Hoàng My gặp nhiều khó khăn suốt thai kỳ khi túi nước lạ trong ổ bụng đầy trở lại, chèn ép em bé, khiến cô lo không giữ được con gái đầu lòng.
Hoàng My sinh năm 1988, là Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2010, từng đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ 2011 và Hoa hậu Thế giới 2012. Năm ngoái, cô phát hiện túi nước lạ tồn tại trong ổ bụng từ lâu nên đã thực hiện phẫu thuật tại Áo để hút ra khoảng bốn lít nước. Nhưng túi nước sau đó đầy trở lại khi cô có em bé. Dù hành trình mang thai và sinh con nhiều gian nan, Hoàng My vẫn mong muốn có thêm con. Lần đầu đưa con gái Ayla về Việt Nam, á hậu chia sẻ với Ngôi Sao về khoảng thời gian nhiều trải nghiệm này.
Hoàng My lần đầu đưa con về Việt Nam. Ảnh: Vũ Nhật Duy Anh
– Từ khi nào chị bắt đầu mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ?
– Tôi vốn là người yêu tự do, thích bay nhảy và ghét bị bó buộc. Tôi chưa từng có ý định kết hôn và sinh con. Lúc tôi và anh còn hẹn hò, tôi hay có ý định dừng lại bởi chúng tôi có quá nhiều quan điểm khác biệt khiến tôi cảm thấy khó đi được đường dài. Tôi cũng lo mình khó sinh con, muốn anh lấy người khác để có mái ấm trọn vẹn. Nhưng kỳ lạ một điều, càng muốn “bỏ trốn”, tôi càng không thể rời xa anh.
Ba mẹ và hai con gái riêng của anh là những người gắn kết chúng tôi, kéo tôi lại mỗi khi tôi “bỏ chạy”. Bé lớn đặc biệt thích chơi và trò chuyện với tôi như thể cô bé là con gái tiền kiếp của tôi vậy. Cô bé lúc ấy 5 tuổi hay nói với tôi: “Cô nên sinh em bé, con nghĩ có em bé sẽ rất vui. Vì khi con đùa giỡn với mẹ con, con rất hạnh phúc và mẹ con cũng vậy. Nếu như cô có em bé, cô sẽ chỉ cho em bé tất cả những điều cô biết, giống như khi cô kể chuyện cho con nghe vậy”. Những câu nói đó khiến tôi cảm thấy như cuộc đời đang gửi cho tôi một thông điệp qua đứa bé này, thật khó tin những câu nói đó đến từ một đứa bé 5 tuổi.
– Và rồi con đã đến với chị như thế nào?
– Tôi có tin vui sau một tháng phẫu thuật hút túi nước. Nhưng chưa vui mừng được bao lâu, tôi nhận chẩn đoán túi nước đầy trở lại. Người tôi nặng nề, hay buồn nôn, tiêu hóa kém, hormone thay đổi. Tôi không biết phải làm sao, hoang mang lo sợ không giữ được đứa trẻ. Lần đầu trong đời, tôi cảm giác mình như rơi xuống vực thẳm.
Khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn trong hai ngày để thảo luận về trường hợp của tôi, để cho tôi lời khuyên nên giữ hay đình chỉ thai kỳ. Bác sĩ khoa sản cho rằng quyết định giữ hay không giữ thai thuộc về người mẹ. Bác sĩ của các khoa ung bướu, tiêu hóa… đều gặp riêng và cho tôi lời khuyên theo chuyên môn của họ. Các bác sĩ động viên tôi dưỡng thai vì thai nhi phát triển tốt và có thể chọc hút túi nước nếu nó chèn ép em bé. Tôi thật sự biết ơn các bác sĩ đã hỗ trợ và động viên lúc tôi hoang mang nhất.
Trong thai kỳ, do túi nước phình to chèn ép em bé, tôi phải thực hiện dẫn lưu một lần, hút được hơn 1,7 lít nước. Giờ tôi xác định chung sống với cái túi đó cả đời, mỗi năm hút nước hai lần. Nhưng các bác sĩ ở Áo đã quen với tình trạng của tôi, phẫu thuật rất nhanh, tôi có thể về nhà sau một tiếng.
