Trên trang fanpage “Việt Nam trong tôi”, bài viết Hoa ban đỏ – một bộ phim đáng để xem lại trong dịp nghỉ lễ này đang thu hút sự quan tâm của hơn 35.000 người, hơn 1.000 lượt bình luận và 3.400 lượt chia sẻ.
Vừa xem vừa khóc, biết ơn sống trong hòa bình
Bên dưới phần bình luận, nhiều khán giả cho biết họ vừa xem phim vừa khóc xen cả niềm tự hào.
Khán giả Antuyet Hoang kể chị xem phim này lúc 15 tuổi, nay chị đã 45 tuổi. Chị viết: “Phim hay và cảm động lắm”, “vẫn nhớ như in từng chi tiết và diễn viên trong phim”…
Một số khán giả kể “hồi nhỏ xem mà không biết tên phim, giờ mới biết”, “xem những cảnh chiến thắng xúc động quá”, “phim chân thực từng chi tiết”, “phim đi cùng năm tháng”…
Nhiều khán giả gửi lời “cảm ơn các chiến sĩ Điện Biên anh hùng”. Bạn Phạm Minh Hiền viết “xem đi xem lại vẫn xúc động, biết ơn vì được sống trong hòa bình”.
30 năm rồi, vẫn hay
Phim Hoa ban đỏ (đạo diễn Bạch Diệp, kịch bản Hữu Mai) do Xưởng phim quân đội sản xuất, ra mắt năm 1994 nhân dịp 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tới nay, đây vẫn là phim truyện hiếm hoi thành công khi đề cập tới sự kiện lịch sử này.
Với quan điểm không cứ phải súng đạn đì đùng mới là chiến tranh, đạo diễn Bạch Diệp và tác giả Hữu Mai đã gửi đến một bộ phim làm về thời chiến nhưng hoàn toàn khác biệt ở thời điểm đó.
Dù vậy, vẫn khiến khán giả day dứt bởi cái nhìn sâu thẳm về thân phận con người trong một mặt trận không tiếng súng.
Hoa ban đỏ có sự tham gia của các diễn viên Trần Lực (vai tiểu đoàn trưởng Phương), Thu Hà (y tá Tấm), Hoàng Hải, Mạnh Trường, Hà Trang, Trung Anh, Diễm Hương, Trung Hiếu, Trọng Trinh…
Phim tái hiện những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh cứ điểm 206, nhân vật Phương bị thương và gặp Tấm ở bệnh viện quân y.
Tấm đem lòng yêu Phương. Sau khi vết thương đã lành, Phương về lại đơn vị để tiếp tục cuộc chiến.
Cuộc chia tay của hai người diễn ra ở một cánh rừng hoa ban nở rộ. Đây được xem là phân cảnh đẹp nhất, lãng mạn nhất phim.
Ở cảnh kết phim, Tấm chạy giữa cánh đồng Mường Thanh mà không thấy Phương, xung quanh chỉ có tiếng hát mừng thắng trận của bộ đội.