Từ cậu học trò đứng đầu lớp, là niềm tự hào của gia đình,…
Vương Cương (SN 1979) sinh ra từ một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Vì cha mẹ sức khoẻ yếu và gia cảnh khó khăn nên ngay từ khi còn nhỏ, Vương Cương mang trên vai gánh nặng thay đổi cuộc đời của gia đình.
Một lần khi mẹ đưa Vương Cường đi chợ mua đồ, cậu nhóc nhìn dáng vẻ mệt mỏi của mẹ và nói: “Con nhất định phải học tập chăm chỉ, sau này mua những bộ quần áo đẹp nhất, căn nhà lớn nhất cho cha mẹ”.
Có thái độ cầu tiến cùng với sự thông minh nên Vương Cương luôn duy trì thành tích học tập tốt từ cấp Tiểu học đến Trung học cơ sở. Anh được nhận vào trường cấp 3 tốt nhất địa phương với số điểm cao thứ ba trong huyện. Từ đó trở đi, mọi người trong xóm đều biết Vương Cương là người giỏi giang, đầy tiềm năng.
Vương Cương luôn là đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Bước vào độ tuổi dậy thì, Vương Cương cũng không hề có những hành động nổi loạn như những đứa trẻ khác. Vì phải đi học xa nhà, gia tăng gánh nặng học phí cho gia đình nên Vương Cương hiểu phần thưởng lớn nhất dành cho cha mẹ là ngày càng học tập chăm chỉ hơn. Không chỉ dồn hết tâm sức cho việc học mà Vương Cương còn không học theo tính đua đòi mua sắm như những đứa trẻ cùng trang lứa. Thời điểm đó, anh thường dùng đèn pin để học trên giường sau khi ký túc xá tắt đèn, thậm chí thường xuyên học bài đến khuya.
Lún sâu vào bi kịch
Nhờ sự nỗ lực đêm ngày, Vương Cương thành công thi vào trường cấp 3 trọng điểm. Nhưng chẳng bao lâu anh nhận ra một vấn đề: Tại đây, anh không còn là tâm điểm chú ý của mọi người. Dù vẫn nỗ lực học tập, song Vương Cương không còn giữ vị trí đứng đầu lớp, mà trở thành một học sinh không quá nổi trội giữa tập thể.
Không chỉ vậy, ở trường trung học còn xuất hiện nhiều học sinh từ gia đình khá giả. Họ có thể chi nhiều tiền để tham gia hoạt động ngoại khoá hoặc ủng hộ cho nhà trường, từ đó khiến những đứa trẻ xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như Vương Cương cảm thấy chật vật.
Theo thời gian, Vương Cương đã kiệt sức trước gánh nặng kép từ áp lực học hành và tiền bạc. Vương Cương cần một lối thoát để trút cảm xúc tiêu cực, và đó là khi anh tìm đến với trò chơi điện tử. Ban đầu, Vương Cương chỉ muốn dùng thời gian rảnh rỗi để đến quán net nhưng anh càng chơi thì càng bị lún sâu. Vương Cương bắt đầu trốn học và đi chơi điện tử hàng ngày. Trong khoảng thời gian này, Vương Cương thậm chí còn đua đòi học hút thuốc từ những người xấu xung quanh.
Cư như vậy, Vương Cương dần bỏ bê việc học và thành tích sa sút đã bị gửi về cho gia đình. Trước những lời trách móc và dạy bảo của cha mẹ, Vương Cương đã quay đầu, dành những ngày tháng cấp 3 để nỗ lực học tập bù lại. Chỉ trong vài tháng chạy nước rút, Vương Cương dù không đậu nguyện vọng một song đã trở thành tân sinh viên của Viện Công nghệ Vũ Hán và trở thành niềm tự hào của gia đình. Tuy nhiên, bi kịch của chàng trai bắt đầu từ đây.
Trở thành tân sinh viên, Vương Cương mắc sai lầm y hệt khi còn là học sinh phổ thông, bấp chấp ban đầu, anh tự nhủ mình sẽ không bỏ bê việc học nữa. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Vương Cương có tính nhạy cảm và hướng nội, từ đó khiến anh không có những người bạn thực sự ở giảng đường Đại học. Một lần nữa, Vương Cương lại tìm cách trốn thoát vào thế giới điện tử.