Con gái ngủ say trong vòng tay Hoàng My khi cô trả lời phỏng vấn. Ảnh: Vũ Nhật Duy Anh
– Trải nghiệm sinh nở của chị ra sao?
– Dù quá ngày, tôi vẫn ưu tiên sinh thường để tốt hơn cho sức khỏe của con. Tôi nói chuyện với con mỗi ngày: “Nếu con thích ở trong bụng mẹ, con cứ ở thêm. Nhưng con đừng ở lâu quá, mẹ sinh con sẽ khó lắm”. Sau 6 ngày, tôi được chỉ định uống thuốc kích thích cơn co thắt tử cung, bởi nếu để lâu hơn, em bé lớn quá, sinh nở sẽ nguy hiểm.
Tôi trải qua 12 tiếng đau và thêm một tiếng rặn đẻ. Với tôi, đó như một cuộc chạy nước rút ám ảnh. Quả thật, không cơn đau nào bằng đau đẻ. Nhưng vượt qua rồi, tôi mới hiểu sức mạnh nội tại của một người phụ nữ lớn bao nhiêu. Lúc siêu âm, Ayla được dự đoán 2,8-3 kg, vậy mà sinh ra, con nặng tới 3,5 kg.
– Vượt qua quá nhiều vất vả, đau đớn như vậy để sinh con, chị nhận lại được gì?
– 13 tiếng trở dạ, tôi thực sự mang nỗi sợ. Nhưng tới khoảnh khắc ôm con trong vòng tay và những tháng ngày nuôi con sau này, tôi đã quên đi nỗi đau thể xác ấy. Có lẽ người mẹ nào cũng thế, tình mẫu tử bản năng xoa dịu hết tất cả khó khăn. Sinh con rồi, tôi nhận ra không hạnh phúc nào bằng hạnh phúc làm mẹ.
Con trẻ có năng lượng rất đặc biệt, làm người mẹ lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương, có thể vượt qua mọi khó khăn vì con. Dù mệt, tôi chưa từng nổi cáu hay có cảm giác bực mình với con. Ngày trước, mỗi buổi sáng tôi có thể thư thả tập thể dục rồi đi chợ, nấu ăn, làm việc. Còn hiện giờ, 90% thời gian của tôi dành cho con gái, nhưng tôi luôn sống trong hạnh phúc, cảm nhận mỗi ngày tuyệt vời.
– 90% thời gian hiện tại dành cho con, vậy chị làm cách nào để cuộc sống vợ chồng son luôn lãng mạn?
– Ông xã rất muốn lãng mạn riêng tư với tôi, có lần muốn hai vợ chồng đi Pháp bốn ngày, nhưng tôi không chịu. Con còn bú mẹ, tôi không đành lòng bỏ con ở nhà. Việc tắm rửa, thay tã, cho con bú là cách tôi giao tiếp với con trong những tháng đầu đời. Thi thoảng, anh cũng giả bộ nhõng nhẽo với con: “Papa cho Ayla mượn mẹ 6 tháng thôi, sau 6 tháng trả mẹ cho papa nhé” (cười). Nhưng anh tôn trọng lựa chọn của tôi.
Hoàng My hiện dành toàn bộ thời gian cho con gái bé bỏng. Ảnh: Vũ Nhật Duy Anh
– Cùng nhau chăm sóc em bé cũng là cách để vợ chồng, các thành viên trong gia đình kết nối với nhau hơn. Ông xã và gia đình chồng hỗ trợ chị thế nào trong việc chăm con?
– Từ lúc tôi sinh con, mẹ chồng chuyển tới sống cùng chúng tôi, chăm lo chuyện ăn uống hàng ngày của gia đình. Ngoài ra, tôi có một người giúp việc nhà.
