Dune được đánh giá là một trong những tiểu thuyết viễn tưởng hay nhất của thập niên 1960. Tuy nhiên, mức độ đồ sộ và đi trước thời đại khiến việc chuyển thể nó trở nên khó khăn. Phần phim Dune (1984) của David Lynch cũng không thành công như mong đợi. Phải đến Dune (2021) của Denis Villeneuve thì người xem mới thực sự chứng kiến được sự choáng ngợp của Arrakis. Sau 3 năm, Dune: Part Two (Dune 2) đúng nghĩa là một phiên bản nâng cấp toàn diện của phần trước đó.
Dune: Part Two tiếp nối những gì đang dang dở khi gia tộc Atreides bị tiêu diệt còn Paul (Timothée Chalamet) và Lệnh bà Jessica (Rebecca Ferguson) buộc phải nương nhờ người Fremen. Theo thời gian, Paul dần nhận được sự tin tưởng của Stilgar (Javier Bardem) và các thành viên trong bộ tộc người Fremen. Anh chàng và Chani (Zendaya) cũng nảy sinh tình cảm. Song, Paul luôn từ chối con đường trở thành Đấng cứu thế mà mẹ mình vạch sẵn. Anh chàng chỉ thực hiện những trận đánh nhỏ lẻ nhằm phá hoại việc khai thác hương liệu. Nhưng khi nhà Harkonnen đưa một thủ lĩnh tàn bạo là Feyd-Rautha (Austin Butler) lên nắm quyền thì cuộc chiến lẫn số phận của Paul đã thay đổi mãi mãi.
Một trải nghiệm điện ảnh hoàn hảo
Có thể khẳng định Denis Villeneuve là một trong những đạo diễn đứng hàng đầu về mặt hình ảnh của Hollywood trong những năm gần đây. Từ Arrival (2016), Blade Runner (2049) cho tới Dune, nhà làm phim sinh năm 1967 đều mang đến một trải nghiệm thị giác và thính giác đỉnh cao. Và Dune: Part Two là một bước nâng cấp rõ rệt từ những tác phẩm kể trên.
Nhờ việc sử dụng hoàn toàn bằng máy quay IMAX, bộ phim cho thấy được toàn cảnh choáng ngợp của vùng đất Arrakis bao la biển cát. So với phần trước, Dune: Part Two có nhiều đại cảnh quy mô lớn, yêu cầu kỹ xảo phức tạp và phần hình ảnh mãn nhãn hơn như đoạn Paul tập điều khiển Sâu Cát, hình ảnh anh chàng trở thành Đấng cứu thế đi giữa hàng vạn người với slow-motion và âm nhạc hùng hồn đến sởn gai ốc của Hans Zimmer.
Phim tận dụng rất nhiều góc quay từ cận cho đến toàn cảnh để thể hiện rõ ý đồ của đạo diễn. Gần như mọi khung hình đều có thể được cắt ra để làm hình nền mà không mất đi độ nét. Phần màu sắc cho thấy sự sáng tạo của Denis Villeneuve khi thể hiện được tính chất, đặc trưng của bối cảnh. Ví dụ như hành tinh quê nhà của tộc Harkonnen được quay bằng máy hồng ngoại khiến da của nhân vật trở nên nhợt nhạt nhằm cho thấy sự tàn bạo của họ.
Yếu tố hành động trong Dune: Part Two cũng nhiều hơn hẳn phần một. Từ những trận đột kích quy mô nhỏ, thiên về tấn công cận chiến của người Fremen cho tới trận đại chiến giữa với nhà Harkonnen và lực lượng Sardaukar của Hoàng Đế có quy tụ nhiều con Sâu Cát cùng vô số vũ khí chiến tranh hiện đại. Cảnh phim có thể ví như một Lord of the Rings ngoài không gian với quy mô không hề thua kém.
Âm mưu tranh quyền và sức mạnh của sự cuồng tín
Trong Dune, khán giả được giới thiệu qua hệ thống thế giới đồ sộ gồm các Đại gia tộc mà nổi bật nhất là Harkonnen và Atreides, Hiệp hội các hoa tiêu để du hành liên hành tinh và hội nữ tu Bene Gesserit có nhiều quyền năng hơn người. Bộ phim cũng giải thích phần nào âm mưu của Bene Gesserit khi thao túng toàn bộ Đế chế trong bóng tối, lai chéo gen giữa các Đại gia tộc nhằm tạo ra kẻ được chọn.
Ở Arrakis, họ đưa ra một lời tiên tri giả về Lisan al Gaib – Đấng cứu thế đưa người Fremen đến Thiên Đường Xanh. Những lời dối trá bám rễ trong 10.000 năm đã tạo ra một niềm tin mãnh liệt. Dune: Part Two đi sâu vào khám phá những âm mưu của Bene Gesserit và cho thấy sự đáng sợ của tôn giáo. Ngay cả khi Paul bị một bộ phận Fremen bài xích thì số còn lại coi cậu như vị thánh sống và sẵn sàng tử vì đạo.
