Đó hẳn là cảm xúc của rất nhiều người khi nghe Until I Found You, một trong những ca khúc vụt sáng nhờ nền tảng TikTok, có khoảng 2 tỉ lượt stream trên spotify.
Và hẳn ai nấy đều bất ngờ khi biết danh tính người nhạc sĩ/ca sĩ đằng sau nó.
Không khí huyễn hoặc của những giấc mơ tình
Stephen Sanchez năm nay mới 21 tuổi. Anh bắt đầu sự nghiệp âm nhạc được hơn hai năm nay.
Until I Found You cũng chẳng phải của một huyền thoại gạo cội những năm 1950 nào, nó được Sanchez sáng tạo sau khi mua “hớ” một cây guitar cùng một bộ ampli.
Đã trót mua bộ nhạc cụ đắt tiền thì phải lao vào sáng tác cho bõ chứ! Và anh nhốt mình trong phòng, sáng tác bản nhạc trên trong vòng 15 phút.
Để rồi từ TikTok, anh chu du tới Grammy, tới lễ hội âm nhạc nơi Elton John bảo anh rằng ông không muốn họ hát nhạc của ông, hãy hát nhạc của anh. Rồi hai người song ca Until I Found You.
Một chàng trai ở độ tuổi đôi mươi, sống cách thời đại của những “crooner” – những tài tử tình ca – có đến 70, 80 năm, nhưng lại tái hiện hoàn hảo bầu không khí huyễn hoặc của những giấc mơ tình của những tài tử giai nhân, những kẻ mộng mơ và những nhà thơ của một thời quá vãng.
Stephen Sanchez – Until I Found You (Official Video)
Concept album ra mắt sau đó Angel Face thêu dệt nên một câu chuyện tình yêu giữa chàng ca sĩ và người tình tóc vàng của một thủ lĩnh băng đảng ngầm, mang dáng dấp hệt như những phim bi kịch lộng lẫy mà tréo ngoe của Hollywood thời kỳ ấy.
Cả 13 ca khúc trong album đều mang vẻ sang trọng của một thời đại mà tình yêu lãng mạn còn là điều gì đó đáng giá, đáng để người ta dám sống và dám chết vì nó.
Những lời ca như thế gợi nhớ đến lời ca những bản nhạc tình vĩ đại của Nat King Cole, kiểu ca khúc đã tuyệt diệt trong thế giới hiện đại này.
Một lần “sến” cho ra “sến”
Giọng hát ngọt ngào của Stephen Sanchez khiến trái tim bằng đá cũng phải mềm đi. Và một trong những phút giây quý giá nhất là trong ca khúc Be More, khi anh lên những nốt cao vang vọng ở phần điệp khúc.
Ta nhớ tới ai? Tất nhiên là nhớ tới Roy Orbison khi hát những câu cuối của It’s Over và nhất là Elvis Presley khi hát câu “God speed your love to me” (Chúa hối tình yêu em đến bên anh) trong ca khúc Unchained Melody.
Dường như người ca sĩ ấy đang cố gắng vươn lên một thế giới miên viễn xa vời của tình yêu, thế giới mà những người trần thế với trái tim đui mù chai sạn không bao giờ vươn tới được.
Và đó cũng không phải lần duy nhất trong Angel Face mà Stephen Sanchez khiến ta đau đáu nhớ về Elvis.
Ở những High hay Shake, anh không ngần ngại nhắc đến những cú lắc hông của Elvis, cũng chẳng ngần ngại bắt chước thứ rock ‘n’ roll mà Elvis đã tiên phong trong Heartbreak Hotel hay Hound Dog.
Ta nghe một đĩa nhạc mới mà ta sống lại một thời kỳ cũ.
Trong một bài phỏng vấn, Stephen Sanchez từng bảo: “Việc nói với ai đó rằng ta sẽ lấy cả Mặt trăng xuống cho họ đã trở thành môn nghệ thuật thất truyền”.
Thì đúng vậy, ngày nay người ta không còn bày tỏ tình yêu một cách thậm xưng nữa. Người ta không còn đau khổ đến chết đi sống lại vì tình yêu. Hoặc là người ta vẫn đau khổ đến chết đi sống lại, nhưng không thể thừa nhận điều đó vì sợ sẽ trở nên yếu đuối.
Âm nhạc của Sanchez cho người ta yếu đuối. Và khi nghe đến những câu cuối cùng trong Angel Face, khi người ca sĩ thủ thỉ: “Xin hãy gửi tới tim tôi một nụ hôn”, thì ta cũng xin gửi tới tim anh muôn ngàn nụ hôn, như lời cảm ơn. Cảm ơn vì đã cho con người thời đại này được một lần “sến” cho ra “sến”.