Từ lúc mới về chung một nhà, tôi và ông xã đã thỏa thuận tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn việc chăm con, còn anh đi làm, lo tài chính. Tôi nghĩ để gia đình êm ấm, phụ nữ nên xác định việc nuôi con là thiên chức của mình vì con nhỏ chủ yếu cần mẹ. Khi con lớn hơn, tầm ba tuổi, người cha sẽ phát huy vai trò với con. Nếu người đàn ông giúp đỡ chăm con nhỏ, tôi sẽ trân trọng. Nhưng nếu anh không giúp được, tôi cũng không trách móc. Tôi không thể đòi hỏi chồng mình vừa ra ngoài làm con cọp đầu đàn vừa ở nhà thay tã cho con được.
Dù không giúp tôi chăm con, anh thích chơi với con mỗi ngày. Anh cũng nhờ mẹ, chị giúp việc, anh tài xế hỗ trợ tôi, để tôi không phải đụng tới việc nhà và yên tâm làm mẹ toàn thời gian.
– Tại sao chị không cố gắng thay đổi tư tưởng của ông xã, hướng dẫn anh các kỹ năng chăm con để anh phụ giúp chị?
– Xưa giờ yêu ai, tôi cũng chưa từng có ý nghĩ thay đổi họ. Nếu không thể chấp nhận được họ, tôi sẽ rời đi. Tôi từng nói với ông xã rằng anh có nhiều khuyết điểm, nhiều thứ tôi không thích. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi vẫn bên nhau. Hiện tại anh lo tài chính, tôi lo con cái. Cả hai đều thấy được những việc người kia đang làm.
Hồi hẹn hò, nhìn cách anh chơi với các con riêng, tôi cảm nhận anh là người cha tốt, ngầu, vui và gần gũi với con. Các con tôi cần có người cha như anh. Chặng đường nuôi con còn dài, tôi tin khi con lớn hơn, anh sẽ dạy dỗ con nhiều điều, còn tôi có thể quay lại công việc của mình.
Không chỉ với đàn ông mà với bất kỳ ai hay việc gì, phụ nữ cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn, tính toán quá nhiều vì chính sự kỳ vọng mới khiến mình cảm thấy bất hạnh. Có chuyện gì, hai người cũng nên nói thẳng với nhau để cuộc sống êm ấm.
Hoàng My mong hai năm nữa sinh thêm con. Ảnh: Vũ Nhật Duy Anh
– Chị nhấc đến con riêng của chồng ở ngay đầu cuộc nói chuyện này. Vậy mối quan hệ của chị với các bé ra sao?
– Các con anh chủ yếu sống với mẹ, một tháng sang nhà bố khoảng 10 ngày. Vì anh bận công việc, tôi và mẹ chồng chăm lo, chơi với các cháu nhiều hơn. Nhưng việc này không có gì nặng nhọc, bởi các cháu rất ngoan và thông minh. Hai chị cũng rất quấn quýt em bé. Lúc tôi về Việt Nam, hai chị ngày nào cũng đòi ba gọi video cho Ayla.
Tôi chưa từng lo lắng về việc gắn kết với các con riêng của chồng, vì tôi rất yêu trẻ con, hay bày trò chơi, kể chuyện và dành sự chú tâm cho chúng. Hai bé cũng rất chủ động và đòi gọi tôi là mẹ. Từ khi yêu anh, tôi coi gia đình anh là gia đình thứ hai của mình. Mỗi chuyến đi chơi luôn đầy đủ bố mẹ và các con của anh, sau này có thêm Ayla. Tôi chưa từng có suy nghĩ tách bạch con riêng của anh với cuộc sống của chúng tôi.
– Chị nói mình rất yêu trẻ con và những đứa trẻ hiện tại đem lại cho chị niềm vui, hạnh phúc. Vậy chị định khi nào sẽ ‘nhân đôi niềm vui’ này?
– Tôi dự định khi Ayla hai tuổi sẽ sinh thêm một bé nữa. Tôi cũng muốn có con trai để gia đình đủ nếp đủ tẻ.
Nguồn: Sưu Tầm