Phim tài liệu Dearest Viet theo chân nhân vật chính, anh Nguyễn Đức trong cặp song sinh Việt – Đức, từ những sinh hoạt thường ngày đến chuyến đi về lại nước Nhật mà anh từng gắn bó.
Chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024, bộ phim để lại những rung động xót xa về một kiếp người là nạn nhân chất độc da cam, nỗi đau đớn kéo dài từ những ngày thơ bé đến hiện tại.
Phim bám sát cuộc sống đời thường của anh Đức kèm với những đoạn phỏng vấn ngắn và lồng ghép phim tư liệu. Thủ pháp của Dearest Viet không có gì đặc biệt ấn tượng, phần âm thanh hơi khó nghe.
Nhiều đoạn còn gây tiếc nuối với người xem khi không được khắc họa chi tiết, đặc tả kỹ lưỡng hơn nhằm để lại cảm xúc sâu lắng hơn.
Thế nhưng, ấn tượng lớn nhất từ bộ phim đã đọng lại ở nhân vật chính, hoặc đúng hơn là hai nhân vật chính.
Bởi Nguyễn Đức, người em trong cặp song sinh Việt – Đức, là một con người đang sống cuộc đời của hai con người.
Anh sống một cuộc đời đầy đau khổ và thiệt thòi, từ thể xác đến tinh thần. Dường như mỗi khán giả đều muốn san sẻ một chút thống khổ từ những gì anh phải chịu đựng.
Nỗi đau từ cha mẹ ruột
Nỗi đau bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng dường như sẽ bám theo Nguyễn Đức suốt đời. Anh và anh Việt bị bỏ lại trạm xá ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum sau khi ra đời vào ngày 25-2-1981.
Trong những đoạn phim tư liệu cũ, người mẹ ruột từng tâm sự rằng bà quá hoảng sợ sau khi hạ sinh hai đứa con dính liền.
Còn người cha, khi gặp Đức ở Đà Lạt, ông khẳng định mình không làm gì sai cả.
Trong bộ phim Dearest Viet, đạo diễn không ngần ngại khắc họa hai cuộc gặp của anh với bố mẹ ruột. Cả hai cuộc gặp đều gượng gạo và lạnh nhạt.
Khi Đức cùng hai con hẹn gặp mẹ ở quán cà phê gần nhà, anh ngồi xem điện thoại và bảo hai con nói chuyện với bà nội, còn hai đứa trẻ cười gượng bảo không biết nói gì.
Trailer phim Dearest Viet có phụ đề tiếng Việt – Video: Kingyo Films
Khi trò chuyện riêng với người phỏng vấn, người mẹ khẳng định vẫn luôn yêu thương Đức. Còn Đức, anh thẳng thắn nói chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ, còn những đoạn phim tư liệu bà vui vẻ đến thăm hai anh em chỉ là “diễn” trước ống kính.
Khi Đức lên Đà Lạt thăm cha, anh mời cha đi cùng đến thắp hương cho anh Việt ở ngôi chùa trên đó. Người cha bảo sẽ hỏi ý kiến gia đình hiện tại của ông, và rồi vắng mặt không một lời thông báo.
Dù các tình tiết trên không được dựng trau chuốt để tô đậm như những điểm nhấn, người xem vẫn cảm thấy xót xa đến tận cùng. Một con người nhận được rất nhiều tình yêu thương từ những người xa lạ, nhưng lại không cảm thấy hơi ấm tình thương từ chính cha mẹ mình.
Mong cha sống bên chúng con suốt đời
Thông thường, lời chúc cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu bên con cái là lời chúc rất thường tình. Người con nào cũng dễ dàng nói vậy như một thói quen.
Nhưng với hai con song sinh Phú Sĩ – Anh Đào của anh Nguyễn Đức, đó lại là niềm mong ước lớn lao nhất. Hai cháu viết mong ước đó vào tấm thiệp sinh nhật mừng bố tuổi 43.
“Con chúc ba sức khỏe dồi dào”, “Con chúc ba sống suốt đời bên mẹ và chúng con”. Những lời chúc của con khiến nước mắt của Đức tuôn rơi ngay bên bàn ăn, trong bữa tiệc sinh nhật ấm cúng.
Bởi chỉ trong vài cảnh phim trước đó, Đức đã tâm sự về sức khỏe ngày một đi xuống của mình, về quả thận duy nhất đang bị nhiễm trùng và phải đặt ống tiểu. Thực sự, anh không biết mình có thể sống khỏe mạnh được không và trời cho sống đến bao giờ. Anh còn nhắc đến chuyện “được đi theo anh Việt cũng là một niềm hạnh phúc”.
Khi Đức còn nhỏ, anh cứ nghĩ hai anh em sẽ dính lấy nhau suốt đời như vậy, cho đến khi một cơn sốt vào năm 6 tuổi đã khiến Việt bại não và vĩnh viễn không thể bình phục lại như xưa.
Họ buộc phải tách ra, và sau khi nhường những bộ phận thiết yếu trong cơ thể cho em trai, Việt sống thực vật 19 năm trước khi qua đời vì viêm phổi, suy thận vào năm 2007.
Sự ra đi của Việt khiến Đức cảm thấy như mất đi một nửa cuộc đời, cuộc đời mà trước đó anh đã dự định cùng anh trai chia sẻ mọi vui buồn, đắng cay.
Mình sống tiêu cực thì ai phải chịu?
Phim có cảnh anh Nguyễn Đức chia sẻ quan điểm sống cùng một nhóm bạn trẻ.
Anh nhìn lại cuộc đời mình – là một người khuyết tật, bị bỏ rơi từ khi ra đời, lại mất đi người anh sinh đôi thân thiết nhất.
Trong hoàn cảnh đó, nếu thái độ sống của anh tiêu cực thì ai phải chịu?
“Là chính mình chứ ai” – anh nói.
Do đó, anh Đức tự khích lệ bản thân sống tích cực.
Anh có thái độ vui vẻ, hòa nhã, ăn nói lanh lợi, được nhiều người khen dễ kết bạn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khen Đức giỏi mới “tán đổ” người vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, người thương anh thật lòng.
Tấm lòng của người Nhật
Dearest Viet là bộ phim đến từ Nhật Bản, do đạo diễn Kohei Kawabata và nhà sản xuất Ruth Yoshie Linton, do Kingyo Films và Ruff Films sản xuất.
Bởi vậy, khá dễ hiểu khi bộ phim dành nhiều thời lượng tô đậm và ghi nhận công lao của người Nhật trong việc hỗ trợ điều trị cho cặp song sinh Việt – Đức cũng như hỗ trợ đời sống cá nhân của anh Nguyễn Đức sau này.
Nhà sản xuất Ruth Yoshie Linton cho biết 35 năm trước, ở Nhật hầu như không ai không biết đến Việt – Đức. Nhưng 35 năm đã trôi qua, nhiều người Nhật cũng đã quên đi câu chuyện xúc động này nên cô muốn làm một bộ phim để nhắc nhớ.
Bộ phim cũng mang thông điệp hòa bình, nói về hậu quả chiến tranh thông qua số phận một con người. Ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng di chứng của nó vẫn còn mãi trên thân thể con người.