Lũ lụt nghiêm trọng ở miền Bắc Thái Lan hồi cuối tháng trước đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gây ra thiệt hại tương tự ở đồng bằng trung tâm, khi các chuyên gia nước này cảnh báo về khả năng xảy ra thêm lũ lụt nghiêm trọng trong 60 ngày tới.
Theo dự báo, Thái Lan sẽ hứng chịu nhiều trận mưa như trút nước và siêu bão từ tháng 9 đến tháng 10, với nguy cơ “bom mưa” rơi xuống một số khu vực cao, đặc biệt là ở Trat và Phuket. Bom mưa, được mô tả là hậu quả của biến đổi khí hậu, là những trận mưa lớn diễn ra trong thời gian ngắn.
Cơ quan quản lý khu công nghiệp Thái Lan (IEAT) lo ngại về khả năng lũ lụt nghiêm trọng ở miền Bắc nhưng tin rằng các nhà điều hành đã có các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa thiệt hại do thiên tai. Theo IEAT, một bức tường chắn lũ cao 3,9 mét bao quanh khu phức hợp của một số khu công nghiệp với nhiều máy bơm nước đã được lắp đặt để giúp bảo vệ các khu vực sản xuất khỏi lũ lụt.
Thái Lan là một trong những quốc gia có “ngành công nghiệp không khói” phát triển hàng đầu Đông Nam Á, do đó việc bảo vệ các địa điểm du lịch khỏi sự tàn phá của thiên tai là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.
Ông Thaneth Tantipiriyakij, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket, cho biết Phuket có thể mất khả năng cạnh tranh với các điểm đến khác nếu không khẩn trương triển khai kế hoạch quản lý nước dài hạn và đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Phuket đã phải đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng vào tháng trước, làm gián đoạn hoạt động giao thông và sân bay, đồng thời làm13 người thiệt mạng, trong đó có 11 người nước ngoài.
Nhiều khu vực tại thành phố biển Pattaya và tỉnh Chon Buri của Thái Lan cũng bị ngập lụt nghiêm trọng, sau khi hứng chịu trận mưa như trút nước trong nhiều giờ liên tiếp vào đêm 1/9.
Một chiếc ô tô bị mắc kẹt trong nước lũ ở Pattaya sau trận mưa lớn rạng sáng 2/9 (Ảnh: Bangkok Post)
Cơ quan phụ trách tài nguyên khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã liệt kê danh sách 49 địa điểm dễ xảy ra lũ quét và lở đất, sử dụng mô hình toán học và dữ liệu địa lý để xác định các khu vực và cộng đồng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất bởi thiên tai.
Trong khi đó, tại thủ đô Bangkok ngày 30/8 đã hoàn thành thành công đợt chạy thử nghiệm rào chắn lũ đúc sẵn tại cầu tàu Tha Ratchaworadit. Những rào chắn này được lắp đặt tại khu vực có lưu lượng giao thông cao của cầu tàu, nơi phương pháp truyền thống sử dụng bao cát để kiểm soát mực nước khi thủy triều lên đã được chứng minh là tốn nhiều công sức và thời gian.
Theo Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, để giảm thiểu tác động của siêu bão Yagi vừa gây ra sức tàn phá lớn tại Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, cơ quan này sẽ tăng lưu lượng nước xả ở đập Chao Phraya từ mức 300 m3/s lên mức 1.500 – 1.700 m3/s.
Theo Cục Khí tượng Thái Lan, siêu bão Yagi sẽ gây mưa lớn và gió giật ở khu vực phía Bắc, Đông Bắc, Đông và phía Nam, đặc biệt là các trận mưa lớn có thể xảy ra ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc nước này cho đến ngày 10/9.
Nguồn: Sưu Tầm internet