Ở Việt Nam, hoạt hình Mỹ và anime đều là những dòng phim mạnh ở phòng vé cũng như nền tảng trực tuyến. Nhưng trong vài năm trở lại đây, anime chiếm ưu thế lớn.
Mới nhất, phim hoạt hình Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu vượt 110 tỉ đồng – cao chưa từng có tại Việt Nam, cho thấy anime có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả Việt.
Công ty hoạt hình Việt phải có 1.000 người
Sáng 7-6, diễn đàn “Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình và cơ hội tại thị trường Việt Nam” diễn ra, trong khuôn khổ triển lãm Telefilm Vietnam 2024 ở TP.HCM.
Đây là triển lãm quốc tế về phim và công nghệ phát thanh truyền hình.
Các diễn giả thống nhất rằng hoạt hình Việt Nam đang phát triển, trong khi các thị trường mạnh về phim hoạt hình trên thế giới vẫn là Nhật Bản – với anime gây sốt toàn thế giới, Mỹ, Trung Quốc…
Theo số liệu do bà Trần Thị Lan Chi – giám đốc phân phối nội dung Sconnect Việt Nam – chia sẻ, MarketResearch.biz cho biết tổng doanh thu ngành hoạt hình thế giới trị giá 412,96 tỉ USD.
Ước tính con số sẽ tăng lên 779 tỉ USD vào năm 2032.
Mỹ là thị trường hoạt hình lớn nhất thế giới, chiếm 34% thị phần toàn thế giới với các hãng sản xuất, phát hành như Disney, Sony và Netflix.
Theo thống kê, tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm cao nhất của ngành hoạt hình lại thuộc về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo ông Tạ Mạnh Hoàng – chủ tịch Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam DCCA, ông từng sang nước ngoài và thấy những công ty hoạt hình lớn có đến 1.000 nhân sự.
Khi đó Công ty hoạt hình Sconnect ở Việt Nam mới có 100 nhân sự, vì thế ông quyết định phải phát triển lên mốc 1.000 nhân sự.
Ông Hoàng cũng cho biết hiện nay ngành hoạt hình Việt Nam có khoảng 200 công ty, studio lớn tham gia sản xuất.
Mùa hè này, cơn sốt hoạt hình ngoại bên cạnh Doraemon có Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ, The Garfield Movie (Garfield: Mèo Béo siêu quậy), Haikyu!!: Trận chiến bãi phế liệu…
Sắp tới cơn sốt sẽ được tiếp nối bởi Inside Out 2 (Những mảnh ghép cảm xúc 2) – bom tấn hoạt hình Mỹ, phần hai của phim đoạt giải Oscar năm 2015; hay phim Despicable Me 4 (Kẻ trộm Mặt trăng) – một thương hiệu cũng rất ăn khách ở Việt Nam.
Hoạt hình Việt Nam chưa mơ doanh thu trăm tỉ
Phim hoạt hình nước ngoài đang kiếm được từ hàng chục tỉ đến hơn trăm tỉ tại phòng vé Việt Nam. Còn cơ hội doanh thu của phim hoạt hình Việt thì sao?
Ông Hoàng nêu ra ba thách thức lớn với phim hoạt hình Việt Nam. Một là kinh phí đầu tư rất lớn, không kém so với các phim điện ảnh người đóng.
Thách thức thứ hai là về nhân sự, có quá nhiều đội ngũ sản xuất nhiều khâu của phim hoạt hình, nên phải phối hợp ăn ý mới có sản phẩm tốt.
Và thách thức thứ ba là phim hoạt hình Việt Nam chưa thể gây sốt về doanh thu như phim nước ngoài.
“Phim hoạt hình Việt chưa có nhiều cơ hội tạo ra doanh thu. Đây là giai đoạn nhiều cơ hội, nhưng vẫn đang phải tìm đường để kinh doanh.
Phim hoạt hình phải đồng hành với các nhãn hàng, tạo ra một hệ sinh thái xung quanh thì mới phát triển được” – ông Hoàng nói.
Cũng như các thương hiệu hoạt hình nổi tiếng thế giới, để hướng đến phát triển lâu dài, hoạt hình Việt Nam đang chủ trương phát triển các IP (sản phẩm trí tuệ được pháp luật bảo vệ) ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Vấn đề bản quyền luôn nóng
Ông Nguyễn Ngọc Hân – tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia – nhắc đến vấn đề bản quyền trên môi trường số. Nền tảng YouTube có dữ liệu về bản quyền, nhưng một số nền tảng khác thì cần thêm dữ liệu.
“Ở Việt Nam, phần lớn chúng ta nghĩ bảo vệ bản quyền là giữ nội dung không cho ai xâm phạm.
Nhưng bảo vệ bản quyền là phân tích, quản lý được và tự động đánh từ studio của chúng ta.
Chúng ta có một bức tranh rõ hơn về tác phẩm của mình được sử dụng ra sao” – ông Hân nói.