Muôn vị nhân gian (The Taste of Things hay The Pot-au-feu) của đạo diễn Trần Anh Hùng ra rạp Việt ngày 22-3.
Trong tác phẩm giúp anh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023, Trần Anh Hùng đã trình diễn nghệ thuật kể chuyện, thiết kế bối cảnh, ánh sáng và khắc họa nghệ thuật ẩm thực bậc thầy.
The Taste of Things Trailer
Tất cả đều là lựa chọn của Yên Khê
* Ẩm thực tinh hoa là điều người ta say mê theo đuổi, nhưng đi kèm đôi khi là nạn săn bắn hay chăn nuôi ngược đãi loài vật. Có bao giờ anh muốn đề cập góc độ đó trong phim của mình?
– Tôi muốn đề cập nhưng không nặng nề. Tôi không làm phim để chiến đấu mà muốn tạo ra ý nghĩa và cảm xúc.
Tôi thấy đời sống hiện tại quá nhanh, đây là cơ hội để cho thấy một đời sống nơi người ta có thời gian.
Còn lý do quan trọng nhất liên quan đến nghệ thuật, đó là nhà bếp của nhân vật.
Nếu lấy bối cảnh hiện tại ở Pháp thì các nhà bếp sẽ có ánh sáng khác, có màu trắng và rõ nét hơn, làm mất đi không khí, giống với những chương trình về ẩm thực mà chúng ta được xem quá nhiều trên tivi.
Tôi muốn tìm lại một ánh sáng đặc biệt, như câu nói của nhân vật nữ trong phim: cô ấy rất thích mùa hè và sức nóng của mùa hè. Ánh sáng trong phim gợi nên ý đó của Eugénie.
* Nói đến nhà bếp, cú máy dài mô tả căn bếp Pháp được anh rất chăm chút, có phải là để tôn vinh Yên Khê – đạo diễn nghệ thuật của phim và cũng là người anh để lời dành tặng?
– Đúng vậy, tất cả những gì ở trong khuôn hình đều là lựa chọn của Yên Khê. Để tôi phát hiện cái gì không ổn thì mất thì giờ đấy, còn Yên Khê nhìn thấy ngay và xử lý được ngay.
Điều này rất quý giá đối với Hùng và là món quà cho khán giả. Khi khán giả rời khỏi rạp chiếu phim, họ sẽ mang cả cái đẹp về nhà, bên cạnh nội dung và ý nghĩa của bộ phim.
Dù không hề có cảnh vuốt ve
* Nhân vật nữ chính Eugénie có một ý niệm rất đẹp như anh vừa nói lúc nãy, là yêu mùa hè và sợ sự úa tàn của mùa thu, nhưng phải chăng đó cũng là một suy nghĩ cực đoan về tuổi trẻ?
– Cô ấy giống như mọi người, luôn nghĩ mình ở một độ tuổi trẻ hơn. Đó là một suy nghĩ rất thật. Đó là lời nói của một người nghệ sĩ đã luôn sống với độ nóng của lửa, luôn cảm thấy mình như một ngọn lửa.
Một người phụ nữ rất mạnh mẽ và cá tính, đã sống 20 năm với Dodin và có tình yêu nhưng không nhận lời cầu hôn cũng đã hơn 20 năm.
* Mối quan hệ giữa hai nhân vật chính không chỉ là tri kỷ, tình yêu mà chất “bạn tình” cũng rất đậm nét.
– Chất bạn tình là cái gì đó rất hay. Phim không có cảnh ôm nhau, vuốt ve, hôn hít dù hai người đã có tình yêu rất sâu nặng.
Chất riêng của mối quan hệ này được tạo ra khi Eugénie tạo ra một khoảng cách giữa hai người, tạo nên sự căng thẳng về thể xác. Hai người không gần gũi nhau trong khung hình.
Cảnh Hùng thích nhất trong phim là khi hai người ăn món omelette với nhau và có cuộc trò chuyện rất kỳ lạ. Qua những lời đó, Eugénie thể hiện tình yêu của mình với Dodin, nhưng lời nói lại khiến Dodin rất khó để hiểu là Eugénie muốn đi đến đâu.
* Đôi tình nhân ở bên nhau 20 năm mà vẫn “tương kính như tân” – một lời răn tốt đẹp không chỉ của người Việt Nam?
– Đó là một ý rất đẹp trong một mối quan hệ, kể cả bạn bè cũng nên tương kính như tân. Còn trong tình yêu, giữ được một khoảng cách cũng tạo ra vẻ đẹp cho mối quan hệ.
Hai người trong phim đã hưởng tất cả cùng nhau, mà trong đời sống hằng ngày vẫn để lại một khoảng cách cần thiết.
Chính Eugénie đã tạo ra Dodin bằng cách từ chối những lời cầu hôn trong suốt hơn 20 năm. Khi bị bắt phải trả lời câu hỏi của Eugénie, Dodin đã giữ lại điều mình muốn nói…
* Tại sao việc người đàn ông lần đầu nấu ăn cho người phụ nữ mình thương yêu lại được anh quyết làm thành một tình tiết cảm động và đắt giá như vậy?
