, một số trường mẫu giáo tư thục và các trung tâm dịch vụ cộng đồng do chính phủ xây dựng trên khắp Trung Quốc cũng đang khám phá cách tiếp cận mới để chăm sóc cả người cao tuổi và trẻ em, cung cấp “giải pháp một cửa” chu đáo đối với cả hai đối tượng này.
Trên bãi cỏ của một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một số người cao tuổi và trẻ em xếp hàng và nhảy theo nhịp điệu, với những lời sửa lỗi ngây thơ của trẻ nhỏ khiến các ông bà phải bật cười sảng khoái: “Ông ơi, ông nhảy không đúng rồi, ông phải nhấc chân trái lên!”. Trung tâm chăm sóc trẻ em mở cửa cho cả người cao tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng chăm sóc người già và trẻ em của những gia đình bận rộn.
Điều thú vị là nhiều người từng dành thời gian cho cả giáo dục mầm non và chăm sóc người cao tuổi đã nhận định với tờ Global Times rằng, việc chăm sóc người cao tuổi và trẻ em khá giống nhau. Tại “Run Nian Zhi Jia”, các khóa học như hội họa, trò chơi thông minh và rèn luyện thể chất cho các ông bà cũng chính là những gì trường mẫu giáo trước đây của bà Zhuang áp dụng để dạy trẻ nhỏ.
Tại huyện Anji, Chiết Giang, một trung tâm dịch vụ rộng 1.800 mét vuông dành riêng cho người già và trẻ em đã được thành lập. Trung tâm dịch vụ mới, với sự hỗ trợ của các bệnh viện và tổ chức, cung cấp dịch vụ nhà trẻ và chăm sóc người cao tuổi, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động dành cho cha mẹ, ông bà và con cháu. Một cư dân địa phương họ Trần cho biết: “Tôi đến trung tâm hầu như mỗi tuần với cháu trai của mình. Khi cháu chơi trò chơi, tôi trò chuyện và chơi cờ với những người già khác. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy rất vui”.
Ông Zhou Haiwang tại Viện Dân số và Phát triển tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, đánh giá rằng quá trình chuyển đổi này cung cấp một giải pháp tiến bộ cho các nhu cầu hiện đại.
Theo Global Times
Nguồn: Sưu Tầm internet