Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm nay nhà trường mở thêm 6 ngành mới bao gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động. Đây đều là những ngành học có mức độ quan trọng đặc biệt đối với xã hội và được thị trường việc làm đánh giá cao. Trong đó, ngành Khoa học dữ liệu đang được nhiều thí sinh chú ý bởi sự mới mẻ, cần thiết và có tính chất công nghệ cao.
Cũng theo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Khoa học dữ liệu sẽ lấy chỉ tiêu 120 thí sinh với mã số tuyển sinh là EP15. Tổ hợp xét tuyển ngành này là A00, A01, D01, D07. Ngành có 2 hệ đào tạo là hệ Cử nhân (4 năm – 130 tín chỉ) và hệ Kỹ sư (4,5 năm – 150 tín chỉ).
Ngành nghề thiếu nhân lực trầm trọng
Trong những năm gần đây, các lĩnh vực liên quan đến xử lý Big Data, trong đó bao gồm ngành khoa học dữ liệu ngày một phát triển và được nhiều doanh nghiệp, công ty lớn tập trung chú trọng.
Tại Mỹ, khoa học dữ liệu đứng đầu trong số 25 ngành nghề tốt nhất, thứ 16 về mức lương tốt và đứng số 1 trong 10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất trong thời buổi hiện đại. Tại các nước Đông Nam Á và Việt Nam, việc đào tạo và chiêu mộ nguồn nhân lực có trình độ trong ngành khoa học dữ liệu đang được đề cao. Những nhân sự này có ai trò quan trọng trong việc xử lý các thông tin, dữ liệu của các công ty/ doanh nghiệp về công nghệ, giúp tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng và thu lợi nhuận tối ưu.
Theo thống kê Top Dev, trong giai đoạn đến năm 2021, ngành công nghệ thông tin sẽ thiếu hụt nhu cầu liên quan đến các ngành công nghệ thông tin sẽ thiếu hụt từ 70.000 – 90.000. Các công ty sẽ đối mặt với thách thức giữ chân nhân tài trong lĩnh vực này bằng cách đề xuất mức lương, thưởng chế độ thăng tiến tương xứng.
Theo báo cáo từ Indeed, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành khoa học dữ liệu tăng khoảng 29% mỗi năm và có mức tăng trưởng 344% từ năm 2013. Dữ liệu từ một website tuyển dụng ngành công nghệ cho thấy nhu cầu nhân sự ngành này đã tăng hơn 32%. Các thông báo tuyển dụng cho khoa học dữ liệu đang tăng lên đều đặn với hơn 32.000 tin tuyển dụng mới vào mỗi tháng.
Theo thống kê của Tổng Cục Thống kê Mỹ năm 2023, việc làm cho các nhà Khoa học dữ liệu được dự đoán sẽ tăng 35% từ 2022 đến 2032, nhanh hơn tốc độ trung bình của tất cả các nghề nghiệp. Nghiên cứu của 365 Data Science cũng đã cho thấy rằng tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu sẽ tăng lên 36% từ năm 2021 đến năm 2031.
Những thông số này cho thấy ngành khoa học dữ liệu đang được thị trường lao động quan tâm hơn bao giờ hết. Với nhu cầu tuyển dụng cao, các sinh viên ngành này cũng có cơ hội việc làm đa dạng sau khi ra trường.
Cơ hội nghề nghiệp đầy tiềm năng
Khoa học dữ liệu là ngành học chuyên về nghiên cứu, phân tích và ứng dụng các phương pháp, công cụ và kỹ thuật để thu thập, xử lý, phân tích và hiển thị dữ liệu. Mục đích của khoa học dữ liệu là tìm ra thông tin hữu ích từ các tập dữ liệu lớn và phức tạp, từ đó đưa ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động trong các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, y tế, giáo dục, chính trị,…
Ngành Khoa học dữ liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực như toán học, thống kê, khoa học máy tính, kinh tế học và sử dụng nhiều công nghệ mới như: Machine learning, deep learning, khai phá dữ liệu (data mining),… Sinh viên ngành này sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn, kiến thức chuyên sâu về ngành, các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp cũng như tham gia các khóa học bồi dưỡng để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Bên cạnh đó, người học còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng công việc như: Giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, phân tích.
Có nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc cùng các kỹ năng mềm quan trọng, sinh viên ngành Khoa học dữ liệu khi ra trường có rất nhiều lựa chọn việc làm như: Làm việc tại các công ty, tập đoàn về viễn thông, phần mềm với các vị trí như bộ phận IT; Kiến trúc sư dữ liệu; Nghiên cứu, giảng dạy khoa học dữ liệu và các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, hệ thống công nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu,..
Theo thống kê trên thị trường, mức lương của một chuyên viên khoa học dữ liệu chưa có kinh nghiệm dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, từ 2 – 3 năm kinh nghiệpm sẽ nhận được mức lương 17 – 25 triệu đồng/tháng, nếu có kinh nghiệm lâu năm sẽ nhận được mức lương tối thiểu từ 30 – 70 triệu đồng/tháng.
Cũng theo T.S Nguyễn Mạnh Thế, Trưởng Khoa Toán – Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, mức lương của sinh viên trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu khi mới ra trường thường dao động trong khoảng 20 triệu đồng.
Ngoài Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam còn có nhiều trường đại học khác cũng đào tạo ngành Khoa học dữ liệu như: Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM,…
Tổng hợp
Nguồn: Sưu Tầm internet