Nhiều ca sĩ thể hiện thành công các ca khúc nhạc Phật giáo như: Nguyễn Phi Hùng, Thùy Trang, Quốc Đại, Đông Quân, Sỹ Luân, Quách Tuấn Du, Thiện Nhân, Bá Thắng, Hòa Hiệp…
Khán giả, nhất là Phật tử yêu mến các giọng ca này qua nhiều ca khúc như: Chắp tay niệm Phật, Mẹ từ bi, Đức Phật từ bi, Phật là ánh sáng từ quang, Bài Phật đản, Hoa đăng đêm di đà, Phật ở trong tâm, Kính lạy Bồ tát quán thế âm, Về dưới Phật đà, Phật đang trong ta, Diệu pháp long hoa…
Ca khúc nhạc Phật dễ cảm
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho Tuổi Trẻ Online biết mỗi khi thể hiện những ca khúc về Phật giáo anh cảm thấy bình an, nhẹ nhàng và giúp anh lắng tâm hướng đến những điều tốt đẹp.
“Mỗi bài hát như một bài chia sẻ cô đọng, súc tích giúp người nghe thêm tin yêu đạo Phật.
Khán giả và nghệ sĩ thường có những cảm xúc rất gần gũi, chan chứa yêu thương giúp nghệ sĩ thêm thăng hoa trên sân khấu” – Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm.
Trong nhiều ca khúc nhạc Phật giáo đã thể hiện, Nguyễn Phi Hùng thích nhất ca khúc Việt Nam Phật giáo sáng ngời hào quang bởi giai điệu hào hùng, ngợi ca công đức của Đức Phật.
Anh nói các ca khúc về Phật giáo dễ cảm, dễ thể hiện. Nhạc sĩ uyển chuyển để đưa lời Phật dạy vào ca khúc hướng đến việc thiện, những đạo lý ở đời. Ngoài những bài kinh pháp đặc thù thì ca khúc Phật giáo rất dễ thuộc và giàu cảm xúc.
Nguyễn Phi Hùng hát “Việt Nam Phật giáo sáng ngời hào quang” – Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay
Còn ca sĩ Đông Quân bén duyên với nhạc Phật giáo từ năm 1998, trước khi anh đoạt giải ba cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2001.
Sau đó, anh được nhạc sĩ Giác An mời thu âm album Phật giáo cùng với ca sĩ Đoan Trang, Bảo Yến, Trang Mỹ Dung.
Đông Quân nói từ sau khi tham gia thu album Phật giáo anh được nhiều chùa, tự viện mời biểu diễn.
“Nhạc Phật giáo có những ca khúc khó do các thầy, sư cô lấy giai điệu từ kinh vào. Nhưng khi hiểu rõ thông điệp, thấm lời Phật dạy sẽ cảm thấy thăng hoa khi hát” – Đông Quân nói với Tuổi Trẻ Online.
Chính vì thế khi nhận được lời mời hát ca khúc Phật giáo Đông Quân cảm thấy hạnh phúc và sắp xếp tham gia ngay.
Phổ nhạc kinh Phật, Chú đại bi
Những bài kinh khó thuộc, khó nhớ được nhạc sĩ Sơn Mạch phổ nhạc trở thành những ca khúc dễ đi vào lòng người.
Tuy nhiên làm được điều này không dễ đối với nhạc sĩ Sơn Mạch cũng như nhiều nhạc sĩ khác.
Bởi việc phổ nhạc sao cho dễ nghe, dễ thuộc nhưng vẫn giữ nguyên nội dung bản gốc là điều không khỏi khó khăn.
Sơn Mạch đã phổ nhạc kinh Bát nhã và Chú đại bi, được người nghe đón nhận.
“Khi phổ nhạc kinh Bát nhã tôi dùng bản Hán Việt nên người nghe có thể khó hiểu. Mặt khác, kinh có nốt ngang hết nên khó phổ nhạc.
Còn trong Chú đại bi có tính nhạc nhiều hơn, điệu ngân, vần đi lên đi xuống dễ phổ nhạc hơn.
Với những người nhập môn, đọc kinh sẽ khó thuộc nhưng khi hát sẽ dễ nhớ, dễ đi vào tâm thức” – nhạc sĩ Sơn Mạch chia sẻ.
Sơn Mạch cho Tuổi Trẻ Online biết anh có duyên tiếp xúc văn hóa Phật giáo từ nhỏ, lớn lên có duyên nói chuyện với các sư thầy nên tâm hướng về Phật, có thể sáng tác ca khúc liên quan đến Phật giáo.
Từ năm 2020 đến nay, Sơn Mạch bắt đầu viết nhạc Phật giáo. Anh mong muốn mỗi năm sáng tác mới một hoặc hai ca khúc dịp Đại lễ Phật đản hoặc Vu lan.
“Lời ca khúc, tôi dựa hoàn toàn vào thơ của các thiền sư, thượng tọa. Tôi thường mượn thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh để phổ nhạc. Thơ của ông có chất thơ, nhịp điệu bằng trắc nên dễ phổ nhạc.
Tôi thường giữ nguyên tác thơ của tác giả. Đối với thơ tự do, tôi xin phép đổi hoặc cắt bớt một số từ hoặc sửa lại” – Sơn Mạch nói.
Sơn Mạch dự kiến sẽ phát hành album ca khúc về Phật giáo trong năm nay, để tặng cho khán giả và Phật tử gần xa.
Ca khúc “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” – Nguồn: YouTube Son Mach