Nhiều thành phố lớn trên thế giới, bao gồm cả những nơi từng đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu, có thể trở nên quá nóng để tổ chức Thế vận hội mùa hè vào năm 2050 và những năm sau đó.
Biến đổi khí hậu và tương lai của Thế vận hội Mùa hè
Thế vận hội Paris khai mạc với những cơn mưa trong lễ diễu hành, sau đó là cái nóng gay gắt và cuối cùng là một tuần nắng đẹp. Khi Thế vận hội kết thúc vào ngày 11/8, nhiệt độ lại tăng vọt lên 35 độ C.
Điều chắc chắn duy nhất về thời tiết của Thế vận hội mùa hè là không có gì là chắc chắn cả.
Nắng nóng cực đoan là mối đe dọa ngày càng tăng đối với các vận động viên ưu tú, với các trường hợp kiệt sức vì nóng và say nắng ngày càng trở nên phổ biến, trong bối cảnh ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đẩy nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Khán giả, đặc biệt là những người bay từ vùng khí hậu mát mẻ hơn đến, cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng khắc nghiệt.
Hầu hết các thành phố trên thế giới sẽ không thể đăng cai Thế vận hội vào mùa hè trong những thập kỷ tới vì chúng đã vượt quá ngưỡng nhiệt độ ẩm an toàn, theo phân tích của CNN về dữ liệu từ CarbonPlan, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào khoa học và phân tích khí hậu.
Mức căng thẳng nhiệt có thể được đo bằng một thứ gọi là nhiệt độ bầu ướt – sự kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, góc mặt trời và độ che phủ của mây. CarbonPlan phát hiện ra rằng đến năm 2050, mức căng thẳng nhiệt ở hầu hết các thành phố ở phía đông Hoa Kỳ sẽ vượt xa giới hạn 28 độ C, tức quá ngưỡng mà các chuyên gia khuyến nghị hủy bỏ các sự kiện thể thao.
Nói cách khác, việc tổ chức Thế vận hội mùa hè ở các thành phố này sẽ là một nguy cơ lớn đối với sức khỏe của các vận động viên.
Các bang siêu ẩm xung quanh Vịnh Mexico, từ Florida đến nửa phía đông Texas (Mỹ), sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Phần lớn miền đông Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng sẽ vượt xa giới hạn, tương tự như Hồng Kông (Trung Quốc) và một vùng rộng lớn của Đông Nam Á.
Giải pháp nào cho tương lai của Thế vận hội?
Các đề xuất thay đổi thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè để không trùng với thời điểm nắng nóng cao điểm đang ngày càng được nhiều người ủng hộ và điều này đã được thực hiện trước đây. Sydney, một thành phố ngột ngạt vào mùa hè, đã tổ chức Thế vận hội 2000 vào tháng 9 và tháng 10 trong mùa xuân của Nam bán cầu. Rio de Janeiro của Brazil đã tổ chức Thế vận hội 2016 vào tháng 8, khi nhiệt độ dễ chịu hơn.
Các thành phố ở tây bắc châu Âu – như London (Anh), Oslo (Na Uy) và Stockholm (Thụy Điển) – có thể trở nên hấp dẫn hơn đối với sự kiện này, trong khi các thành phố Địa Trung Hải – bao gồm Sicily (Ý) và Seville của Tây Ban Nha – hầu hết đều vượt quá ngưỡng. Các thành phố ở Nam Mỹ nằm trên độ cao lớn cũng có thể trở thành địa điểm đăng cai hợp lý hơn khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên.
Thế vận hội mùa hè tiếp theo sẽ được tổ chức tại Los Angeles, một thành phố có nhiệt độ được điều hòa dễ chịu bởi Thái Bình Dương mát mẻ.
Thế vận hội 2032 được tổ chức tại Brisbane, thuộc bang Queensland, phía bắc Australia, một thành phố siêu nóng vào mùa hè. Thế nên sự kiện này sẽ được tổ chức vào mùa đông nước Úc, tức vào cuối tháng 7 và nó vẫn rất lý tưởng vì khi đó là mùa hè đối với phần lớn thế giới.
Hơn 10 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đăng cai Thế vận hội mùa hè 2036, nhưng chỉ có 6 quốc gia công khai hoặc chính thức đưa ra giá thầu: Ấn Độ đang đề cử thành phố Ahmedabad phía tây của mình và Indonesia đề cử thủ đô mới đang được xây dựng, Nusantara. Qatar đang giới thiệu Doha, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang đấu thầu Istanbul. Ba Lan và Chile cũng đang đề cử thủ đô của họ là Warsaw và Santiago.
Gần như tất cả các thành phố này, vào một thời điểm nào đó, sẽ vi phạm giới hạn căng thẳng nhiệt, theo dữ liệu của CarbonPlan. Chỉ có Santiago là nằm dưới ngưỡng quanh năm, kể cả vào thời điểm nóng nhất trong năm. Ahmedabad và Doha sẽ vượt xa giới hạn trong những tháng mùa hè, nhưng có khả năng nước chủ nhà sẽ điều chỉnh bằng cách tổ chức vào những mùa mát mẻ hơn.
