Nhưng với thành công mà phim đạt được khi đạt top 1 suốt mấy tuần liền trên Netflix, cho thấy lựa chọn của phim là đúng đắn.
Niềm ám ảnh thành cơn sốt toàn cầu
Dựa trên câu chuyện có thật của biên kịch và đạo diễn phim Richard Gadd, Baby Reindeer ngay từ đầu không mấy hứa hẹn bởi một dàn diễn viên kém sức hút và diễn xuất của mọi nhân vật suốt phim cũng không đến mức gọi là xuất sắc.
Richard Gadd tự vào vai chính mình, nhân vật trên phim đã đổi tên Donny, một diễn viên hài độc thoại thất bại đang chật vật để tồn tại trong một thế giới không cần những câu chuyện hài của anh.
Cuộc đời của Donny như một hòn đá lăn xuống dốc đồi, xuống mãi đến khi bị hòn đá tảng chặn lại. “Tảng đá” đó mang tên Martha Scott.
Baby Reindeer | Official Trailer | Netflix
Nữ chính của phim khó có thể nói là ưa nhìn theo tiêu chuẩn của số đông. Mũm mĩm là một từ đã nói giảm nói tránh.
Nhà làm phim còn chăm chút cho nhân vật nữ có một làn da không khỏe mạnh, cùng kiểu tóc bù xù chẳng có chút gì gọi là hấp dẫn.
Khoảnh khắc nam nữ chính gặp nhau trong quán cà phê thường sẽ là mở đầu kinh điển trong bất kỳ phim tình cảm nào.
Ở Baby Reindeer khoảnh khắc này lại khởi đầu một thảm họa, không chỉ với Donny mà còn cả Martha.
Mối quan hệ bạn bè sơ giao bình thường biến thành ám ảnh. Martha liên tục đến tìm Donny, gửi thư điện tử, tin nhắn điện thoại.
Thứ tình cảm cũng như hành động một phía của Martha khiến cô hình thành ảo tưởng rằng mình đang có mối quan hệ yêu đương với Donny.
Loạt diễn biến tiếp sau đó chỉ làm sự khủng bố ngày càng tăng dần. Từ những lời động viên, yêu thương, thậm chí là đẫm nhục dục cho đến nguyền rủa, đỉnh điểm là bạo lực.
Baby Reindeer tiến triển như một vết dầu loang trên mặt biển, từ chuyện giữa hai cá nhân dẫn đến ảnh hưởng tới các mối quan hệ bạn bè, công việc, gia đình.
Khán giả thoạt tiên cũng không biết Martha nhìn thấy điều gì hấp dẫn ở Donny, một gã thất bại có vẻ ngoài bình thường. Nhưng biết đâu được, ở Donny có một thứ “ma lực” mà chỉ có Martha mới nhìn ra?
Nỗi cô đơn của những kẻ dại khờ
Nhân vật Martha có thể làm khán giả nhớ đến Annie Wilkes, nữ y tá yêu cuồng nhiệt một nhà văn viết truyện lãng mạn, trong tác phẩm điện ảnh năm 1990 Misery, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Stephen King.
Chính màn hóa thân thành Annie Wilkes đã giúp Kathy Bates đoạt Oscar Nữ chính xuất sắc nhất. Wilkes với vẻ ngoài bình thường, làm công việc bình thường, sống cô đơn trong ngôi nhà hẻo lánh dù sao vẫn có sức thuyết phục khán giả hơn.
Là một nghệ sĩ hài độc thoại nhưng mọi thứ xung quanh Donny chỉ toàn là chuyện buồn. Đó là sự cô đơn vì không được thấu hiểu. Đó là phía sau cánh gà, nơi con người chỉ còn giống những thây ma, hấp thụ chút hương vị cám dỗ của ánh đèn sân khấu mà sống tiếp.
Ở Donny phảng phất bóng hình Joker, nhưng là một Joker có gia đình hạnh phúc hơn, yếu đuối hơn. Trong phim rất ít khi thấy những dấu hiệu phản kháng của Donny.
Anh này cứ để mình bị người khác dẫn đi, bị làm nhục, bị chà đạp về thể phách lẫn tâm hồn. Dường như Martha là người duy nhất dành tình thương yêu cho anh trong suốt phim và anh cũng chối từ nó ngập ngừng, không dứt khoát.
Vì sao? Có lẽ Donny cũng nghĩ rằng mình cần Martha trong chừng mực nào đó.
Tại sao giữa vô vàn con người trong thành phố hiện đại này, trong cái xã hội mà chỉ cần ẩn sau màn hình điện thoại con người có thể mang bất kỳ danh tính nào, rốt cuộc Martha lại chọn xuất hiện ngoài đời, chọn bộc lộ cảm xúc của mình và sẵn sàng tù tội vì điều đó.
Thông qua tạo hình nhân vật, nhà làm phim đã nói về sự mâu thuẫn không thể hòa hợp của hai người.
Nhưng đồng thời, đến cuối cùng Donny nhận ra dù có khủng hoảng tâm lý thế nào, nếu được chọn lựa quay về quá khứ, chưa chắc gì anh đã có can đảm không rộng cửa để tiếp nhận Martha vào cuộc đời mình.
Sau tất cả, đi qua cái cảm giác hài hước đầy mai mỉa, sự nghẹt thở ám ảnh, khán giả vẫn có thể đồng cảm với Martha. “Tuần lộc bé con” – biệt danh mà Martha gọi Donny suốt phim, cuối cùng chỉ là niềm mong mỏi được an ủi, được bầu bạn. Một chú tuần lộc bé con mà ai cũng cần có trong đời.
Ít khán giả biết mặt chỉ tên Richard Gadd trước khi Baby Reindeer lên sóng. Nghệ sĩ người Scotland sinh năm 1989 này từng tham gia nhiều phim, trong đó có vai trò đồng biên kịch cho một tập của loạt phim đình đám Sex Education.
Việc Richard Gadd dựa bao nhiêu phần trăm nguyên mẫu để khắc họa nhân vật Martha là điểm gây tranh cãi. Thậm chí, một người nhận là “Martha ngoài đời” đã dọa sẽ khởi kiện Gadd vì khắc họa ngoại hình mình quá xấu xí.