Thẻ Căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi gồm những gì?
Bộ Công an quy định mẫu thẻ căn cước riêng cho công dân Việt Nam từ 0 đến dưới 6 tuổi sẽ không có ảnh trên căn cước.
Đối với công dân dưới 6 tuổi, thông tin trên thẻ căn cước gồm: Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch; Thời hạn thẻ có hiệu lực.
Còn mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ 0 đến dưới 6 tuổi và từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có các thông tin giống nhau gồm: nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; chữ “BỘ CÔNG AN”.
Bên cạnh đó, căn cước gắn chip cho trẻ dưới 6 tuổi được tích hợp nhiều thông tin liên qian, giúp phụ huynh tiện lợi hơn rất nhiều trong việc đăng ký các thủ tục hành chính cho trẻ.
Chẳng hạn, căn cước tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân và gia đình (trong mã QR ở mặt sau) nơi thường trú, tạm trú (in rõ ở mặt sau), giấy khai sinh, bảo hiểm y tế,… có thể thay thế cho các giấy tờ đó trong tương lai.
Để đăng ký cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi, cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp (sau đây gọi tắt là công dân) sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để đăng nhập và thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công Bộ Công an tại https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/ > chọn Đăng nhập.
Bước 2 : Công dân chọn “Đăng nhập” ở góc phải phía trên màn hình.
Bước 3 : Công dân chọn Đăng nhập bằng “Tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia”.
Bước 4: Chọn đăng nhập bằng “Tài khoản Định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an dành cho công dân”.
Bước 5: Tại màn hình tiếp theo, ba mẹ nhập thông tin số định danh và mật khẩu tài khoản VNeID hoặc quét mã QR Code bằng ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để đăng nhập.
Bước 6: Sau khi đăng nhập thành công, công dân chọn “Lĩnh vực cấp, quản lý Căn cước”.
Bước 7: Ba mẹ chọn “Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi”.
– Tại mục Thông tin người cần cấp công cước, hãy nhập đầy đủ các thông tin được yêu cầu, gồm:
+ Họ tên của trẻ: Viết in hoa, đúng văn phạm tiếng Việt.
+ Ngày/tháng/năm sinh: Chọn trong bảng lịch hiện ra, hoặc nhập tay theo cú pháp ngày/tháng/năm.
+ Giới tính: Chọn Nam hoặc Nữ.
+ Số định danh cá nhân của trẻ.
+ Mối quan hệ của người kê khai với người cần cấp căn cước: Phải chọn chính xác trong danh sách hiện ra.
Bước 8: Bấm vào Kiểm tra thông tin trong CSDL Quốc gia về dân cư.
Nếu các thông tin đã khai báo trước đó là chính xác, hệ thống sẽ tự chọn Loại hồ sơ cho mục Hình thức cấp tương ứng với độ tuổi của trẻ. Còn lại, công dân tự chọn cấp thực hiện là cấp tỉnh hoặc cấp huyện, rồi chọn địa phương tương ứng.
Bước 9 : Bấm Xem DC02 để kiểm tra lại thông tin. Khi đảm bảo mọi thông tin đã chính xác, chỉ việc bấm Lưu và nộp hồ sơ > chọn Đồng ý là xong.
Bước 10: Chờ hồ sơ chuyển sang trạng thái Đã trả kết quả hoặc có cuộc gọi thông báo từ cơ quan công an.
Bước 11: Khi màn hình hiển thị Popup dưới đây công dân chọn “Đồng ý”.
Bước 12: Màn hình sẽ hiện thị thông báo hồ sơ đã được tiếp nhận và tự động chuyển sang trang Quản lý hồ sơ dịch vụ công. Công dân ghi nhớ mã hồ sơ trực tuyến và theo dõi quá trình xử lý hồ sơ.
Lưu ý:
– Quy trình trên cũng áp dụng cho việc đăng ký cấp căn cước gắn chip cho trẻ từ đủ 6 tuổi tới dưới 14 tuổi, nhưng sau đó công dân cần đưa trẻ tới cơ quan công an để lấy thông tin sinh trắc học.
– Phí làm căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi và cho trẻ từ đủ 6 tuổi tới dưới 14 tuổi: Miễn phí.
– Thông thường, căn cước làm ở cấp tỉnh sẽ nhanh có hơn cấp huyện.
– Theo quy định, công dân được yêu cầu cơ quan công an gửi căn cước tới tận nhà. Nhưng nếu địa phương không hỗ trợ giao tận nhà thì công dân đành phải trực tiếp đi nhận căn cước, do đó hãy chọn cơ quan thực hiện sao cho tiện đường di chuyển.
– Theo quy định, thủ tục cấp căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ phải hoàn thành trong không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan công an nhận được hồ sơ từ công dân. Thông qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, công dân cũng có thể theo dõi quá trình xử lý.
– Trường hợp hồ sơ bị treo quá lâu, công dân có thể tìm và liên hệ số điện thoại của cơ quan công an đã chọn ở (Bước 8) để kiểm tra. Nếu không nhận được phản hồi thích đáng, công dân có thể gửi phản ánh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Nguồn: Sưu Tầm internet