“Hình ảnh phim giống như đang xem hoạt hình”, “Giống thời còn bé xem chương trình cổ tích ghê á”, “Nhìn sợ hãi thiệt, như Táo quân cách đây 15 năm trước ý” những ý kiến khán giả được viết lại.
Xem kỹ xảo Duyên tiên tiền định như xem Tây du ký xưa
Kịch bản Duyên tiên tiền định thuộc thể loại cổ tích, được phỏng theo câu chuyện Cây chổi.
Hai nhân vật chính là hai thần tiên Phạm Trung và Kim Sang. Họ yêu nhau nhưng vi phạm luật trời nên Kim Sang bị đày xuống trần gian làm người thường, chịu hình phạt nấu ăn cho người khác. Còn Phạm Trung bị giam cầm, đói khát suốt 300 năm.
Trailer phim Duyên tiên tiền định
Đến tập phát sóng thứ 12, họ trải qua nhiều kiếp nạn và gặp lại nhau trong một mối quan hệ “oan gia”.
Bộ phim đang đứng đầu top 10 phim và chương trình có lượng người xem cao nhất. Nội dung câu chuyện, bài hát trong phim và diễn xuất diễn viên tốt là điểm cộng cho bộ phim này.
Thế nhưng, kỹ xảo trong phim quá yếu khiến cảnh chốn thiên đình vừa giả lại vừa xấu.
“Phim khá hay nha, chỉ là phần nhìn kỹ xảo hơi ba chấm”, một khán giả nhận xét. Có ý kiến cho rằng xem phim “như quay lại thời xem Tây du kí xưa luôn”.
Cây cối, hoa lá, núi non trong cung đình ghép lại khá vụng về.
Cảnh Phạm Trung và Kim Sang rơi từ trên trời xuống xấu ơi là xấu.
Diễn viên Hòa Hiệp vai Phạm Trung khi còn là thần tiên được gắn bộ ria mép cong và mái tóc giả trông thật hài hước.
“Tôi cũng hơi liều”
Trước những ý kiến nhận xét về kỹ xảo còn quá yếu kém trong phim Duyên tiên tiền định, đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương thực hiện phim cho rằng các ý kiến trên đều đúng hết.
Ông chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Khán giả chê là đúng vì thể loại này các nước đã làm siêu lắm rồi. Ở Việt Nam có những công ty hay ê kíp làm kỹ xảo rất là tốt. Các bộ phim, MV ca nhạc hay clip quảng cáo có kỹ xảo đẹp. Nhưng kinh phí họ có và họ làm không thua gì phim nước ngoài”.
Đạo diễn thừa nhận: “Đúng là tôi cũng hơi liều. Kinh phí sản xuất phim truyền hình hiện nay không thể làm nổi thể loại này. Thật sự tôi muốn đa dạng thể loại phim nhưng cái này quá khả năng rồi”.
Và ông vẫn khẳng định: “Khi nào có đủ kính phí tôi sẽ làm tiếp thể loại này vì tôi đam mê”.
Trước đây bộ phim thiếu nhi Gia đình phép thuật phát sóng từ năm 2009 đến 2011 với tổng cộng 340 tập. Phim có nhiều kỹ xảo khá đẹp mắt, được khán giả đón nhận.
Phim được đầu tư rất lớn về trang phục và kỹ xảo. Đoàn phim đã mời chuyên gia điều khiển máy bay mô hình ở Hà Nội để ghi hình các cảnh quay trên không, sau đó từ hình ảnh này làm kỹ xảo. Được biết một giờ dùng máy bay ghi hình, nhà sản xuất phải trả 50 triệu đồng.
“Kỹ xảo trong Gia đình phép thuật được sự hỗ trợ rất lớn bởi công ty HK phim. Nếu tính tiền đúng theo thị trường thì cũng khó làm nổi”, bà Huỳnh Thanh Diệu, đơn vị sản xuất bộ phim nhớ lại.
Vậy mà sau hơn 10 năm, đến nay kinh phí sản xuất phim truyền hình vẫn giậm chân tại chỗ dù vật giá leo thang từng ngày.
Điều này đã khiến cho phim Việt hiện nay chủ yếu khai thác đề tài xã hội đương đại. Thể loại phim xưa chỉ quanh quẩn ở quê làng. Phim cổ tích gói ghém trong vài tập và ít sử dụng kỹ xảo, mà nếu có thì lại kém duyên.