Một ngày sau, trên fanpage Những thành phố mơ màng, ban tổ chức thông báo đền bù một chương trình hoàn chỉnh, khán giả mua vé chương trình ngày 20-4 sẽ được giảm 40% đồng thời được nhận những phần quà nhỏ như lời cảm ơn.
Rủi ro, phải xử lý sao?
Thông báo trên vấp phải chỉ trích lớn khi chia sẻ lại trên các diễn đàn, hội nhóm. Nhiều khán giả gọi đây là “trò chơi tư bản”, “những thành phố kinh hoàng”, “những thành phố bào tiền”, “đền bù cho ban tổ chức chứ đền bù gì cho khán giả”…
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn Đỗ Đỗ (Hà Nội) cho rằng: “Với những trải nghiệm tồi tệ trong tối 20-4 (không loa thông báo khi sự cố xảy ra, không tương tác với khán giả, để khán giả tự sinh tồn), ban tổ chức chỉ biết đổ lỗi cho thời tiết và nghĩ đến lợi nhuận”.
Mở rộng ra, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh…, các sự kiện văn hóa, giải trí nói chung phải hoãn/ngừng lại. Phải xử lý ra sao mới vẹn cả đôi đường?
Ông Phạm Minh Toàn, đại diện các sự kiện Lễ hội âm nhạc Hò Dô, Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam và Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, cho biết việc xử lý phụ thuộc vào ban tổ chức có đưa vào trong điều kiện bán vé hoặc mua bảo hiểm rủi ro cho sự kiện hay không.
“Nếu có, khi khán giả mua vé cũng đồng nghĩa chấp nhận các điều kiện chia sẻ đó. Nếu không thì chắc chỉ phụ thuộc vào sự thông cảm”, ông Toàn trao đổi.
Quyền lợi khán giả vẫn là trên hết
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói với Tuổi Trẻ:
“Ngay cả trong trường hợp có các điều khoản miễn trách nhiệm trong quy định mua vé thì ở góc độ truyền thông, ứng xử như cách ban tổ chức Những thành phố mơ màng cũng không đúng”.
Ông Long đưa ra gợi ý rằng ban tổ chức phải đặt lợi ích của khán giả lên trên hết, phải chia sẻ khó khăn với khán giả.
Cần tạo lắng nghe ý kiến khán giả qua các bảng khảo sát, trưng cầu ý kiến.
“Không có nghĩa khán giả nói gì thì phải làm theo, nhưng phải lắng nghe”, ông Long chia sẻ.
Và nếu thực sự còn cơ hội tổ chức một đêm nhạc live thì phải hiểu đang cố gắng khắc phục hậu quả của một cái cũ.
“Như trường hợp Những thành phố mơ màng, ban tổ chức thông báo giảm 40% tiền vé như ban phát thì sai rồi”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng khi xảy ra vấn đề thì những người tổ chức vẫn phải bảo vệ quyền lợi của khán giả. Và biết đâu giải quyết thỏa đáng còn là cứu cánh hồi sinh sau sự cố.
Nói riêng sự kiện Những thành phố mơ màng, chuyên gia này cho rằng ban tổ chức chưa đem giá trị thương hiệu mà họ gầy dựng được mấy năm qua lên bàn cân.
Họ mới chỉ quan tâm tới chi phí đêm diễn và số tiền mua vé của khán giả để xử lý khủng hoảng truyền thông. Thế là sai.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong 11 quy định khi mua vé Những thành phố mơ màng, không có điều khoản nào ghi rõ miễn trách nhiệm trong những trường hợp rủi ro bất khả kháng.
Tuổi Trẻ liên hệ ban tổ chức sự kiện để hỏi thêm nhưng chưa nhận được phản hồi.