Mới đây, thông tin quán phở Mặn ở Hà Nội hoạt động trở lại sau nhiều năm đóng cửa khiến nhiều người háo hức. Ngay trong ngày đầu mở bán trở lại, quán phở Mặn vẫn đông nghịt khách. Đối với dân nghiện phở mặn, đây là tin vui đáng mong đợi ngay dịp đầu năm mới.
Thông tin quán phở mặn ở Hà Nội hoạt động trở lại sau nhiều năm đóng cửa khiến nhiều người háo hức.
Tuy nhiên, việc ăn mặn vốn được giới chuyên gia khuyến cáo liên tục vì không tốt cho sức khỏe. Cùng trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) để rút ra những lưu ý quan trọng khi ăn phở mặn cũng như ăn đồ mặn nói chung, tránh hại sức khỏe mà vẫn thỏa mãn khẩu vị của bạn!
PV: Trào lưu ăn phở mặn quay trở lại ngay dịp đầu năm mới và nhận được sự quan tâm lớn của mọi người. Chuyên gia đánh giá thế nào về thói quen ăn uống của người Việt?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Đầu tiên, tôi phải chia sẻ một sự thật là nhiều người Việt Nam có thói quen ăn mặn. Điều này xuất phát từ sự yêu thích, vị giác mỗi người ngay từ nhỏ. Với họ, ăn mặn thấy ngon miệng, đậm đà hơn, ăn được nhiều hơn…
Để ý mà xem! Chúng ta luộc rau cũng phải cho thêm chút muối để rau xanh, vị đậm đà. Ăn rau luộc có muối rồi vẫn phải có bát nước chấm như nước mắm, nước tương, xì dầu… trên mâm cơm thì mới cảm nhận tròn vị món ăn cũng như bữa ăn.
Nói chung, ăn mặn đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người Việt nên chẳng có gì khó hiểu cho chuyện nhiều người thích ăn phở mặn cả. Phở mặn cũng chỉ là một trong những món ăn có vị đậm đà hơn phở bình thường, ăn mặn thì người Việt thích.
Phở mặn cũng chỉ là một trong những món ăn có vị đậm đà hơn phở bình thường, ăn mặn thì người Việt thích.
Theo Bộ Y tế, hơn 78% người Việt có thói quen ăn mặn, thường xuyên cho thêm muối, gia vị mặn vào thức ăn khi nấu hoặc trong khi ăn. Trung bình một người trưởng thành ở nước ta tiêu thụ 8,1g muối mỗi ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO – ít hơn 5g muối/ngày.
Trong đó, tỷ lệ cho thêm muối, nước mắm, gia vị mặn vào thức ăn khi nấu hoặc khi ăn chiếm đến 78,2%; 8,7% người dân luôn ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Chỉ nhìn những con số đó thôi đủ thấy người Việt ăn mặn và thích ăn mặn cỡ nào rồi.
PV: Việc ăn phở mặn hay các món mặn như vậy mỗi ngày có an toàn cho sức khỏe không, nếu có những rủi ro sức khỏe thì đó cụ thể là gì?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Như trên đã nói, ăn phở mặn hay đồ mặn nói chung được nhiều người Việt thích thú. Và thói quen ăn mặn hàng ngày, liên tục như vậy không hề tốt cho sức khỏe. Chúng ta vẫn nghe giới chuyên gia nhắc nhở, kêu gọi ăn nhạt thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đó thôi!
Ăn mặn nói chung có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp vì lượng natri cao trong muối có thể làm tăng lượng dịch trong cơ thể, gây áp lực lên các mạch máu. Điều này làm cho tim phải làm việc nặng nề hơn để bơm máu, dẫn đến tăng huyết áp. Nếu tình trạng kéo dài, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như suy tim hoặc đột quỵ.
Ăn mặn thường xuyên cũng gây tổn thương cho thận vì thận phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng muối dư thừa. Lâu dài, điều này có thể làm giảm khả năng lọc của thận, dẫn đến các bệnh lý như sỏi thận, suy thận.
Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, nó cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do natri có thể gây ra viêm nhiễm hoặc tổn thương niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tế bào ác tính.
Ăn mặn làm giảm khối lượng xương, vì muối làm tăng lượng canxi mà cơ thể bài tiết qua nước tiểu, làm giảm mật độ khoáng của xương. Từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Vì những rủi ro sức khỏe đó, người dân nên ăn nhạt thường xuyên. Nếu thích ăn phở mặn thì vẫn có thể thưởng thức nhưng không nên ăn thường xuyên, có thể mỗi tuần chỉ ăn 1-2 lần thôi chẳng hạn, thì theo tôi sẽ vừa đáp ứng khoái khẩu vừa giảm thiểu rủi ro sức khỏe.
Điều này không chỉ đúng với riêng món phở mặn đang là trào lưu đâu nhé! Với các món ăn hàng ngày tại gia đình bạn cũng thế. Bạn cũng nên hạn chế hoặc kết hợp ăn với món nhạt, không dùng nước chấm thêm… sẽ giảm nạp muối vào cơ thể.
PV: Ngoài việc giảm ăn phở mặn và đồ mặn nói chung, liệu có những cách nào giúp giảm muối nạp vào cơ thể ngay trong bữa ăn không? Xin ông chia sẻ thêm một số giải pháp!
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Ví dụ như trong việc ăn phở mặn, phở đã đậm đà hơn bình thường rồi thì mọi người không nên cho thêm gia vị mặn như nước mắm, muối nữa, chỉ nên bổ sung tương ớt, chanh, dấm tỏi… thôi để món ăn tăng cường hương vị, không nạp thêm muối.
Trên mâm cơm gia đình, bữa ăn đã có món mặn như cá kho, thịt kho rồi thì món rau luộc có thể bỏ qua bát nước mắm. Hoặc nước chấm nên pha nhạt, để ăn kèm ngon hơn mà không sợ nạp thêm nhiều muối vào cơ thể.
Trong quá trình nấu ăn, những món không cần thiết như rau củ luộc có thể bỏ qua cho thêm muối, hạt nêm… Nhiều lắm! Miễn là mọi người để ý một chút trong việc ăn gì, nấu gì thì sẽ cắt giảm được lượng muối kha khá. Học cách ăn nhạt sẽ tốt hơn cho sức khỏe của chúng ta.
Không phải muốn ăn nhạt luôn là được luôn đâu, mình cứ từ từ thay đổi từng chút một. Ví dụ thay dần thực phẩm chế biến sẵn sang đồ chưa qua chế biến, tự nấu ăn tại nhà thay vì đi ăn hàng quán thường xuyên… cũng là cách kiểm soát gia vị, cắt giảm muối trong chế độ ăn rồi. Tôi tin việc chú ý ăn uống lành mạnh sẽ giúp chúng ta thành công trong việc cắt giảm muối thôi!
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Nguồn: Sưu Tầm internet