Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, lũ trên sông Mê Kông khu vực thượng Lào và miền bắc Thái Lan đang có xu thế tăng rất mạnh do ảnh hưởng của mưa lớn từ bão số 3 ( Yagi ). Mực nước tại khu vực Campuchia đang ở mức thấp nhưng dự báo có xu thế tăng mạnh do lũ thượng nguồn đổ về.
Nhận định lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng trong 1 đến 2 tuần tới do mưa lũ thượng nguồn tăng, kết hợp triều cường cao (kỳ triều giữa tháng 8 âm lịch) và khả năng đạt đỉnh lũ tháng 9 vào khoảng từ ngày 19 – 22/9.
Mực nước tại trạm Tân Châu được dự báo dao động ở mức từ 3 – 3,2 m, cao hơn năm 2023 từ 0,07 – 0,27 m. Mực nước tại trạm Châu Đốc ở mức từ 2,8 – 3 m, cao hơn năm 2023 từ 0,03 – 0,23 m.
Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05 – 2,15 m (trên Báo động III từ 0,05 – 0,15 m). Đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95 – 2,05 m (trên BĐIII từ 0,15 – 0,25 m).
Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao, xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5 – 10 cm.
Với kết quả nhận định ở trên, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết khả năng nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL vào các ngày từ 18 – 22/9. Đặc biệt, ngập úng xảy ra trên địa bàn vùng giữa và ven biển ĐBSCL gồm TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long; các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; các khu vực trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau như TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, TP. Cà Mau tỉnh Cà Mau và một số khu vực trên địa bàn vùng thượng ĐBSCL như TP. Long Xuyên tỉnh An Giang.
Từ đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương có nguy cơ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ vào đợt triều cường từ ngày 18 – 22/9 cần lưu ý rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.
Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, và chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng…
Những khu vực nào tại TPHCM có khả năng bị ngập do triều cường?
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ , trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai lên nhanh và vẫn ở mức thấp. Đến 7h ngày 16/9, mực nước cao nhất ngày tại trạm Phú An, trạm Nhà Bè đều ở mức dưới Báo động (BĐ) I.
Dự báo mực nước tại các trạm sẽ tiếp tục lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng Tám âm lịch trong những ngày tới. Đến ngày 18/9 mực nước ở mức từ BĐI – BĐII (1,40-1,50m).
Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có khả năng xuất hiện từ ngày 19 – 21/9 (tức ngày 17 – 19/8 Âm lịch) và đạt mức như sau:
Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn), trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) ở mức từ 1,58 – 1,65m (xấp xỉ hoặc cao hơn Báo động III 0,05m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều cường từ 5 – 7h và 17 – 19h.
Tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) ở mức từ 1,60 – 1,70m (xấp xỉ hoặc cao hơn BĐIII 0,10m). Tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) ở mức từ 1,90 – 1,95m (cao hơn BĐI 0,10 – 0,15m).
Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai ở cấp độ 2.
Mực nước đỉnh triều ở mức cao có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và ven sông và ảnh hưởng đến giao thông, các hoạt động đời sống, kinh tế – xã hội trên khu vực TPHCM. Một vài tuyến đường tại quận 7 và huyện Nhà Bè (TPHCM) có thể bị ngập, như: đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu…
Nguồn: Sưu Tầm internet