Theo hồ sơ của cảnh sát và quan chức thực thi pháp luật, khoảng 1h sáng ngày 5/3, cảnh sát nhận được cuộc gọi đến đường dây nóng 911 báo cáo về tiếng súng nổ bên trong một tòa nhà chung cư ở khu Highbridge, hạt Bronx, thành phố New York (Mỹ).
Ít nhất một người hàng xóm đã khai với cảnh sát rằng họ nghe thấy 2 tiếng súng phát ra từ bên trong một căn hộ ở tầng 6 của tòa chung cư. Một lúc sau, người này lại nghe thấy tiếng hét: “Xin đừng, tôi có gia đình mà!”. Sau đó, người hàng xóm báo cảnh sát, có thêm 2 tiếng súng nữa vang lên.
Ngay sau khi nghe thấy tiếng súng, người hàng xóm nhìn thấy một gã đàn ông lạ mặt mang dụng cụ vệ sinh đi vào và ra khỏi căn hộ.
Khi cảnh sát đến căn hộ trên Đại lộ Summit, gần góc Phố 162 Tây, họ tìm thấy thi thể bị phân mảnh chỉ còn phần thân và một bàn chân của một người đàn ông bên trong thùng đựng đồ bằng nhựa.
Nhờ camera an ninh trong tòa nhà, cảnh sát nhanh chóng tìm ra danh tính nghi phạm. Hắn đội bộ tóc giả màu vàng chóe, đeo khẩu trang đen và kính râm.
Camera phát hiện hình ảnh nghi phạm đi vào tòa nhà.
Hắn là Sheldon Johnson, 48 tuổi. Điều không ngờ rằng gã này chính là một nhà hoạt động tư pháp hình sự nổi tiếng ở New York.
Ông ta là người thẳng thắn ủng hộ việc phục hồi và cố vấn thanh thiếu niên tại văn phòng bảo vệ công chúng ở hạt Queens (New York) sau khi ra tù vào năm ngoái. Khi bị cảnh sát bắt giữ và dẫn đi trong bộ quần áo màu trắng, gã này vẫn hét lên trước ống kính các phóng viên: “Tôi vô tội!”.
Ngày 6/3, cảnh sát được lệnh khám xét căn hộ của Johnson ở khu dân cư Harlem. Tại đây, họ phát hiện chân, tay và đầu của nạn nhân, được xác định là Colin Small (44 tuổi) trong tủ đông. Nạn nhân đã bị bắn ít nhất một phát vào đầu.
Vào đêm xảy ra vụ án mạng, người ta nhìn thấy nghi phạm đội một bộ tóc giả màu vàng trong tòa nhà chung cư để ngụy trang.
Ngày 7/3, Sheldon Johnson bị khởi tố tội giết người và sở hữu súng đã nạp đạn. Ông ta từng phải ngồi tù khoảng 25 năm vì tội cố ý giết người và các tội danh khác. Sau khi ra tù, ông ta trở thành nhà hoạt động xã hội, trở thành nhà hoạt động tư pháp hình sự nổi tiếng ở thành phố New York.
Thậm chí tháng trước, Johnson đã xuất hiện trên podcast nổi tiếng của người dẫn chương trình Joe Rogan. Trong đó ông ta thảo luận về cách ông ta thay đổi cuộc đời mình và làm công việc giúp đỡ những thanh niên có nguy cơ phạm tội cao.
Theo hồ sơ nhà tù tiểu bang, năm 1997, với bí danh Thomas Smalls, Johnson bị kết tội tàng trữ tài sản bị đánh cắp ở Manhattan.
Tên Johnson từng có quá khứ tù tội và tuyên bố làm lại cuộc đời nhưng ra tù chưa lâu ông ta đã phạm phải trọng tội.
2 năm sau, Johnson bị kết tội âm mưu giết người, cướp tài sản và các tội danh khác ở Manhattan. Ông ta phải chịu mức án tối đa là khoảng 25 năm và được trả tự do vào tháng 5 năm 2023.
Vụ án âm mưu giết người và việc bị giam giữ kéo dài đã thúc đẩy công chúng nỗ lực thuyết phục nhà nước khoan hồng cho Johnson. Một trang gây quỹ trên trang web newyorkersforclemency.com đã mô tả ông ta là một “nhà lãnh đạo và cố vấn cộng đồng” cũng như một “nhà văn sáng tạo và một nhà khoa học”.
Trong các bài viết của chính mình và trong các báo cáo truyền thông khác, Johnson mô tả việc mình bị giam giữ là một phần di sản tội ác và hình phạt của gia đình. Cha của Johnson cũng từng ngồi tù, và con trai ông ta, cũng tên là Sheldon Johnson, đã nhận tội ngộ sát tại tòa án gia đình liên quan đến vụ tấn công chí mạng một sinh viên tốt nghiệp trường Columbia vào năm 2008.
Những chiếc túi đựng các phần thi thể nạn nhân.
Trên podcast của người dẫn chương trình Joe Rogan, Johnson cho biết mình vẫn tích cực hoạt động vì xã hội sau song sắt nhà tù,
Vào năm 2005, Johnson tỏ ra ăn năn vì quá khứ buôn bán ma túy, súng và hoạt động băng đảng. Ông ta muốn bỏ lại tất cả quá khứ để làm lại từ đầu. “Con trai tôi lớn lên đã nghe những câu chuyện về tai tiếng của tôi. Tôi chỉ không muốn trở thành người cha như thế”, Johnson nói. “Tôi tự nhủ: ‘Lâu nay mình đã làm điều xấu rồi, mình sẽ cố gắng làm điều gì đó tốt đẹp. Nếu vẫn thất bại, tôi luôn có thể quay lại làm điều gì đó tồi tệ. Nhưng hãy để tôi thử. Hãy để tôi thử xem”.
Nguồn: New York Times, Daily Mail
Nguồn: Sưu Tầm internet