Tựa đề vốn lấy từ tiểu thuyết The Sheltering Sky của Paul Bowles, mà về sau nhà làm phim Bernardo Bertolucci dựng thành phim và Sakamoto là người soạn nhạc.
Paul Bowles đặt ra câu hỏi ấy và tự đáp rằng: “Có lẽ là khoảng 20 lần. Nhưng thế thôi chừng như đã là vô hạn”.
Món quà cuối cùng của Sakamoto
Ngay cả khi biết rằng mình chỉ còn sống được thêm sáu tháng vì căn bệnh ung thư không còn đáp ứng điều trị, Sakamoto dường như đã biến quãng đời ấy thành mênh mông âm nhạc.
“Món quà cuối cùng” của ông cho khán giả là Opus, một bộ phim âm nhạc từ đầu đến cuối chỉ có Sakamoto ngồi bên cây đàn chơi nhạc – do con trai ông, đạo diễn Neo Sora thực hiện, vừa ra mắt cuối tháng 3.
RYUICHI SAKAMOTO | OPUS – Official US Trailer
Opus đen trắng, được dàn dựng tối giản, mái tóc bạc của Sakamoto tương phản với cây đàn màu đen, chỉ một chiếc đèn được dùng để hắt sáng gương mặt và bàn tay nhăn nheo của người nghệ sĩ.
Neo Sora nói đã lấy cảm hứng từ chủ nghĩa tối giản trong những bộ phim của Yasujiro Ozu để lưu giữ “tiếng ca vĩnh biệt” (swan song) từ cha mình.
Ryuichi Sakamoto đã chọn trở về những gì cơ bản nhất ở giây phút gần đất xa trời.
Nếu như David Bowie, người mà lúc sinh thời có một mối duyên đặc biệt với Sakamoto khi cùng tham gia phim Merry Christmas, Mr Lawrence của Nagisa Oshima (David Bowie đóng vai chính, Sakamoto vào vai phụ cũng như sáng tác nhạc phim), khi viết album giã biệt của mình vẫn chọn một tạo hình dị thường và bí hiểm, thách thức thì Sakamoto lại chọn xuất hiện và chơi nhạc theo cách khiêm tốn nhất.
Vẫn được coi là người tiên phong sử dụng các nhạc cụ điện tử nhưng ở đây ông chỉ có một cây piano, chơi thứ âm nhạc như đến từ các nhà soạn nhạc trường phái ấn tượng của Pháp thế kỷ 19.
Opus – bộ phim về cuộc đời, có cả va vấp và làm lại
Hai mươi bản nhạc Sakamoto chọn chơi là những bản nhạc ông đã chơi không biết bao nhiêu lần trong đời. Đó là Solitude của phim Tony Takitani, một bản nhạc bắt trọn nỗi cô đơn êm dịu nhưng không thể xua tan của con người đô thị.
Là The Last Emperor khôn khuây về sự kết thúc một thời đại, viết cho bộ phim cùng tên về cuộc đời hoàng đế Phổ Nghi.
Là Merry Christmas Mr. Lawrence, bản nhạc từng có thời ông quyết chí phải vượt qua nó, cuối cùng chấp nhận rằng sự nổi tiếng của nó là định mệnh.
Ngay cả một bản nhạc được viết để quảng cáo cho rượu whiskey như Mizu no Naka no Bagatelle, ông cũng chơi nó bằng tất cả sự trân trọng, bản nhạc đẹp khôn xiết, thong thả như đang chèo thuyền qua hồ phẳng lặng.
Có một khoảnh khắc khi ông đang chơi bản Bibo No Aozora, ông bỗng dừng lại và chơi từ đầu.
Thay vì cắt dựng để vờ như Sakamoto đã có một màn trình diễn hoàn hảo từ đầu đến cuối, hai cha con nhà soạn nhạc đã chấp nhận những sai sót, phần lớn là do tuổi già khiến một vài đoạn nhạc trở nên khó khăn hơn với ông.
Chi tiết ấy khiến bộ phim âm nhạc trở thành một bộ phim về cuộc đời, có cả va vấp và làm lại.
Trong một dự án nghệ thuật dựng nên một Sakamoto 3D, nhà soạn nhạc từng băn khoăn về sự bất tử của Sakamoto ảo này, ngay cả khi ông đã chết đi thì phiên bản ấy vẫn ở lại và tiếp tục biểu diễn trong hàng trăm năm.
Nhưng lúc đó có còn con người không, hay lũ mực đã thống trị thế giới và cây piano với chúng liệu có ý nghĩa gì? Ông tự hỏi.
Mọi thứ có lẽ đều là phù du, kể cả kiếp người lẫn nghệ thuật, nhưng Sakamoto chọn làm tất cả những điều ông đã làm không phải vì nó sẽ trở nên vĩnh viễn, mà vì nó là vô thường. Và nghệ thuật là gì nếu không phải là việc tìm kiếm ý nghĩa trong cái vô thường?