Theo Toutiao, vợ chồng bà Vương ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, có một khoản tiền dưỡng già trị giá 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) gửi ở ngân hàng địa phương. Sau khi chồng qua đời, số tiền này vẫn nằm yên trong ngân hàng vì bà Vương chưa cần dùng tới. Mãi cho đến năm 2019, cháu trai của bà Vương đến tuổi lập gia đình, cần mua nhà làm của hồi môn nên bà cụ này mới quyết định rút tiền để giúp cháu.
Sau khi rút tiền ở ngân hàng, bà cụ 70 tuổi này liền đưa hết cho cháu trai đem đi mua nhà cho kịp ngày cưới. Tuy nhiên, ngày vui của gia đình này lại phải hoãn lại bởi một cuộc điện thoại bất ngờ từ phía ngân hàng. Theo đó, giám đốc ngân hàng địa phương đã đích thân gọi điện thông báo rằng số tiền bà Vương rút về không phải của bà. Người này cũng yêu cầu cụ bà này phải trả lại số tiền trên ngay lập tức nếu không sẽ nhờ đến pháp luật vào cuộc giải quyết.
Nghe những lời này, bà Vương như chết lặng bởi số tiền 500.000 NDT trên vốn là tiền dưỡng già của 2 vợ chồng bà. Hơn nữa khi rút tiền, bà cụ này cũng tuân thủ đầy đủ các thủ tục của ngân hàng. Do đó, sau khi suy nghĩ và bình tâm trở lại, bà Vương cho rằng cuộc gọi trên là của những kẻ lừa đảo muốn chiếm đoạt tài sản nên không hề bận tâm tới. Dẫu vậy, 2 ngày sau cuộc gọi đó, bà cụ này thực sự đã nhận được giấy triệu tập của tòa án địa phương.
Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bà Vương đã đến ngân hàng nơi rút tiền và yêu cầu nhân viên giải thích. Đối mặt với sự giận dữ của bà cụ, giám đốc ngân hàng bình tĩnh cho biết ngày bà Vương đến rút tiền, giao dịch viên vì không kiểm tra kỹ thông tin nên đã để bà cụ này rút 500.000 NDT. Tuy nhiên trên thực tế, thẻ ngân hàng mà bà Vương dùng để rút tiền là của người chồng đã mất. Số tiền 500.000 NDT được gửi vào ngân hàng do người chồng đứng tên nên việc bà cụ này rút tiền mà không có giấy chứng nhận thừa kế tài sản của người chồng quá cố là không đúng với quy định của ngân hàng.
Giám đốc ngân hàng nói thêm rằng nếu bà Vương muốn rút tiền thì trước tiên bà phải trả lại số tiền 500.000 NDT đã rút, sau đó cung cấp giấy chứng minh bản thân là người thừa kế hợp pháp số tiền trên. Có như vậy, số tiền này mới được rút ra một cách đúng luật lệ. Sau khi sự việc xảy ra, ngân hàng đã cố gắng liên lạc với bà Vương để thu hồi lại khoản tiền. Tuy nhiên vì bà cụ này không có động thái muốn trả lại tiền nên họ đành phải kiện bà ra tòa.
“Nếu nhất quyết không trả lại tiền, bà có thể phải ngồi tù vì hành vi rút tiền của bà sẽ bị quy thành tội lừa đảovà chiếm đoạt tài sản”, giám đốc ngân hàng địa phương cho biết.
Sau khi được giải thích cặn kẽ, bà Vương hiểu ra mọi chuyện. Tuy nhiên, rắc rối lại kéo đến khi số tiền 500.000 NDT rút ra đã dùng đi đặt cọc nhà cho cháu trai, giờ bà không còn tiền để hoàn trả cho ngân hàng. Hơn nữa, bà cũng cho rằng khi rút tiền, nhân viên ngân hàng cũng không yêu cầu bà xuất trình bất kỳ giấy tờ bằng chứng nào, và đó là lỗi của ngân hàng nên mâu thuẫn giữa 2 bên vẫn chưa thể giải quyết.
Khi mâu thuẫn từ hai phía lên đến đỉnh điểm, tòa án đã đứng ra phân xử và giải thích rằng theo luật Trung Quốc, nếu chủ nhân tài khoản đã mất, người thừa kế phải cấp giấy chứng nhận thừa kế khi rút tiền. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của người đã mất và ngăn ngừa các hành vi lừa đảo hoặc tranh chấp.
Cuối cùng, sau khi xem xét kỹ các tình tiết của vụ án, tòa án địa phương tuyên bố cả bà Vương và ngân hàng đều có lỗi trong sự việc này. Về khoản tiền 500.000 NDT thừa kế, Bà Vương không cần hoàn trả số tiền 500.000 NDT nhưng cần phải cung cấp các chứng từ liên quan cho ngân hàng. Sau phán quyết của tòa án, bà Vương đã hoàn tất các giấy tờ liên quan và nộp cho ngân hàng. Mọi chuyện được giải quyết êm đẹp, đám cưới của cháu trai bà Vương cũng diễn ra ngay sau đó.
(Theo Toutiao)
Nguồn: Sưu Tầm internet