Thời gian gần đây, cái tên Nam Em – Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long – được khán giả nhắc đến khá nhiều vì liên quan đến các buổi livestream của cô được cho là độc hại, cần được ngăn chặn.
Nam Em thách thức dư luận?
Nam Em bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mời lên làm việc nhiều lần và bị xử phạt hành chính hai lần. Tổng số tiền xử phạt hai lần là 47,5 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 1-3, Nam Em bị xử phạt 37,5 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại nghị định số 15 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Sở cũng khuyến cáo Nam Em nếu tái phạm sẽ xem xét tình tiết tăng nặng theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên sau đó, Nam Em tiếp tục vi phạm, cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân, Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt hành chính ở mức tăng nặng 10 triệu đồng.
Những hành động của Nam Em được cho là thách thức dư luận và cả các cơ quan quản lý.
Trong lần xử phạt thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết sẽ báo cáo, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý ngăn chặn đối với tài khoản Facebook và TikTok của Nam Em theo quy định.
Tuy nhiên, độc giả cho rằng nếu tài khoản Facebook và TikTok của Nam Em bị khóa (hoặc xóa) thì cô ấy có thể lập những tài khoản mới và có thể có những hành vi tương tự.
Độc giả bình luận trên Tuổi Trẻ Online qua các bài viết về Nam Em: “Cứ kiểu đầu độc này nên xử lý hình sự để răn đe, phạt tiền có lẽ không đủ sức nặng rồi”; “Phạt 10 triệu giống gãi ngứa, chặn tài khoản TikTok, Facebook thì tạo nick mới, có cách nào khác không?”; “Đề nghị chặn, người của công chúng nhưng thiếu chuẩn mực”; “Đề nghị đưa đi điều trị bệnh bắt buộc”;
“Cô này bị trầm cảm rồi, gia đình cần đưa đi khám tâm lý, bên cạnh động viên, đưa cô rời xa showbiz để bình an trở lại”; “Bạn này bị stress nặng nên không kiểm soát được cảm xúc. Xử lý thật nghiêm những trường hợp quấy rầy không gian mạng”; “Sao lại phạt ít vậy, vi phạm nhiều lần thì mức phạt phải cao hơn chứ nhỉ?”…
Nhiều người cho rằng việc làm của Nam Em đã và đang ảnh hưởng đến hình ảnh chung của người nghệ sĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh, thậm chí đề xuất cấm cô hoạt động nghệ thuật.
Trưởng ban tổ chức đã qua đời, lúng túng trong tước vương miện
Theo ban tổ chức, cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015 được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận tổ chức. Cuộc thi được tổ chức tại thành phố Cần Thơ.
Nhiều độc giả đề nghị tước vương miện của Nam Em vì cho rằng cô là tấm gương xấu về cách nhìn nhận giá trị của bản thân.
Tuổi Trẻ Online liên hệ ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, phó ban tổ chức cho biết sau đăng quang Nam Em có nhiều hoạt động tích cực.
Sau đó, cô đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Earth 2016 và lọt vào top 8 chung cuộc.
Người này nói với Tuổi Trẻ Online: “Chúng tôi lúng túng trước đề nghị tước vương miện của Nam Em vì hiện trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015 đã qua đời nhiều năm qua.
Mặt khác cuộc thi đã diễn ra gần 10 năm. Thời điểm đó, ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015 cũng chưa có những quy định cụ thể về việc tước vương miện”.
“Nam Em đã từng được nhiều người hâm mộ yêu mến bởi có lối sống tích cực và tài năng của cô. Tuy nhiên thời gian qua cô có những hành động được cho là độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính.
Chúng tôi mong Nam Em đừng tái phạm, tuân theo những quy định của pháp luật, để trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015 được yên nghỉ” – phó ban tổ chức cuộc thi cho biết thêm.
Mạng xã hội như con dao hai lưỡi
Mạng xã hội trao quyền cho người dùng truyền tải thông tin, tạo sức ảnh hưởng với cộng đồng.
Tâm lý con người dễ bị đám đông tác động, đặc biệt người có sức ảnh hưởng chịu tác động rất lớn từ người hâm mộ.
Một số người không ý thức được những gì họ làm là sai hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, dễ bị cộng đồng phản ứng. Điều này không chỉ vi phạm các quy định của cơ quan nhà nước mà còn có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người khác.
Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nhà sáng tạo nội dung càng nổi tiếng, lượng người theo dõi càng đông thì khi xảy ra vấn đề, bị phản ứng, họ phải chịu đựng sức ép cũng tương ứng, tức tỉ lệ thuận với mức độ nổi tiếng.
Cơ quan quản lý cần tăng cường việc hướng dẫn, tuyên truyền cho người dùng mạng xã hội. Lâu nay chỉ khi xảy ra những vụ việc cụ thể, cơ quan quản lý mới tìm cách xử lý.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An – giám đốc Trung tâm hướng nghiệp 4.0 JobWay