Nhà khoa học khí hậu Oriana Chegwidden của CarbonPlan cho biết: “Trên khắp thế giới, thời điểm nóng nhất trong năm thật không may lại trùng với thời điểm thường diễn ra Thế vận hội mùa hè. Và nắng nóng thực sự có thể gây ra những rủi ro đáng kể ở các quốc gia đang đấu thầu đăng cai Thế vận hội vào năm 2036.”
Bà cho biết thêm, nếu những địa điểm này được chọn, rủi ro do nắng nóng có thể được giảm bớt bằng một số biện pháp đơn giản: “Ví dụ, các nhà hoạch định có thể giảm thiểu rủi ro do nắng nóng bằng cách bắt đầu trước hoặc sau thời điểm cao điểm của mùa hè, hoặc bằng cách tổ chức các sự kiện vào ban đêm hoặc vào sáng sớm khi trời mát mẻ hơn.”
Bà nói thêm rằng các quốc gia có thể xem xét đấu thầu cho các thành phố có khí hậu mát mẻ hơn, chẳng hạn như những thành phố ở độ cao lớn hơn.
Nhiều thành phố sẽ không bao giờ đăng cai Olympic mùa hè được nữa
Một số thành phố đã từng đăng cai Thế vận hội mùa hè sẽ vượt xa nhiệt độ an toàn vào năm 2050.
Bắc Kinh, nơi đăng cai vào năm 2008, sẽ quá nóng và ẩm, với dự báo căng thẳng nhiệt sẽ tăng vọt qua 32 độ C. Athens, Rome, Atlanta, Barcelona, Tokyo và Seoul cũng sẽ quá nóng.
Các thành phố ở Nam bán cầu, Sydney và Brisbane ở Úc, cũng như Rio de Janeiro, về mặt kỹ thuật đều nằm trong danh sách quá nóng, nhưng vẫn có thể đăng cai vào những mùa mát mẻ hơn.
Không phải đến giữa thế kỷ này, thế giới mới chứng kiến điều này xảy ra. Tokyo 2020 – được tổ chức vào năm 2021 sau khi đại dịch trì hoãn Thế vận hội là kỳ Thế vận hội nóng nhất được ghi nhận, với căng thẳng nhiệt vượt xa ngưỡng an toàn lên trên 31,5 độ C.
Tỷ lệ vận động viên bị ốm do nắng nóng ở Tokyo là 1/100. Điều phi thường là không một ai phải nhập viện, một phần là do sự chuẩn bị của Nhật Bản. Khi cái nắng nóng cực đoan được dự báo sẽ ập đến thủ đô của Nhật Bản, một thành phố chọc trời dày đặc bẫy nhiệt đô thị, ban tổ chức đã chuyển các cuộc thi marathon và đi bộ đến thành phố Sapporo, nơi mát mẻ và nhiều núi hơn. Tuy nhiên, trời vẫn quá nóng và ẩm khiến 6 vận động viên chạy bộ và đi bộ đã bị say nắng do gắng sức vì hoạt động cường độ cao trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt.
Yuri Hosokawa, trợ lý giáo sư khoa học thể thao tại Đại học Waseda ở Nhật Bản, đã đứng đầu kế hoạch ứng phó với nắng nóng ở Sapporo cho sự kiện này.
Bà nói với CNN: “Say nắng do gắng sức là dạng nghiêm trọng nhất của say nắng. Và khi chuyện này xảy ra, chúng tôi cần đảm bảo rằng người đó được điều trị ngay lập tức, lý tưởng nhất là trong vòng 30 phút sau khi gục ngã. Và để làm được điều đó, chúng tôi cần phải thiết lập một quy trình để điều trị ngay tại chỗ.”
Hosokawa và nhóm của bà đã điều trị các trường hợp say nắng và kiệt sức vì nóng bằng cách ngâm người bệnh trong nước đá để hạ nhiệt độ cơ thể. Người bị say nắng không thể tự điều hòa nhiệt độ cơ thể mà không cần làm mát bên ngoài.
Hosokawa cho biết: “Ngâm mình trong nước lạnh, hoặc tắm nước đá, là cách hiệu quả nhất để làm mát cơ thể một cách nhanh chóng.” Nhưng một số vận động viên ở Tokyo đã do dự khi tắm nước đá, và nếu họ còn tỉnh táo và chưa đến mức say nắng, họ được điều trị bằng cách lau người bằng khăn đã được ngâm trong nước đá lạnh.
Hosokawa là một trong nhiều chuyên gia kêu gọi cộng đồng thể thao toàn cầu thay đổi cách thức lên lịch thi đấu thể thao và nới lỏng một số quy tắc nhất định, ví dụ như cho phép thay người nhiều hơn trong một trận bóng đá để ngăn các vận động viên làm việc quá sức.
Bà nói: “Nếu chúng ta chỉ hủy bỏ các sự kiện thể thao khi trời nóng, điều đó có thể cướp đi cơ hội của tất cả mọi người. Tôi yêu thích thể thao, mong muốn văn hóa thể thao được gìn giữ và tôi muốn các con tôi cũng được chơi thể thao khi chúng lớn lên. Nhưng nếu chúng ta muốn làm điều đó, chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ về việc thay đổi luật lệ và lịch trình.”
Chi Chi
Nguồn: CNN
Nguồn: Sưu Tầm internet