– Đoạn phim đó rất quan trọng vì kết hợp được hai chủ đề của phim là ẩm thực và tình yêu. Ẩm thực là cách thể hiện tình cảm. Cái hay là Dodin phải nấu một bữa ăn cho một đầu bếp rất giỏi như Eugénie.
Trong ông chứa đầy sự lo lắng. Sự lo lắng đó có thể nhìn thấy trên gương mặt của ông trong từng phút một ở trong bếp. Và Dodin cũng rất vui khi làm được điều gì đó mình chưa từng làm.
Ẩm thực Pháp khác ẩm thực Việt
* Từng chứng kiến một thời “ăn chưa đủ no”, anh nghĩ sao về thời “ăn ngon” và “ăn sang” của người mình?
– Hành trình của ẩm thực, của miếng ăn trong cuộc đời mình nó lạ lắm, rất phức tạp. Đến bây giờ nếu hỏi Hùng thích ăn gì nhất thì chưa chắc Hùng đã nói ra những món cầu kỳ của nhà hàng ba sao Michelin.
Có khi một miếng ba chỉ mình chọn thật kỹ, luộc lên và chấm với nước mắm ăn với cơm, thì sẽ rất thú vị đối với Hùng vì đó là ký ức, nhắc mình về tuổi thơ khi không có gì phải lo lắng về đời sống, thấy mọi thứ xung quanh mình đều rất đẹp…
Ẩm thực liên kết với ký ức và tuổi thơ. Khi đến một nơi rất đẹp, chưa chắc đã nhìn ra sắc đẹp rõ ràng bằng những người sống ở đó, đã ăn những món xuất phát từ nơi đó.
Mình phải có một cái vị trong miệng khi ngắm nhìn cảnh đẹp. Miếng ăn nó đặc biệt như vậy đấy.
* Vậy món pot-au-feu (bò hầm kiểu Pháp) xuất hiện trên cả những bàn tiệc sang trọng lẫn những bữa ăn của các gia đình nghèo?
– Món pot-eu-feu rất bình dân. Người ta thường nấu rất nhiều và nấu đi nấu lại nhiều lần, mỗi lần nấu lại càng ngon. Cuối cùng còn dư thịt hay rau thì cắt mỏng ra trộn thành salad để ăn. Vị của món ăn này ai đã ăn thì sẽ nhớ mãi, giống như phở của Việt Nam vậy.
Nghệ thuật là biến những thứ tầm thường thành phong phú và tinh tế. Trong phim, Dodin muốn dùng món ăn bình dân này để mời một vị khách rất quan trọng. Đến bây giờ, những nhà hàng ba sao ở Pháp vào mùa đông cũng có món đó trong menu.
Mình sẽ ăn theo một cách khác. Món pot-au-feu có thể được mang ra trên bảy cái đĩa khác nhau, được sắp đặt sao cho vị của món ăn rõ ràng nhưng vẫn gợi lên một cảm giác mới.
* Cũng là cảnh nấu ăn, nhưng Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng là vẻ đẹp giản dị. Còn vẻ đẹp ẩm thực Pháp như trong Muôn vị nhân gian lại rất cầu kỳ. Đó là sự khác biệt?
– Với món ăn Việt Nam thì mình dọn lên và ăn chung với nhau. Còn ở Pháp thì các món ăn được dọn lên lần lượt, phải ăn hết món này mới đến món sau. Người Việt Nam dùng đũa.
Và tất cả những cái bạo lực cũng đã được thực hiện trong nhà bếp. Còn một bữa ăn Pháp thì người ta vẫn dùng dao, nĩa đâm vào hoặc cắt, họ phải dùng sức và dùng đến bạo lực ở bàn ăn. Đó là sự khác nhau giữa hai nền văn hóa.
* Anh đang có dự định về Việt Nam để quay một phim ở đây?
– Tôi đang có hai dự án phim phát triển song song nhau, một ở Việt Nam và một ở Pháp. Bộ phim ở Việt Nam là về những người phụ nữ Việt Nam, sẽ không có bóng đàn ông xuất hiện trong phim.
Tôi không lường trước được khi nào mình sẽ làm phim bởi không biết việc tìm tiền nhanh hay chậm. Dự án phim Pháp tôi đang phát triển là về cuộc đời của Đức Phật, cũng phụ thuộc vào việc khó khăn hay dễ dàng khi tìm tiền.
Sau giải thưởng vẫn là tìm tiền
Có giải thưởng, Hùng vẫn rất thực tế. Giải thưởng không nói lên rằng phim mình hay mà chỉ nói lên rằng mình đã rất may mắn khi những người xem phim mình thấy nó hay, mà họ chỉ là một nhóm rất nhỏ thôi. Có thể phim mình rất hay nhưng cũng chẳng được họ nhận ra.
Đời nghệ sĩ cần đến sự may mắn. Có những bộ phim không hay, tồi, mà vẫn được nhận Oscar hay Cành cọ vàng. Những giải thưởng không nói lên chất lượng, không có ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa duy nhất là giúp nhà làm phim có khả năng kiếm được tiền để làm phim sau.