Cách Lệnh bà Jessica thao túng tâm lý của người Fremen hay những tộc trưởng cuồng tín sẵn sàng tước đoạt hàng tỷ mạng người vì Paul được được xây dựng rất thực tế. Hóa ra, mọi thứ trong Dune chỉ là trò chơi của những kẻ ở trong bóng tối và dù cho ai chiến thắng thì chúng vẫn được hưởng lợi.
Điểm đáng tiếc là yếu tố đấu trí giữa Paul và Hoàng đế lẫn nhà Harkonnen lại khá đơn điệu, dễ dàng. Dù đạo diễn đã có thêm thắt một vài tình tiết để “tăng độ khó” cho nhân vật chính nhưng anh chàng lại quá bá đạo và đội quân Fremen “out trình” tất cả khiến cái kết diễn ra khá chóng vánh, chưa thật sự thỏa mãn cho người xem dù phim dài đến gần 3 tiếng.
Diễn xuất xuất thần của Timothée Chalamet
Timothée Chalamet được mệnh danh là “chàng thơ” của Hollywood bởi gương mặt đẹp như tượng và đôi mắt lúc nào cũng u uất. Do đó mà anh chàng gần như bị đóng khung với những vai chàng trai trẻ ngây ngô gặp thất bại trong tình yêu nên lúc nào cũng sầu đời. Hình tượng ấy có phần nào phù hợp với Paul trong Dune khi chịu tổn thương vì gia tộc bị tiêu diệt và luôn muốn chối bỏ danh hiệu Đấng cứu thế.
Đến Dune: Part Two, sự đấu tranh nội tâm trong lòng Paul ngày càng nhiều hơn khi anh thấy được những ảo ảnh rời rạc của tương lai. Anh biết được nếu mình trở thành Lisan al Gaib của người Fremen thì cả vũ trụ chỉ có tang thương. Song, nhiều khán giả tỏ ra nghi ngờ không biết liệu Timothée Chalamet sẽ thể hiện hình ảnh một Đấng cứu thế uy quyền, biết trước mọi thứ và khiến mọi kẻ địch phải kinh hãi ra sao.
Cuối cùng, tài tử sinh năm 1995 đã gây bất ngờ với sự thay đổi rõ rệt khi trở thành Lisan al Gaib. Khó ai ngờ một Paul luôn buồn bã chỉ vài phút trước nay đã có ánh mắt sắc lẹm, giọng nói trầm, đầy tính đe dọa và phong thái của một vị Hoàng đế tàn bạo. Trong khoảnh khắc ấy, có lẽ không chỉ người Fremen mà cả người xem còn phải thốt lên rằng: “Đúng là Đấng cứu thế đây rồi!”
Không chỉ Paul, Jessica cũng có sự thay đổi rõ rệt trong phần phim này. Để Paul có thể trở thành Lisan al Gaib, cô chấp nhận làm Mẹ Chí Tôn của người Fremen với trí tuệ không kém gì cậu con trai. Rebecca Ferguson không chỉ đẹp mà còn toát lên vẻ quý phái, lạnh lùng và tàn nhẫn của một kẻ xem tính mạng của hàng triệu người chỉ là con tốt thí trên bàn cờ quyền lực.
Diễn xuất của Rebecca Ferguson lấn át cả hai nữ diễn viên khác là Zendaya và Florence Pugh. Dù vai trò của Chani đã nhiều hơn trong Dune: Part II và có sự quan trọng nhất định trong hành trình của Paul nhưng diễn xuất của Zendaya chỉ ở mức tròn vai, nếu không nói là nhạt nhòa trước bạn diễn quá xuất sắc. Florence Pugh chỉ xuất hiện trong vài phân cảnh và gần như không để lại ấn tượng gì.
Trong khi đó, Austin Butler dù thời lượng không nhiều nhưng lại tỏa sáng bởi nét điên loạn và nguy hiểm của một tên quý tộc khát máu, sẵn sàng giết chóc cho vui hoặc chỉ để thử xem vũ khí có sắc bén hay không. Không ai biết trước nhân vật này sẽ làm gì tiếp theo bởi bản tính thâm hiểm và xảo trá.
Chấm điểm: 4/5
Có thể nói Dune: Part Two chính là một trong những trải nghiệm hình ảnh, âm thanh và kỹ xảo đỉnh cao nhất trong vài năm trở lại đây. Có lẽ chỉ có Denis Villeneuve mới có thể chuyển thể được sự đồ sộ của tiểu thuyết Dune lên màn ảnh rộng với mức độ sống động và hoành tráng đến thế. Đây có thể xem là “phép màu” của điện ảnh mà chỉ có trải nghiệm ngoài rạp chiếu mới có thể đem lại. Sau Dune: Part Two, người xem lại “lót dép” hóng phần tiếp theo để xem hành trình của Paul và người Fremen sẽ đi đến đâu trong vũ trụ rộng lớn này.
Nguồn: Sưu Tầm internet