Khi đi qua các khu chợ truyền thống, không ít người tiêu dùng tỏ ra tò mò trước cách các tiểu thương bày biện hàng hóa. Điển hình như sạp thịt, đều là loại thịt được sử dụng phổ biến nhưng cách bày bán đối với thịt lợn và thịt bò ở chợ lại khác nhau. Tại sao người bán thịt treo thịt bò lên cao nhưng lại đặt thịt lợn trên mặt bàn?
1. Nhu cầu và tốc độ bán hàng
Ở Việt Nam, vì giá rẻ hơn và dễ chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, thịt lợn thường bán chạy hơn thịt bò. Do đó, người bán thường bày thịt lợn trên mặt bàn để cắt cho thuận tiện.
Thịt bò đắt hơn, ít người mua hơn, lại thường là các tảng lớn nên người ta sẽ treo lên để tiết kiệm không gian. Thịt bò được treo cao cũng giúp người bán dễ dàng cắt, xẻ, loại bỏ gân cơ thừa hoặc róc xương hơn.
2. Dễ bảo quản và thu hút
Thịt lợn nhiều mỡ, nếu treo lên cao, người mua sẽ nhìn thấy rõ phần mỡ của thịt, trông sẽ kém hấp dẫn. Do đó, thịt lợn thường được đặt trên mặt bàn.
Còn thịt bò rất ít mỡ, việc treo lên giúp thông gió, giữ thịt khô ráo. Bên cạnh đó, không gian trong chợ thường ẩm ướt, nhiều vi khuẩn, nên treo thịt bò cũng là một cách giúp thịt giữ được độ tươi ngon cho đến cuối buổi bán hàng.
3. Phân biệt và “khoe” chất lượng
Việc treo thịt bò hoặc cả cái đùi bò lên cao giúp người mua dễ lựa chọn hơn, vì trực quan hơn, khách hàng có thể chọn mua đúng phần thịt mà mình muốn sau khi xem xét kỹ.
Các tiểu thương cũng khéo léo “khoe” chất lượng thịt tươi ngon, không bơm nước khi treo thịt bò lên cao, khiến khách hàng tin tưởng hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng treo thịt bò sẽ khiến các sợi cơ mềm và đàn hồi hơn. Miếng thịt sau khi chế biến cũng mềm, dễ nhai hơn.
Do cách bày bán này trở thành “luật bất thành văn” ở các khu chợ dân sinh, khách hàng đi ngang quầy thịt treo cũng có thể biết rằng quầy đó bán thịt bò chứ không phải thịt lợn, dễ dàng nhìn thấy từ xa.
Mỗi tiểu thương có những kinh nghiệm và phương pháp riêng biệt để bày bán hàng hóa, phù hợp với điều kiện kinh doanh cũng như quy định địa phương. Chính những điều này đã tạo nên sự phong phú và đa dạng trong văn hóa bán hàng ở các chợ truyền thống, phản ánh sự sáng tạo và linh hoạt của người bán hàng trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Dù vậy, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp vẫn cần dựa trên các tiêu chí về chất lượng và an toàn thực phẩm, không nên chỉ dựa vào cách trưng bày và vẻ ngoài mà đưa ra quyết định.
Nguồn: Sưu Tầm internet