Từ năm 20 tuổi, Vương Cương bắt đầu dành toàn bộ chi phí sinh hoạt vào trò chơi điện tử. Điều này không chỉ khiến Vương Cường học hành sa sút mà còn đẩy anh lún sâu hơn vào vòng xoáy cô đơn, không ai có thể giao tiếp cùng. Sau thời gian đắm chìm vào thế giới điện tử, Vương Cường nhận ra bản thân có thể kiếm tiền từ chơi game nên càng có lý do thuyết phục mình duy trì cách sống này.
Từ đó trở đi, Vương Cương không chỉ nghỉ học mà còn không về ký túc xá. Anh coi quán game là nhà của mình – nơi anh ăn, ngủ, sống và tìm thấy lý tưởng cuộc đời. Hàng ngày, Vương Cương chỉ ăn mì gói và giăm bông qua ngày, ngủ vài tiếng vào ban đêm trên sảnh của quán net để tiết kiện tiền.
Cuộc sống như vậy kéo dài ba năm, vì vắng mặt quá lâu trên giảng đường nên Vương Cương không thể tốt nghiệp Đại học. Trong 2 năm đầu tiên mới nhập học, Vương Cương còn thường xuyên gọi điện về cho gia đình. Tuy nhiên sau khi trở thành con nghiệm game, anh đã gần như ngừng liên hệ với bố mẹ. Và khi biết bản thân không thể tốt nghiệp Đại học, Vương Cương đã ngắt bỏ toàn bộ liên lạc với gia đình, từ đó mất đi nguồn thu nhập chính của mình.
Đứa trẻ được mọi người tán dương nay đã không còn, mà thay vào đó là thanh niên sống lang bạt ở thành phố, chỉ biết dùng game để trốn tránh hiện thực và viễn cảnh phải đối diện với cha mẹ.
Câu nói cuối cùng khiến cha mẹ bàng hoàng
Do hàng ngày phải tiếp xúc với máy tính, chế độ ăn uống thất thường, không chăm sóc cho cơ thể nên sức khoẻ của Vương Cương ngày càng đi xuống. Những ngày đầu anh thấy mình ho rất nhiều, cơ thể yếu đi. Tuy nhiên, vì đã tiêu hết tiền vào game nên anh không còn tiền đi chữa bệnh.
Cứ như thế đến đầu năm 2011, Vương Cương bắt đầu ho ra máu, song anh vẫn liều lĩnh chỉ dùng thuốc ho để trì hoãn căn bệnh. Anh luôn tự nhủ, chỉ cần sau 2-3 ngày chơi game, anh có thể giành chiến thắng và bán thiết bị của mình trong game để có tiền đến bệnh viện. Song viễn cảnh đó không bao giờ xảy ra.
Cho đến ngày 6/5/2011, Vương Cương đi chơi game thâu đêm, sáng dậy muốn đi vệ sinh thì đột nhiên tầm mắt tối sầm và ngất đi. Nhân viên quán net lập tức đưa anh đến bệnh viện điều trị. Sau khi nhập viện, Vương Cương đã bất tỉnh nhân sự, do thấy bệnh nhân không có người nhà đi cùng nên bệnh viện đã yêu cầu cảnh sát liên lạc với gia đình anh.
Như thế, sau hơn 10 năm bị con trai ngắt liên lạc, cha mẹ đã tìm thấy Vương Cương. Nhìn vẻ ngoài tiều tuỵ của Vương Cương, họ không dám tin đây là đứa con trai mà họ từng tự hào. Điều khiến họ càng thất vọng hơn là Vương Cương mất tích không phải do tai nạn hay bí mật nào đó khó nói ra, mà nguyên nhân từ sở thích nghiệm game quá đà, cuối cùng mang bệnh nặng vào người.
Sau đó, bác sĩ chẩn đoán Vương Cương mắc bệnh lao giai đoạn cuối, anh chỉ có thể duy trì sự sống trong thời gian ngắn này. Lúc này, mẹ của Vương Cương bật khóc trong khi cha anh vẫn im lặng. Bởi ông thà tin rằng con trai mình đã chết còn hơn là chấp nhận người trước mặt là Vương Cương.
Ngày 16/5/2011, Vương Cương qua đời. Trong giây phút hấp hối, anh vẫn còn dặn dò 1 câu khiến cả cha mẹ chấn động, đó là tuyệt đối không được bán tài khoản game của mình. Có thể thấy, nỗi ám ảnh về game của Vương Cương đã quá lớn, khiến anh không còn phân biệt được đâu là thế giới thực và thế giới ảo. Niềm đam mê chơi game tột độ không chỉ huỷ hoại tương lai của một cậu học sinh giỏi, mà còn kết liễu cuộc đời anh vĩnh viễn.
Nguồn: 163.com
Nguồn: Sưu Tầm internet