Trong bộ phim Queen of Tears (Nữ hoàng nước mắt), người xem có dịp loá mắt vì cuộc sống sang chảnh giới chaebol của nữ chính Hong Hae In (do Kim Ji Won thủ vai). Sinh ra là thiên kim tiểu thư của tập đoàn mạnh nhất Hàn Quốc trong phim, Hae In tất nhiên là một công chúa chính hiệu với lối sống, phong thái và cách suy nghĩ của giới thượng lưu top 1%.
Một trong những “chấp niệm” của cô nàng chính là phải gia nhập được Hội nghìn tỷ – một hội nhóm đại diện của giới siêu giàu của xã hội thượng lưu Hàn Quốc. Thực chất, ở ngoài đời, không chỉ tại xứ sở kim chi, những hội nhóm bí mật dành cho những người giàu nhất trong những người giàu nhất có tồn tại, và ẩn chứa cực nhiều bí mật gây choáng ngợp.
Việc gia nhập được vào những hội nhóm này thể hiện quyền lực, sức ảnh hưởng và độ giàu có thực thụ của các thành viên.
Quy tắc khắt khe để gia nhập CLB cho giới siêu giàu bí mật nhất thế giới
Không có gì ngạc nhiên khi các câu lạc bộ dành cho thành viên tư nhân, vốn nổi tiếng với các chính sách nghiêm ngặt, danh sách chờ đợi dài và quy định khắt khe là lựa chọn lý tưởng để những người nổi tiếng và những nhân vật “hạng A” kết nối cùng nhau.
Khi F. Scott Fitzgerald gọi các hội nhóm này là “quý tộc nghẹt thở” trong Great Gastby, ông ấy không nói quá. Ví dụ như tại Mỹ, có tồn tại Câu lạc bộ Ivy (The Ivy Club), với trụ sở là một trong những phòng ăn tư nhân tại Đại học Princeton. Đây là một câu lạc bộ chỉ dành cho nam giới cho đến năm 1991. Những người muốn gia nhập phải vượt qua thành công không phải một, không phải hai mà là mười cuộc phỏng vấn, và thậm chí sau đó việc được chấp nhận cũng không được đảm bảo. Nội thất của The Ivy Club được thiết kế sang trọng và lộng lẫy. Tư cách thành viên vẫn tiếp tục sau khi tốt nghiệp và là trọn đời. Tức đây là hội nhóm dành cho những người vừa học giỏi vừa phải thành đạt, giàu có trong top 1%, hoặc 0,1% nước Mỹ.
Hay như chúng ta còn có một câu lạc bộ với cái tên rất lạ, Câu lạc bộ Chủ sở hữu Bảo tàng. Yêu cầu để tham gia câu lạc bộ này rất đơn giản, bạn phải sở hữu một viện bảo tàng. Giống như các viện bảo tàng, câu lạc bộ này hướng tới sự tinh tế và nghệ thuật đỉnh cao. Tất nhiên, chúng ta không thể biết và cũng khó tưởng tượng được đằng sau cánh cửa của Câu lạc bộ Chủ sở hữu Bảo tàng có những câu chuyện như thế nào.
Lưu ý là những hội nhóm đặc biệt của giới siêu giàu mà thế giới từng nghe đồn hoặc nghe thoáng qua chỉ được coi là “bề nổi của tảng băng chìm”. Những hội nhà giàu càng xịn xò thì sẽ càng im hơi lặng tiếng, không bao giờ để lộ bất kỳ thông tin gì trước truyền thông.
Vì sao người siêu giàu thích những thứ không giống số đông?
Chúng ta không còn xa lạ gì với những câu chuyện người giàu có sở thích “quái dị” hoặc người bình thường không thể hình dung nổi. Việc khao khát tham gia những hội nhóm kín như Hội nghìn tỷ của Hong Hae In chỉ là một trong số đó. Về mặt thực tế, đây là cách để họ chứng minh bản thân mình và tìm kiếm những mối quan hệ, mối làm ăn còn tốt hơn nữa.
Khi những thú vui “bình thường” như sở hữu đảo nghỉ dưỡng riêng, đồ hiệu, cưỡi ngựa và chơi golf đã là chuyện quá bình thường, con người sẽ cần tìm đến những thú vui khác lạ hơn nữa để cảm thấy kích thích.
Mọi người luôn nghi ngờ rằng người giàu có phần nào đó “khác biệt”, không chỉ về những gì họ sở hữu mà còn ở tính cách của họ. Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu khoa học có thể xác nhận hoặc bác bỏ luận điểm này – ở Hoa Kỳ cũng như ở Châu Âu. Năm 2021, một nhóm gồm 6 nhà kinh tế và tâm lý học người Đức đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn: Họ phỏng vấn 130 cá nhân giàu có và sử dụng kết quả để rút ra một “hồ sơ tâm lý” mà họ so sánh với toàn bộ dân số.
Nghiên cứu về tâm lý của giới siêu giàu đưa ra kết luận rằng người giàu có tâm lý rất ổn định (tức là không bị loạn thần kinh cho lắm). Nó cũng cho thấy rằng họ đặc biệt cởi mở với những trải nghiệm mới, hướng ngoại hơn, tận tâm hơn – nhưng không nhất thiết phải dễ chịu.
Một trong những phát hiện quan trọng là những người siêu giàu thường là những người không tuân thủ. Họ thích bơi ngược dòng chảy đang thịnh hành và không gặp vấn đề gì khi đi ngược lại quan điểm đang phổ biến của số đông xã hội. Một kết quả khác: những người siêu giàu có nhiều khả năng đưa ra quyết định dựa trên trực giác hơn những người khác. Họ có xu hướng dựa nhiều vào trực giác hơn là phân tích chi tiết. Vậy nên sau tất cả, người giàu không hẳn là dị, chỉ là họ khác biệt với phần đông chúng ta mà thôi.
Nguồn: Sưu Tầm internet