Đoạn đầu phim, ta có cảnh nhân vật nữ chính Bella Baxter – vai diễn mang lại cho Emma Stone giải nữ chính xuất sắc lần hai tại Oscar – ngồi bên cây đàn piano.
Nàng đập đàn giống hơn là đánh đàn. Tiếng nhạc đinh tai nhức óc, và rồi một lát sau, nàng khua khoắng bên bàn ăn, và bản nhạc chủ đề Bella của nhà soạn nhạc Jerskin Fendrix vang lên.
Thứ âm nhạc khó dò
Một bản nhạc méo mó với những âm thanh pizzicato ngắt quãng trên đàn violin và bất ngờ khi về cuối là tiếng cả dàn nhạc dồn lên trong giây lát rồi tắt ngúm.
Jerskin Fendrix – Bella | Poor Things (Original Motion Picture Soundtrack)
Bản nhạc Bella không theo cấu trúc nào, có lúc giống như một đứa trẻ con tập nhạc nhưng vẫn có lúc đột nhiên đồ sộ phi thường, có lẽ bởi vì bản thân Bella Baxter cũng là một sinh thể nằm ngoài định nghĩa – nàng là tổ hợp của một cơ thể đàn bà trưởng thành và bộ não của một bào thai, được lắp ghép bởi bàn tay một nhà giải phẫu.
Sẽ không bất ngờ nếu như khán giả biết rằng tác giả đứng sau phần nhạc nền xuất sắc được đề cử giải Oscar và Quả cầu vàng năm nay là một gương mặt mới coóng trong âm nhạc. Phải là một người mới thì mới tạo nên thứ âm nhạc khó dò đó.
Trước khi được đạo diễn Yorgos Lanthimos chọn mặt gửi vàng làm nhạc cho Poor Things, Fendrix chỉ có album duy nhất, Winterreise, một album mà nghe xong ta tưởng mình vừa lạc bước vào phòng thí nghiệm âm thanh, không biết nên xếp vào thể loại gì.
Vẻ đẹp phá phách một cách tự thân, khiến khán giả hoang mang như đứng trước một bức tranh lập thể trong âm nhạc của Fendrix khiến nó mang đến sự mất cân đối hoàn hảo cho một bộ phim vốn dĩ đã quá nhiều sự dị hợm.
Tiếng đàn ống, kèn túi, gảy violin, lướt piano liên tục gây hấn với đôi tai ta không khác gì cách Bella lâu lâu lại hét vào mặt người đối diện những lúc nàng thấy không hài lòng.
Trong hạng mục nhạc phim tại lễ trao giải Oscar năm nay, ta sẽ thấy một cái tên không thể quen thuộc hơn: John Williams, nhà soạn nhạc huyền thoại được đề cử cho nhạc phim của phần Indiana Jones mới nhất.
Nếu coi John Williams là bậc thầy nhạc phim hàng chục năm qua của Hollywood thì Jerskin Fendrix không khác gì một anh chàng phá bĩnh truyền thống tốt đẹp bấy lâu trong thực hành nghệ thuật này, vốn thường tận dụng những dàn nhạc giao hưởng lớn và nghiêng về những giai điệu mượt mà đẹp đẽ được chơi trên đàn dây.
Tính phức tạp của thanh âm
Cuối cùng, Jerskin Fendrix ngỗ ngược không thắng giải Oscar năm nay. John Williams đáng kính cũng vậy. Giải được trao cho một người “ở giữa”, Ludwig Göransson, nhà soạn nhạc Thụy Điển đứng sau phần nhạc nền của Oppenheimer.
Vẫn tận dụng một dàn nhạc giao hưởng lớn, vẫn lấy cây violin làm linh hồn của các sáng tác, tức là vẫn đi theo những thực hành truyền từ đời này qua đời khác của nhạc nền Hollywood, nhưng Göransson – một nhân vật không làm nhạc phim thuần túy như Williams mà còn làm cả nhạc pop với những biểu tượng pop, từ Rihanna đến Alicia Keys, từ Kendrick Lamar đến Childish Gambino, từ Adele tới Justin Timberlake – vẫn chấm phá vào đó những thể nghiệm của riêng mình.
Điều đó thể hiện rõ nhất là ở các bản nhạc xoay quanh tâm tư của nhân vật chính, một nhà vật lý làm ra bom nguyên tử, như American Prometheus (Thần Prometheus của nước Mỹ), Destroyer of the World (Kẻ hủy diệt thế giới) và Oppenheimer.
Tuy đều là những bản nhạc chơi trên đàn dây, nhưng bản phối của chúng lại không có vẻ hài hòa trọn vẹn theo phong cách John Williams, vì Göransson để dành thêm “đất diễn” cho cả các nhạc cụ khác như tuba và kèn đồng, trong khi có những xử lý đặc biệt trên đàn violin, từ đó tăng tính phức tạp của thanh âm.
Dù sao đi nữa, Oppenheimer vẫn là một nhân vật vừa khủng khiếp, vừa vĩ đại. Trong đầu ông có gì, người thường không hiểu được.
Và nghe nhạc, ta cũng sẽ tưởng tượng ra một chiến trường tâm trí ngổn ngang của cả sung sướng và dằn vặt, cả tin yêu và khổ não của một số phận đã bị lịch sử nâng lên rồi lại đạp xuống, đạp xuống rồi lại nâng lên.
Nhạc phim Oppenheimer