Trí tuệ cảm xúc (EQ) đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa coi trọng. EQ là khả năng quản lý cảm xúc của bản thân và xử lý các mối quan hệ giữa người với người. EQ cao hay thấp sẽ quyết định phần nào cuộc sống của một đứa trẻ sau này có thuận lợi hay không.
4 cách cải thiện trí tuệ cảm xúc ở trẻ
Có nhiều phương pháp để nuôi dạy một đứa trẻ có EQ cao, trên thực tế cha mẹ chỉ cần nắm bắt những chi tiết nhỏ dưới đây, EQ của con mình sẽ cải thiện đáng kể.
1. Khoảng cách bằng 0
“Khoảng cách bằng 0” với con cái có nghĩa là khoảng cách trong tâm hồn. Đó là việc trở thành bạn của con, trò chuyện như những người bạn chứ không phải luôn đóng vai trò người lớn.
Cha mẹ có thể làm được điều này bằng cách tìm điểm chung, sở thích chung và quan tâm nhiều hơn đến thế giới của con. Chỉ cần cha mẹ biết con mình thích gì, tạo bất ngờ theo sở thích của con là đã có thể bắt đầu cuộc trò chuyện thoải mái với con mình.
Có một cô bé rất thích xem phim hoạt hình Pokemon. Trong phim có một câu nói quen thuộc: “Nếu các người thành tâm muốn biết, thì chúng tôi sẵn lòng trả lời. Chúng tôi đại diện cho những nhân vật phản diện”. Câu nói này xuất hiện ở hầu hết các tập phim, nghe thật khó chịu nhưng lại rất dễ nhớ.
Khi không có gì để nói, người mẹ chỉ cần nhắc đến câu “Nếu các người thành tâm muốn biết…” là cô con gái đã vui vẻ đáp thêm vế sau, sau đó còn ríu rít kể cho mẹ nghe. Sau đó, người mẹ đã đổi phần sau của câu nói này thành: “Nếu các người thành tâm muốn biết, vậy tôi sẽ đợi bạn lớn lên mới nói cho bạn biết, đợi bạn già rồi mới nói cho bạn biết, chính là không nói cho bạn biết đâu…”. Thế là 2 mẹ con đã có một cuộc nói chuyện rất vui vẻ.
2. Những trò đùa hài hước
Những trò đùa hài hước là cách dễ nhất để rút ngắn khoảng cách với con cái. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không được trêu chọc con, cũng không được đùa cợt về cơ thể, ngoại hình, sở thích của con, càng không được cố ý lừa dối con.
Nếu trò đùa của cha mẹ nhằm thể hiện sự giỏi giang của người lớn trước trẻ con, chỉ để bản thân vui vẻ, đối với con cái chắc chắn đó là một điều đáng ghét.
3. Dạy con biết tự kiểm điểm
Khi trẻ mắc lỗi, việc nhấn mạnh lỗi lầm và ra lệnh cho trẻ sửa ngay là một cách giao tiếp thiếu trí tuệ cảm xúc.
Cha mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ, nói cho trẻ biết điều đúng là gì, để trẻ tự mình tìm ra sự khác biệt, tự mắt mình nhìn thấy lỗi sai chứ không phải để người lớn chỉ ra lỗi của trẻ.
4. Hướng dẫn phù hợp
Khi sửa lỗi của trẻ, việc hướng dẫn bằng cách hài hước, nhẹ nhàng sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc phê bình và ra lệnh, đồng thời giúp tăng cường trí tuệ cảm xúc cho trẻ.
Có nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ, nếu làm rơi đồ xuống đất, cha mẹ thường nói “nhanh nhặt lên”, nhưng chúng không thích nhặt. Nếu cha mẹ đổi cách nói, không còn ra lệnh nữa mà nói rằng “Ôi, xem nào, đây là gì vậy, của ai làm rơi thế này?”, chắc hẳn đứa trẻ sẽ liền chạy đến nhặt lên ngay, sợ người khác nhặt mất đồ của mình.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đối mặt một cách thoải mái với những lỗi sai của con, hướng dẫn con làm đúng bằng cách hài hước và nhẹ nhàng. Mặc dù bề ngoài điều này dường như là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc cao, nhưng về bản chất đó là thái độ sống, là sự can đảm khi đối mặt với khó khăn, giúp chúng ta bình tĩnh xử lý mọi việc, tâm trạng thoải mái mới có thể sinh ra trí tuệ, tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Nguồn: Sưu Tầm internet